Nhà văn Nguyễn Phương Văn: Tôi với Ngô Bảo Châu sẽ viết truyện cổ tích

04/09/2012 14:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trong lần gặp gỡ TT&VH hồi tháng 4/2012, khi đề cập đến tiểu thuyết Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình (Nhã Nam & NXB Thế giới), đồng tác giả với Ngô Bảo Châu là Nguyễn Phương Văn đã chia sẻ về chủ đề “làm sao để toán học đến gần bạn trẻ”. Từ đó đến nay, cuốn sách này liên tục nhận được những phản hồi tốt từ độc giả và đã có những cuộc thảo luận thiết thực.

Gặp gỡ TT&VH lần này, Nguyễn Phương Văn sẽ nói thêm về việc “viết sách chung”, về ý nghĩa văn chương với cuộc đời và một tác phẩm sắp viết với Ngô Bảo Châu.

Sau khi tham dự buổi giao lưu cùng Ngô Bảo Châu, họa sĩ trình bày Thái Mỹ Phương và nhà thơ Phan Đan với sự tham gia của khoảng 500 độc giả xa gần tại IDECAF, TP.HCM vào ngày cuối cùng của tháng 8/2012. Nguyễn Phương Văn cho biết anh sẽ phát hành tác phẩm Ký ức đô thị vào 15/9/2012. Nó là tác phẩm nối tiếp Thời tiết đô thị mà anh đã phát hành.

Nguyễn Phương Văn nổi tiếng trên mạng với bút hiệu 5xu, cái tên do một Sysop (quản trị mạng) của Netnam2 đặt tình cờ cho anh vào năm 1998.


Nguyễn Phương Văn nổi tiếng trên mạng với bút hiệu 5xu

Văn chương thanh lọc đời sống

* Hai anh làm hai chuyên ngành khác xa tiểu thuyết, gặp nhau trên mạng, chắc qua blog, việc viết blog có phải là “nguồn cội” hay “ông thầy” văn chương của anh không?

- Viết blog là một cách luyện kỹ năng viết rất tốt nhưng có lẽ nó không ảnh hưởng nhiều đến nền tảng hay cách nhìn của mình về văn học. Anh Ngô Bảo Châu đọc sách rất nhiều và rất tinh. Tôi nghĩ, nếu anh Châu chuyển qua làm văn học, chắc chắn  anh Châu sẽ là chuyên gia về Marcel Proust hoặc Thomas Mann. Hoặc anh ấy sẽ dịch Marcel Proust ra tiếng Việt rất hay. Hai cái này đều rất ít liên quan đến viết blog.

* Người ta có thể tiểu thuyết hóa toán học mà không thể làm ngược lại. Nhìn từ diện rộng xã hội hiện nay, văn chương dù là bọt bèo nhưng vẫn là nhịp cầu cần thiết cho nhiều lĩnh vực với nhau, có khi nào anh thử cắt nghĩa về sự bọt bèo này không?

- Tôi nghĩ ngược lại. Văn học có thể chứa đựng tất cả mọi thứ của cuộc sống. Cuộc sống có gì thì văn học có thể chứa được cái đấy. Từ chính trị, lịch sử đến kinh tế, tiền bạc. Từ tình yêu đến toán học. Nhưng tình yêu trong văn học chắc chắn là khác tình yêu ngoài đời, toán học tất nhiên cũng khác. Sự bọt bèo cũng vậy, sẽ rất khác. Văn chương sẽ thanh lọc đời sống.

* Đương nhiên cách hiểu của độc giả và tác giả thường là khác nhau, sau một thời gian sách phát hành, qua các kênh khác nhau, bản thân anh thấy những cách phản hồi hay cách hiểu nào là ngộ nghĩnh?

- Ngộ nghĩnh thì có nhiều và thường là từ độc giả nhí. Tôi phát hiện ra họ đọc sách rất hồn nhiên, không cố gắng đọc sách để hiểu. Người lớn đọc sách cứ chăm chăm là phải thu hoạch được cái gì đó từ cuốn sách. Thậm chí còn hơn thế, tức là muốn đọc sách là để lên đẳng, hay để vỡ ra một nhận thức mới.

Khi nhận xét hay đặt câu hỏi về cuốn sách, bạn đọc nhí cũng đơn giản, cụ thể và rất bất ngờ. Có bạn hỏi tại sao ông Pi-ta-go lại sợ số vô tỷ. Có bạn hỏi tại sao trong sách lại có các nhân vật đấy. Có bạn hỏi tại sao lại đặt tên nhân vật như vậy. Có bạn thì chỉ đơn giản phát biểu là cháu không thích cái bìa phụ của cuốn sách vì như vậy cầm cuốn sách để đọc rất khó.



Nguyễn Phương Văn, Ngô Bảo Châu và họa sĩ Thái Mỹ Phương ký tặng sách mỏi tay vào chiều tối 31/8

Từ cuốn sách lạc đề…

* Theo anh, tại sao một tiểu thuyết toán hiệp, nghĩa là khá nặng về toán, lại bán chạy? Phải chăng việc tiểu thuyết hóa các chuyên ngành hẹp như toán, lý, y… để gần gũi với nhiều đối tượng đang khan hiếm sách tại Việt Nam?

- Cuốn sách này thành công, thứ nhất do tên tuổi của nhà toán học Ngô Bảo Châu. Thứ hai, do sáng tạo văn học rất thú vị của anh Châu trong lúc viết sách. Thứ ba, chúng tôi cố gắng viết một cuốn sách tuy hơi khác lạ, nhưng vẫn có thể đến được với đông đảo các bạn trẻ, thay vì viết một cuốn sách toàn công thức.

* Anh từng tiết lộ về việc hai anh bị “lạc đề”, nghĩa là đi khá xa cái ý định viết ban đầu, bây giờ nhìn lại, anh thấy việc đi xa này có lý không?

- Việc đi lạc ra khỏi dự định ban đầu hóa ra là một trải nghiệm thú vị của việc cùng viết chung một cuốn sách. Có nhiều điều chúng tôi muốn làm mà chưa làm được. Ví dụ nhân vật trong sách hơi xa lạ với hầu hết chúng ta (và cả chúng tôi) ở ngoài đời thực. Có lẽ các nhân vật nên lười một tí, hay dậy muộn, hoặc là ăn tham… thì sẽ hay hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết các tiếc nuối này nếu có điều kiện viết chung một cuốn sách khác.

* Có điều gì anh Châu hoặc anh bỏ ra khỏi cuốn sách mà bây giờ lại thấy tiếc hoặc hài lòng?

- Bỏ nhiều lắm, nên tôi cũng không nhớ hết, muốn xem bỏ chỗ nào thì phải đọc lại các bản thảo. Nhưng nói chung, cái gì đã quyết định bỏ đi thì không bao giờ tiếc. Tôi thì không nghĩ đến chuyện “viết lại”, nên nuối tiếc hay hài lòng cũng vậy thôi.

* Nghe nói hai anh đang định liên hợp để viết một cuốn sách mới? Nếu có, nó sẽ về chủ đề gì?

- Chuyện cổ tích Việt Nam, nó như là phần hai của Ai và Ky ở xứ sở những con số tàng hình. Còn cụ thể thế nào, hãy đợi đấy.

* Cuối cùng, cuốn sách rõ ràng có tác động đến xã hội, về bản thân anh, nó có làm anh thay đổi gì không?

- Tôi là người lao động bình thường, sống một cuộc sống bình thường, ở một quận bình thường trong một đô thị lớn... phi thường Trên Internet thì tôi được một nhóm nhỏ cộng đồng mạng biết. Ngoài đời thì gần như không ai biết tôi. Cho nên cuốn sách, dù đến thời điểm này có thể nói là khá thành công, cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi, ngoại trừ những hôm nhận được nhuận bút.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm