Tuổi 80 của "Rừng xà nu"

06/09/2012 06:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đêm 4/9, nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả của Rừng xà nu, Đất nước đứng lên trở về Hội An từ Tây Nguyên, sau khi ở miền đất đỏ bazan một tuần. Trước khi rời nơi chốn nhiều duyên nợ, ông được anh em Tây Nguyên tổ chức một buổi mừng sinh nhật. Và chiều 5/9, ông tiếp tục dự một bữa tiệc sinh nhật nữa tại trường ĐH Phan Chu Trinh, cùng thầy cô trong trường và những người bạn đến từ Hà Nội và TP.HCM, để ngày hôm nay có mặt tại Hà Nội.

1. Sinh ngày 5/9/1932 tại Quảng Nam, vào tuổi 80 tròn, hiếm ai còn bận rộn lo trăm công nghìn việc như nhà văn Nguyên Ngọc. Lúc thấy ông đang ở vùng miền này, ngay ngày hôm sau đã ở một nơi khác. Vóc người nhỏ, gọn, khuôn mặt thư giãn hiền hòa cùng nụ cười trìu mến, dáng đi khoan thai, tĩnh lặng như thể không liên quan gì đến quá nhiều thứ mà ông đang lo, đang làm.

Muốn gặp nhà văn Nguyên Ngọc không dễ. Thứ nối giữa ông và các mối quan hệ là cái điện thoại. Mà lắm khi, máy ngoài vùng phủ sóng. Có lúc nào đó, chỉ e nhà văn thay đổi số máy. Lúc ấy thì chỉ… trời tìm. Hay may chăng chớ, gặp ông ở một tọa đàm văn chương, hoặc buổi diễn nghệ thuật nào đó ở Hà Nội, không thể quên được việc hỏi thăm sức khỏe ông trước đã, rồi kiểm tra lại số điện thoại “cho chắc ăn” sau.



Nhà văn Nguyên Ngọc (thứ ba từ phải sang) tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội

Nhà văn Nguyên Ngọc là người luôn đúng hẹn. Chỉ chậm dăm phút, thể nào ông cũng nhắc nhở nhẹ nhàng.

Có lúc muốn tìm ông để hỏi vài câu phỏng vấn cho chuyên đề văn chương, sẽ là cuộc gặp nhanh ở nhà ông ngoài Hà Nội. Đi từ đầu ngõ hỏi thăm nhà văn Nguyên Ngọc thì không mấy ai hay, hỏi sang bác Nguyên Ngọc làm giáo dục thì thế nào cũng được chỉ dẫn. Quanh co lối đi, hỏi han tìm kiếm rồi cũng đến nơi. Được ngồi ở căn phòng khách nhỏ bày biện giản đơn trong ngôi nhà nhỏ, nằm sâu hun hút trong ngõ nhỏ cùng người đàn ông bé nhỏ… và thời gian tiếp chuyện, thoải mái nhất là chừng 10 phút. “Nói nhanh nhé vì sau đó bác lại có cái hẹn”, khi nhìn ông mỉm cười ôn tồn giải thích, không kịp hỏi han xã giao, tôi phải làm mọi thao tác thật nhanh cũng như nghĩ nhanh hỏi nhanh, còn ông trả lời cũng từ tốn, gọn gàng chóng vánh.   

2. Trò chuyện thư giãn nhất cùng nhà văn Nguyên Ngọc, thường là trong các buổi hội thảo. Tôi gặp ông nhiều lần ở L’Espace, Trung tâm Văn hóa Pháp, bởi ông là một trong số ít khách mời danh dự và luôn có vé ưu tiên từ chị Nguyệt, phụ trách văn chương của Trung tâm. Ông ăn vận bình dị, dáng vẻ thư thái. Thời gian sống giữa đời không có ý nghĩa lắm với nhà văn Nguyên Ngọc. Nhìn ông, thật khó đoán tuổi và cũng khó suy tình trạng sức khỏe.

Một lần, biết nhà văn Nguyên Ngọc đang ở Hà Nội, tôi nài nỉ ông đến nghe bạn tôi hát nhạc Trịnh tại L’Espace. Hẹn là tới. Nhà văn Nguyên Ngọc đến hội trường sớm, ngồi lặng yên thưởng thức chương trình từ đầu đến cuối. Chờ bài hát cuối cùng kết thúc, ông đứng lên, tôi qua hỏi xem ông nghe thấy sao. Ông gật đầu khen, hát tình cảm đấy. Rồi hai bác cháu đứng ngay ven lối đi chuyện trò. Được một lát, vẫn như thường khi, nhiều người biết ông sẽ dừng lại cạnh bên, hỏi han tíu tít. Chỉ còn một cách duy nhất là “nhường” lại ông cho mọi người. Và lặng lẽ gật đầu cùng ông, rồi đi.

3. Lần này, gọi điện chúc mừng sinh nhật nhà văn Nguyên Ngọc, rất may, chỉ vài tiếng tút dài nhà văn đã nhấc máy. Sau từ “alo” hiền hòa, câu đầu tiên vẫn thế: “Bác bận lắm nhé, nói chuyện nhanh được không?”.

Chơi quen nhiều với giới trí thức văn chương, thực lòng thấy hiếm ai được nhiều người yêu thương, quan tâm, kính trọng như nhà văn Nguyên Ngọc, dù là khi ông không nhiều lời, dù là khi ông không hài hước và dẫn chuyện duyên dáng, dù là khi ông luôn khiêm nhường lặng lẽ ngồi một góc nhỏ riêng mình.

80 tuổi, vẫn đau đáu về nền giáo dục nước nhà, vẫn lo lắng cho tình người đang mai một ngoài xã hội, vẫn xông xáo trước những cảnh “chướng tai gai mắt”, nhà văn Nguyên Ngọc có mặt ở nơi nào cần có tiếng nói gan ruột của ông.

- Dạo này, cháu thấy bác xuất hiện nhiều trên báo chí nhỉ, tôi cười nói  với nhà văn Nguyên Ngọc qua điện thoại.

- Đâu, làm gì mà nhiều!”.

-  “Cháu vừa vào tra qua Google thấy có rất nhiều bài viết và phỏng vấn về liên quan đến giáo dục (nói đến đây, tôi lại nhớ tới bài phỏng vấn ông gần đây trên tờ Đẹp, ông đã nói: Đúng là không nên và không thể trông cậy hết cả vào Google vì Google không phải là ông Thánh trong mọi chuyện. Nhưng (…) nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, trong đề thi của họ, tôi thấy còn ghi kèm các công thức toán - là những thứ mà sau này, nếu quên, người ta có thể tra Google, không sao hết).

- À, ờ, đúng rồi.

Rồi ông chia sẻ lúc này đang lo việc tuyển sinh cho trường Phan Chu Trinh, rồi chuẩn bị năm học mới. Mối quan tâm lúc này của ông là thay đổi một số giáo trình, giáo viên cho Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn. Song song là dịch một số sách quan trọng về Tây Nguyên từ tiếng Pháp. Và viết…

Đang nói đến đấy, lại nghe tiếng người lao xao chào hỏi, cười rổn rảng quanh nhà văn Nguyên Ngọc, vậy là thêm lần nữa vội vã chào hỏi chúc mừng, và “nhường” ông đến với mọi người.

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm