Một nhà văn của nhiều nhà văn

12/08/2012 15:05 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - (LTS): Bởi là người Thơ với những bài thật… tình, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan luôn có những điểm nhìn riêng biệt đầy cá tính lẫn sáng tạo sau mỗi lần đọc sách. Anh có lẽ là một trong số ít nhà thơ đọc nhiều sách nhất, có nhiều khi tác phẩm còn ở dạng bản thảo và cũng là nhà phê bình làm được nhiều thơ hay…

Xin giới thiệu tập chân dung Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn, do nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan giới thiệu:

Tôi vừa riết róng với vài người bạn gần gũi có dính vào văn nghiệp, rằng các anh đọc Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn đi!

 Lý do cái yêu cầu đó của tôi đơn giản là, tôi muốn thêm vào một sự thôi thúc đối với họ, sự thôi thúc kể lại đối với một chứng nhân về cái phần sự thật mà họ từng trải nghiệm. Bởi cuốn sách này của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, tập hợp 13 thiên bút ký hồi cố của ông, hết sức độc đáo do đều là những bút ký chân dung những nhà văn và nghệ sĩ bè bạn của ông cùng chân dung Nguyên Hồng, do văn phong giản dị thấu suốt, là một cuốn sách khiến nhớ đến câu thơ của Evgeny Evtushenko – “Mỗi số phận mang một phần lịch sử. ...”



Chân dung nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan

Đây là một tác phẩm tái bản với những sửa chữa bổ sung và tác giả đã viết rõ ở “Lời đầu sách” ông viết về “những người lận đận, không thành đạt” vì hầu hết bạn của ông là những người như thế và là “những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận”.

Theo truyền thống lãng mạn thì không thành đạt - không đầu hàng là nét đặc trưng của "bộ gene" nghệ sĩ, và nền tảng của nó là một tình yêu đại lượng vô biên đối với con người và đời sống nói chung. Những nét tiêu biểu ấy toát lên từ mỗi dòng chữ của những bài bút ký trong cuốn sách này. Song dẫu Bùi Ngọc Tấn tự nhận cái nhìn lãng mạn trong đôi mắt văn chương của ông ở đây, người đọc vẫn có thể thấy nhãn quan hiện thực sáng suốt dường như nổi trội hơn trong văn chương đó; hay nói một cách khác đi, đấy là cái lãng mạn kiểu Victor Hugo.

Văn chương Bùi Ngọc Tấn rất đẹp, theo lối khiêm nhường, và hẳn ông dành sức mạnh của cái nghệ thuật ngôn từ đặc sắc đó cho tính chân thực – một phẩm chất đòi hỏi hầu hết năng lực ngôn ngữ của mỗi nhà văn – để viết cho được điều ông tự yêu cầu chính mình ở đây khi viết về bè bạn: “Tôi muốn có bóng dáng thời đại chúng tôi đã sống trong những trang sách của tôi ...”



Bìa cuốn sách Viết về bè bạn của nhà văn Bùi Ngọc Tấn

 Quả thực ông đã làm được điều đó trong những thiên hồi ký mang cốt cách cổ điển phương Đông này. Như tôi thấy thì thường chỉ bằng một vài tình tiết chọn lọc ông đã dựng nên được một câu chuyện cuộc đời cùng bối cảnh thời buổi đã khuôn đúc thành cái định mệnh ấy, với tính lịch sử sáng rõ và sâu xa ý vị.

Trong thiên bút ký cuối sách về Nguyên Hồng, ông có câu “Đến bây giờ tôi mới biết có những Tám Bính, Năm Sài Gòn mới đang đòi có nhà văn của mình”.

Với tập sách này, ông đã làm một nhà văn của nhiều nhà văn, đầy ý thức về mỗi nhà văn là một mảnh đậm đặc của lịch sử.

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm