Trung tâm Bảo quản, tu sửa mỹ thuật đầu tiên

15/03/2009 09:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ thực tiễn hoạt động của đơn vị mình, ông Trần Dũng Tiến,Phó GĐ Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "việc tu sửa, phục chế ngày càng bài bản hơn!”.
 
 
Đây được xem là Trung tâm đầu tiên, là đơn vị “đầu tàu” trên lĩnh vực này bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật nhờ có sự hợp tác tích cực với các đối tác nước ngoài. TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông

* Thưa ông, công tác bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật được tiến hành ra sao, nhất là khi thành lập được Trung tâm?

- Song song cùng các hoạt động chuyên môn khác, hoạt động tu sửa phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật VN đã bắt đầu ngay từ những ngày đầu thành lập và ngay từ khi bảo tàng đi vào hoạt động. Việc tu sửa phục chế được tiến hành đồng thời với công tác bảo quản dù trong điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn. Suốt mấy chục năm qua các thế hệ làm công tác tu sửa phục chế của Bảo tàng đã đạt được một số kết quả.

Tu sửa các tác phẩm mỹ thuật

Tuy nhiên trong 2-3 năm trở lại đây công tác tu sửa phục chế mới thực sự được khuấy động và hoạt động mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt là sau khi tu sửa thành công bức tranh sơn dầu Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn. Dưới sự tài trợ của tổ chức ASIALINK, chị Caroline Fry – chuyên gia người Australia cùng với các cán bộ của bảo tàng đã mất gần 3 tháng phục chế thành công bức tranh Em Thúy và đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng và giới mỹ thuật nói riêng…

* Trong quá trình tu sửa phục chế các tác phẩm nghệ thuật, trung tâm có gặp khó khăn về kỹ thuật không?

- Mặc dù với sự lỗ lực của anh em, cộng với kinh nghiệm lâu năm hoạt động trong ngành mỹ thuật, nhưng việc tu sữa phục chế nói chung gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về trang thiết bị chuyên môn. Bên cạnh đó, nguyên vật liệu và các loại hóa chất đặc chủng gần như quá thiếu thốn. Các thiết bị để bảo quản và tu sửa nói chung không có. Còn về kỹ thuật, các cán bộ của bảo tàng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của ông cha để lại cộng với những kinh nghiệm và phương pháp học hỏi được trong những thời gian làm việc với các chuyên gia nước ngoài, các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, nên việc tu sửa phục chế ngày càng tốt hơn, bài bản hơn!

* Cho đến nay, trung tâm đã tu sửa được bao nhiêu tác phẩm?

- Sau thành công của Em Thúy, Bảo tàng đã được trường ĐH Mỹ thuật Dresden (Đức) giúp đỡ tu sửa cho tác phẩm Tan ca mời chị em ra họp thi chọn thợ giỏi (của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung). Bảo tàng đã cử 2 cán bộ là họa sĩ và kỹ sư hóa sang đức để cùng tham gia tu sửa, học tập kinh nghiệm. Khi hoàn thành, tác phẩm này đã nhận được sự đánh giá cao trong công chúng.

Chuyên gia Caroline Fry trong quá trình phục chế bức tranh “Em Thúy”. Ảnh chụp năm 2004

Ngoài ra, bảo tàng cũng nhận được sự tài trợ của ĐSQ Mỹ cho việc tu sửa 2 bức sơn mài: NamBắc một nhà (Nguyễn Văn Tỵ) và Hội chùa (Lê Quốc Lộc). Các cán bộ họa sĩ có chuyên môn cao trong việc tu sửa sơn mài đã thực hiện ngay tại trung tâm và khi kết thúc, 2 tác phẩm này được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao. Sơn mài là một ngành mỹ thuật truyền thống của VN, do vậy đây cũng là thế mạnh của các cán bộ tu sửa phục chế. Nhưng hiện nay, không riêng gì sơn mài, việc tu sửa các loại tranh sơn dầu, lụa, tranh giấy, những tác phẩm điêu khắc cổ... đều là thế mạnh của chúng tôi. Việc tu sửa phục chế các tác phẩm vẫn thường xuyên được tiến hành, tùy theo mức độ hư hại nặng hay nhẹ. Năm 2008, trung tâm tu sửa được 116 tác phẩm (năm 2007 là 144, năm 2006 là 109).

* Bên cạnh việc tu sửa phục chế các tác phẩm tại Bảo tàng, trung tâm có làm dịch vụ cho các bảo tàng, gallery ở ngoài...?

- Trong quy chế của bảo tàng, những hoạt động mang tính dịch vụ cũng được phép. Nhưng thời gian vừa rồi, những hoạt động mang tính dịch vụ chưa có nhiều. Ngoài ra, có một số dự án đang triển khai tại một số bảo tàng nhưng còn phụ thuộc vào kinh phí của các đơn vị, cho nên mới chỉ là trong dự án. Tất nhiên, nếu các tổ chức cá nhân bên ngoài có nhu cầu, chúng tôi luôn có đầy đủ người và khả năng để phục vụ!

Kỳ 4: Giới sưu tập tranh – đau đầu lo phục chế

Hoài Thương (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm