Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội: Danh giá nhất?

11/10/2012 07:03 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Phát biểu của ông Vũ Hoàng Giang, đại diện công ty Nhã Nam trong lễ trao Giải thưởng văn học 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội sáng 10/10 có thể nhiều người không chú ý, nhưng lại là một ý kiến đáng bàn.

Lễ trao Giải thưởng văn học 2012 của Hội Nhà văn Hà Nội diễn ra tại Thư viện Hà Nội. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (Chủ tịch Hội) tuyên bố, kể từ năm nay, Hội ấn định ngày trao giải hàng năm là Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.

“Cơn đói” giá trị

Ông Vũ Hoàng Giang, Phó Giám đốc Công ty Nhã Nam - đơn vị ấn hành 2 trong số 5 tác phẩm đoạt giải năm nay - nêu ý kiến: “Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội là giải thưởng uy tín và có thể nói là danh giá nhất của Việt Nam hiện nay. Điều này dựa vào sự thẩm định khách quan, tinh tường của ban chấm giải trong suốt những năm vừa qua”.

Ở dưới khán phòng bật cười khi nghe mấy chữ “danh giá nhất”. Có lẽ họ không quen với cách nhận định thẳng thừng như thế, nhưng đã đến lúc “điểm mặt chỉ tên” một giải thưởng văn học như thế của Việt Nam. Tất nhiên, không thể chỉ dựa vào ý kiến của đại diện đơn vị xuất bản được trao giải. Danh giá hay không, cần các ý kiến nhiều chiều để có thể khẳng định.

Từ trái qua: Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Ngô Thảo, dịch giả Dương Tường chúc mừng nhau khi nhận giải. Ảnh: Hạ Huyền

“Loạn chuẩn” là vấn đề chung của xã hội. Nhưng, không nên chép miệng kiểu đó để rồi không tìm cách khắc phục. Làng văn rõ ràng đang cần một giá trị. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phát biểu: “Sau 1.000 năm thì nổi lên rất nhiều giá trị, nhưng xét trong thời hiện tại thì có những giá trị đang bị che mờ và thậm chí bị đảo ngược. Có một sự suy thoái nào đó. Có nhiều giá trị văn hóa, văn học chúng ta chưa khai thác hết”.

Và công chúng cần định hướng. Rất cần. Nhiều tác gia Nobel, Goncourt hay Pulitzer - những giải thưởng văn chương danh giá trên thế giới - từng nói, điều vui nhất sau khi đoạt giải là họ không còn phải lo cho cuộc sống sau này. Không phải do tiền thưởng, mà do sách của họ chắc chắn sẽ được nhiều người tìm đọc, bán chạy. Kết quả là một tương lai không lo thiếu tiền.

Tất nhiên, ở Việt Nam thì chưa phải lúc bàn chuyện giải thưởng văn học giúp nhà văn ổn định cuộc sống, nhưng một giải thưởng có khả năng thu hút công chúng cho tác phẩm là điều có thể. Muốn thế, cách duy nhất là khiến công chúng tin vào chất lượng của giải.

Điều gì làm nên danh giá?

Một giải thưởng đáng tin cậy và coi trọng hay không, phần lớn phụ thuộc vào các tác giả và tác phẩm được trao giải. Giá trị tiền bạc của giải thưởng cũng là một thang đánh giá, nhưng ở Việt Nam thì tiêu chí này không quá quan trọng. Chất lượng đến đâu (cái này cần đánh giá của giới phê bình), tầm ảnh hưởng trong giới văn chương (vẫn cần giới phê bình) và trong xã hội đến mức nào, có nhiều độc giả, báo chí có bàn về họ hay không. Những tiêu chí như vậy thì rất rõ ràng, có thể ước lượng.

Cái hay là, công chúng hoàn toàn có thể tham gia vào phần đánh giá này. Họ đang quan tâm đến tác giả nào, và chịu bỏ tiền ra mua tác phẩm nào, việc tác phẩm đoạt giải nọ giải kia có khiến họ để ý hay không, điều đó chỉ độc giả mới có quyền trả lời.

Năm nay, trong số 5 giải của Hội Nhà văn Hà Nội thì có 3 giải được trao cho những cuốn sách đã ít nhiều gây chú ý: bản dịch Lolita (Vladimir Nabokov - Dương Tường), tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột (Hồ Anh Thái) và tập thơ Xem đêm (Phùng Cung). Trường hợp Lolita gây tranh cãi ra sao thì không phải bàn nữa, còn SBC là săn bắt chuột Xem đêm cũng là những tác phẩm đã chính thức “chào” bạn đọc bằng những buổi ra mắt, được báo chí đưa tin.

Còn với hai tác phẩm chưa gây chú ý lắm là tập thơ Buổi câu hờ hững (Nguyễn Bình Phương) và Dĩ vãng phía trước (Ngô Thảo), thì Hội Nhà văn Hà Nội nhận định đây là những giải thưởng có tính phát hiện và giới thiệu. Tức là, trước sau giải đều có mong muốn hướng tới công chúng.

Trong bài phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch Hội Phạm Xuân Nguyên rõ ràng có ý nhấn mạnh và gợi mở về nội dung các tác phẩm để người nghe cảm thấy “đáng tìm đọc”, chứ không chỉ “hay”.

Còn nhớ, trong một buổi trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam, một tác giả khi lên nhận giải đã tuyên bố chỉ trả lời phỏng vấn những ai đã đọc tác phẩm của mình. Cuối cùng, chỉ một nhà báo được phỏng vấn. Về sau, một nhà báo khác, cũng là một nhà văn, chia sẻ rằng: “Không nhiều người nghe đến tên tác phẩm này trước khi nó được trao giải, nói gì đến chuyện đã đọc tác phẩm”.

Sau đó, tác phẩm này dù đã đoạt giải cũng không tạo thêm dư luận gì.

“Níu giọt mồ hôi đứng dậy”

“Mồ hôi mẹ/Tháng ngày đăm đăm nhỏ giọt/ Con níu giọt mồ hôi/ Đứng dậy làm người” (bài thơ Mẹ của Phùng Cung). Khi để lại tập bản thảo Xem đêm cho người con trai, nhà thơ một thời điêu đứng đã căn dặn: “Cha có mỗi cái này là đóng góp cho đời. Con phải biết hãnh diện”.

“Đó là tập thơ của cả một đời người và một nhà thơ có khi chỉ cần một tập thơ như vậy là đã đủ cho cả một đời người”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói rất hay về Xem đêm - tập thơ đoạt giải Thành tựu. Năm 2008, giải tương tự đã được trao cho tập Trần Dần - Thơ.

Với 2 tác phẩm “lặng lẽ” hơn trong danh sách đoạt giải, Chủ tịch Hội Nhà văn HN cũng có những kiến giải thỏa đáng. Ông nói, trao giải cho Nguyễn Bình Phương vì để “ghi nhận một tác phẩm đánh dấu quá trình sáng tạo thầm lặng quyết liệt”, còn với Ngô Thảo là “khuyến khích cho mảng viết tư liệu rất cần thiết, quý giá nhưng đang rất thiếu và chưa được quan tâm nhiều trong văn học nước ta”.

Hạ Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm