Nhà văn Phong Điệp: Trong thế giới nhân viên văn phòng

12/08/2012 09:09 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Chín tập truyện ngắn, hai cuốn truyện dài, một tiểu thuyết dày dặn, chưa kể đến các sách viết tản mạn văn học hay tản văn… nhà văn Phong Điệp là người có vốn liếng văn chương có thể coi là dày dặn nhất trong lứa viết văn thế hệ 7X.

Kể từ khi tập truyện đầu tay Khi ta hai mươi (NXB Trẻ, 1996) cho đến cuốn sách mới nhất Nhật ký nhân viên văn phòng (NXB Trẻ, 2012), 16 năm thấm thoát trôi qua.

Nhà văn Phong Điệp

1. Vẫn lối văn phong rạch ròi, rõ rệt câu chuyện kể cùng cách dùng câu ngắn, có khi rất ngắn, Nhật ký nhân viên văn phòng gồm 15 truyện, chia thành hai phần riêng biệt. Phần một gồm: Dốc gió, Phố núi, Thị trấn Chân Mây, Bạn cũ, Tình trạng không phủ sóng, Lạc phố, Thời gian tối đa. Phần hai là: Nhật ký nhân viên văn phòng, Delete, Thùng rác, Từ độ cao tầng 18, Sau cánh gà, Kịch chiều, Bức chân dung duy nhất, Cơm trưa văn phòng.

Nhìn cách phân rẽ hai hướng ấy, có thể thấy, nửa trước chủ yếu dành cho bức tranh miền núi, và nửa sau là cuộc đời xoay chuyển trong bốn bức tường của nhân viên văn phòng.

Ngoài đời, Phong Điệp là người dễ gần lẫn vui vui. Gặp người lạ, chị im im, gặp người quen, thể nào cũng buôn chuyện tía lia, lắm khi khó thể dứt. Nhưng tinh ý, sẽ thấy Phong Điệp chủ yếu đặt câu hỏi, ít khi góp vào các câu chuyện. Nhiều khi, hỏi là để biết, cho các thông tin ngấm vào não, lúc nào cần thì mở ra. Nhiều khi, hỏi là để xã giao, chị quên câu chuyện ngay khi đang hình thành. Đến và đi, thường là vội.

Truyện của Phong Điệp thường ít cảm xúc lai láng nghệ sĩ. Có gì đó giông giống với chị ngoài đời. Tràn trề những câu văn miêu tả của người quan sát khách quan. Và nhẹ nhõm. Và dửng dưng. Và lành lạnh. Tuyệt không ẩn ức đau buồn. Tuyệt không mơ hồ yểu điệu.

“Cửa vẫn khép. Đằng sau là gì? Một chiếu giữa nhà. Rượu. Đĩa ớt chỉ thiên vừa ửng chín. Cặp đùi rệu rạo, nhèo nhẽo. Một nhát cắn cả nửa quả ớt. Rượu rót tràn ra chiếu” (Bạn cũ, T49)

“Delete rồi. Thế là xong. Chẳng phải đây là thao tác ưa thích của cô? Đơn giản. Gọn nhẹ. Khỏi phải phiền hà. Lẫn nhớ nhung. Khổ đau. Dằn vặt” (Delete, T117)

2. Truyện Phong Điệp viết dễ hiểu bởi câu văn đơn giản, ngắn gọn, thuần túy thông tin. Có khi, đọc, thấy trôi trôi như một bài báo chân dung vẫn thấy. Là bởi vì sức nặng trong truyện kể Phong Điệp không nằm trong câu văn, mà nằm trong nội dung; sức nặng ấy cũng không ở cái diễn tiến góp nhặt từng chi tiết, mà điểm nhấn trọn vẹn trong câu kết cuối cùng. Người viết luôn có sự tỉnh táo, khi biết rốt cuộc, điểm đến từng truyện này nằm ở đâu. Khi kết, kết một cách chuẩn xác, gọn gàng, nhanh chóng.

Đọc văn Phong Điệp, dễ có cảm giác thiếu bình lặng. Sự bế tắc, rợn ngợp thờ ơ tình người len len qua từng chữ, đập vào tâm não người đọc. Rất khó để vui vẻ, thư giãn khi đọc truyện Phong Điệp. Chị không cho người đọc nghỉ ngơi hay dừng lại nghĩ ngợi. Hoặc cần đọc hết từ câu văn đầu tiên cho đến câu văn cuối cùng. Hoặc tỉnh táo từ chối ngay lập tức.

Bìa tập truyện ngắn Nhật ký nhân viên văn phòng

Đọc văn Phong Điệp là đọc những tâm trạng hoặc thờ ơ, hoặc mệt mỏi, hoặc rũ rượi, hoặc nghi ngại. Người nhìn người sao lắm toan tính, sao lôi kéo quá nhiều lợi tham, và sao phần “con” lại lấn lướt phần “người” nhiều thế.

“Chàng hối hả vừa mút sữa vừa nhai bánh. Chưa đến năm phút chiếc bánh đã nằm gọn trong dạ dày. Nàng - bụng réo ù ù, bánh vẫn không trôi khỏi cổ. Nàng cố uống sữa. (…) Chàng hình như không mấy để ý. Hết khẩu phần ăn, chàng òng ọc vào toilet xúc miệng, đoạn đi ra, trút dần quần áo trên người.” (Cơm trưa văn phòng, T175).

Sự gọn gàng, sáng tỏ trong văn phong của Phong Điệp, dễ liên tưởng đến phong thái làm báo lẫn viết báo của chị. Trước khi tiếp cận với nhân vật, điều đầu tiên là đọc kỳ hết và tìm hiểu ngọn ngành tác phẩm. Câu hỏi phỏng vấn của Phong Điệp dứt khoát sẽ đòi hỏi sự thẳng thắn không thể né tránh quanh co từ phía nhân vật. Và nhiều khi, như thể nắm trọn tâm lý cảm xúc ẩn tàng bên trong của nhân vật, chị thọc các câu hỏi vào, đào xới từ từ, nhẩn nha, cho đến khi con người bên trong luôn muốn ẩn giấu của họ khai lộ ra ngoài. Đối tượng tất nhiên, không có cách nào chối từ.

3. Phong Điệp là nhà văn viết báo. Nhà báo làm văn.

Thế nên, cần đọc Cơm trưa văn phòng, để nhìn thấy thêm góc độ khác hơn: một nhà văn lắm khi nhận ra mình sống trong nhiều không gian, chẳng khác văn phòng là mấy và bản thân, lắm nỗi, cũng là một nhân viên văn phòng.

Việt Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm