Tranh, tượng nhanh hỏng còn do…ý thức nghệ sĩ!

17/03/2009 16:25 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nếu đổ thừa tất cả các việc hư hỏng tác phẩm cho các nơi bảo quản, trưng bày, hay sự cẩu thả của những người sở hữu, bảo quản thì cũng khó thuyết phục. Bởi thực tế, chính các họa sĩ, các nhà điều khắc cũng là nguyên nhân quan trọng trong việc xuống cấp này, bởi họ chưa đủ ý thức, hoặc không ý thức hết về kỹ thuật và trách nhiệm của mình.
 
 
Đừng nghĩ việc bảo quản là… chuyện của thiên hạ

Năm 1992, Thừa Thiên - Huế tài trợ cho điêu khắc gia Điềm Phùng Thị khu biệt thự cổ hai tầng rộng đến 2.650m2 với ba mặt tiền lớn là Nguyễn Huệ, Phan Bội Châu và Ngô Quyền làm nơi trưng bày. Và tháng 2/1994, nhà trưng bày ra mắt trong sự phấn chấn, lạc quan của mọi người. Tuy nhiên, những người chịu quan sát thì lại sinh lo lắng, vì tác phẩm của nhà điêu khắc này làm bằng nhựa tổng hợp, đồng mỏng… thì e rằng khó có thể bảo quản được bền lâu ở một nơi mưa gió, ẩm ướt như Huế.

Rồi trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Huế hay An Giang cũng thế, các nghệ sĩ chọn chất liệu nhựa tổng hợp rất nhiều, vậy mà cứ trưng bày ngoài trời, không hư mới lạ. Tác phẩm Hoa nữ trinh bằng nhựa tổng hợp của Toym de Leonimao (Singapore), đứng trên bờ sông Hương vài năm đã bị cụt tay, cũng rất dễ hiểu. Cho nên nhiều người cho rằng, với các nghệ sĩ và nhà trưng bày, tác phẩm chỉ là chuyện bề mặt, làm cho có, xong rồi thì quên, chứ đâu có nghĩ gì đến việc chất liệu đó có phù hợp với khí hậu, điều kiện bảo quản, nơi trưng bày hay không?
 
Tác phẩm Nữ quan lại (80x113cm, sơn dầu, 1931) của Lê Phổ dù
chưa đến mức phục chế, những đã được nước ngoài gia cố

Đành rằng, tác phẩm qua thời gian thì phải hư, nhưng bằng chứng cho thấy nếu chọn chất liệu phù hợp và xử lý chất liệu cho tốt thì cũng không dễ hư như vậy. Các bài trước đã có đề cập, danh họa Phạm Đăng Trí chuyên vẽ lụa và giấy dó, nhưng đến nay tác phẩm vẫn còn khá hoàn hảo, vì theo con trai ông ta kể lại, trước khi vẽ ông xử lý chất liệu khá cẩn trọng, chỉ cần có một giọt nước rơi vào giấy sau khi xử lý (mất cả tháng), ông bỏ ngay tấm giấy dó đó. Hay như Lưu Công Nhân, ông chuyên vẽ màu nước, có những chuyến đi vẽ kéo dài hàng năm trời, vậy mà nhìn vào khoảng mấy trăm bức còn lại đây đó ngày nay, người xem sẽ rất ngạc nhiên vì sự hoàn hảo. Ông là người rất ý thức về chất liệu, nên việc bảo quản và chuyên chở, ông đều hết sức cẩn thận.

Trong cuốn Họa sĩ – kẻ sáng tạo nên mình (NXB Mỹ thuật, 2002), nhà phê bình Nguyên Hưng viết: “Người Việt Nam chưa bao giờ tiếp cận với mỹ thuật phương Tây một cách hệ thống, chưa bao giờ ‘giải mã’ bản chất ngay từ trong nền tảng văn hóa và xã hội của nó một cách chính đáng” (tr.273). Cho nên việc các nghệ sĩ học chắp vá, thiếu căn cơ… cũng là điều có thể lý giải được. Đó là chưa nói, phần lớn còn có suy nghĩ sáng tạo tác phẩm mới là quan trọng, còn chất liệu, vật liệu, sự bảo quản là chuyện của thiên hạ. Theo đánh giá của các nhà phục chế sơn dầu nước ngoài trên các báo cáo, phần lớn họa sĩ Việt Nam không nắm vững chất liệu này, và khi xử lý bố, toan, khung… cũng không đúng trình tự và khoa học.

Bắt đầu từ chính các nghệ sĩ

Trong khi chờ các cấp quản lý Nhà nước, các bộ, các sở ban ngành “tính toán” lại tỷ lệ đầu tư cho việc mua, bảo quản, trưng bày và phục chế tác phẩm, nhiều nhà nhận định đều cho rằng hướng khắc phục đầu tiên vẫn phải xuất phát từ chính các nghệ sĩ. Họ là người tạo tác, họ phải chịu khó xử lý chất liệu và phải “thật thà” trong chuyện dùng chất liệu, nhất là khi điều kiện sử dụng vật liệu đã thuận tiện hơn. Bởi nếu họ coi thường hay ẩu trong chuyện này, về sau người bảo quản và phục chế tác phẩm sẽ rất nhọc công.

Vì thế, nếu không tìm ra các hướng khắc phục nhanh chóng và hiệu quả, thì thành quả mà nền mỹ thuật Việt Nam tạo ra trong suốt thế kỷ 20 sẽ rơi vào công thức u buồn này: Phần lớn tranh đẹp ở nước ngoài; số còn lại ở trong nước thì bị hư và sắp “chết”. Nếu chưa làm được điều này thì khoan hãy nói tới chuyện ra nước ngoài mua tác phẩm về như các nước đã làm, bởi ngoài sự tốn kém thì khi mua về sẽ bảo quản, trưng bày như thế nào và ở đâu?

Văn Bảy


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm