Dịch giả Trần Đình Hiến: “Văn chương nổi tiếng thì không có quốc tịch”

05/11/2012 13:16 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Miệt mài nghiên cứu lịch sử - văn hóa Trung Quốc, “mê” văn Mạc Ngôn (dịch đến 6 tác phẩm của tác gia Nobel này) nhưng cái đích của dịch giả Trần Đình Hiến là nhìn ra điểm yếu và nỗi đau của Trung Quốc qua tác phẩm của những nghệ sĩ lớn.

Nhân buổi chiếu bộ phim Cao lương đỏ tại trung tâm TPD (Hà Nội) chiều 3/11, dịch giả Trần Đình Hiến cùng nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn có buổi trò chuyện với khán giả. Cao lương đỏ do đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn, kịch bản do chính Mạc Ngôn viết. Hai diễn viên Củng Lợi và Khương Văn vào vai chính.

Nhà văn Nobel “ít học”

Từ “học” ở đây mang nghĩa hẹp: học trong nhà trường, học hàm, học vị. Còn những thứ Mạc Ngôn học được từ miền quê Cao Mật, Sơn Đông của ông thì không thể gọi là “ít”. Là người tìm hiểu rất kỹ về Mạc Ngôn, dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng hai trong số các lý do làm nên sự nghiệp văn chương của Mạc Ngôn là: ít học và nghèo đói.

Phải ít học và nghèo đói thì Mạc Ngôn mới viết được những tác phẩm như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận… “Văn chương của ông không hề bay bổng vì thực tế đời sống như thế thì bay bổng cũng không được”- Trần Đình Hiến nói - “Những năm tháng đi làm ở ruộng cao lương, đói quá, Mạc Ngôn và những người nông dân khác thi nhau bịa chuyện kể nhau nghe cho đỡ đói”.

Những câu chuyện ra đời trong hoàn cảnh “rất đời” như vậy, “đẻ” từ ruộng cao lương mà vẫn thành tác phẩm lớn, tất nhiên cần có văn tài trời phú của Mạc Ngôn. Một điểm nữa, đó là vùng Cao Mật dù nghèo chữ nghĩa nhưng giàu truyền thuyết. Mạc Ngôn “tắm” trong bầu không khí đó, cũng như các tích chuyện dân gian của núi rừng Tây Bắc đem lại bao cảm hứng sáng tác cho Nguyễn Huy Thiệp trong buổi đầu sự nghiệp.

Văn Mạc Ngôn “đậm đặc” Trung Quốc là thế, nhưng “Một tác phẩm văn học đã nổi tiếng thì không có quốc tịch. Đã được giải Nobel rồi thì trở thành tài sản của nhân loại”, ông Hiến bày tỏ quan điểm.

Dịch giả Trần Đình Hiến (phải) và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn sau buổi chiếu Cao lương đỏ. Ảnh: Hạ Huyền

Báu vật của đời chính là Mạc Ngôn

Giải Nobel của Mạc Ngôn gây tranh cãi không ít, nhiều người đặt câu hỏi “Vì những tác phẩm nào mà ông ta được Nobel?”. Sự thực là các tác phẩm gần đây cho thấy Mạc Ngôn đang khá xuống tay và dần quay về dòng chính thống, tiếng nói phản biện không còn mạnh mẽ như trước.

“Đọc Mạc Ngôn phải đọc Báu vật của đời, chính nhà văn đã nói thế. Hiểu Báu vật của đời là hiểu con người ông”, theo dịch giả Trần Đình Hiến. Hiện, Trần Đình Hiến cũng có trong tay bản sách Báu vật của đời (Phong nhũ phì đồn) tiếng Trung, chính là bản được Viện Hàn lâm Thụy Điển xem xét khi chấm giải Nobel.

Lại nói cái tên Báu vật của đời. Cách đây khoảng hai năm, trong một buổi nói chuyện ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nói bà không đồng ý với cách dịch nhan đề Báu vật của đời, đáng ra phải là Vú to mông nẩy mới đúng tinh thần của tác giả, tác phẩm. Đó mới là Mạc Ngôn, chẳng tao nhã chút nào, rất tục, rất… mất vệ sinh nhưng lại là tác phẩm lớn.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu và nhà văn Mạc Ngôn, dù hoạt động trong hai lĩnh vực khác hẳn nhau, lại gặp nhau ở một đặc điểm của nghệ sĩ lớn: cả đời chỉ theo đuổi một chủ đề, dù đề tài trong tác phẩm có thể thay đổi. Với Mạc Ngôn phản ánh số phận người Trung Quốc. Với Trương Nghệ Mưu là đấu tranh cho quyền tự do yêu và kết hôn của con người. Đó là những nghệ sĩ lớn làm nghệ thuật để “thức tỉnh dân tộc mình”, theo nhận định của nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn.

Dịch giả Trần Đình Hiến năm nay 80 tuổi. Ông nói, trong cuộc đời, trước tuổi 60 ông hoàn toàn “im lặng” vì yêu cầu của công việc. Đến 60 tuổi, ông mới “ló mặt ra một tí”, dịch vài cuốn sách có tiếng vang. Bạn bè rủ vào Hội Nhà văn Việt Nam “cho vui, chứ có ai biết đến tôi đâu”, thế là ông vào.

Với Báu vật của đời (năm 2002 ra, dịch xong từ năm 1995), Trần Đình Hiến được ghi nhận có công đưa văn Mạc Ngôn vào Việt Nam. 5 bản dịch Mạc Ngôn khác của ông: Đàn hương hình, Cây tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ, Tửu quốc, 41 truyện tầm phào. Ngoài ra có tác phẩm của các tác giả khác: Tôtem Sói (Khương Nhung), Cây không gió (Lý Nhuệ)…

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm