Một khoảng trống sau "Mùa Xuân gấp gấp"

31/03/2012 09:03 GMT+7 | Đọc - Xem


(TT&VH) - Dương Kiều Minh đã lìa trần lúc 11h08 trưa thứ Tư, 28/3. Tôi không muốn viết về ông bắt đầu bằng chức vụ, tiểu sử. Bởi trước hết và quan trọng nhất, Dương Kiều Minh là thi sĩ tận lực với thơ, là một trong số các nhà thơ cách tân thành công của văn học Việt Nam thời đổi mới.

Hội viên Hội Nhà văn VN rất đông các nhà thơ, nhưng để chọn ra 20 gương mặt nhà thơ sáng giá của cách tân không dễ dàng, chẳng bởi gu nhìn nhận, mà cách tân là phép thử tài và độ dũng cảm của người cầm bút. Theo góc độ nào thì Dương Kiều Minh cũng thuộc đội hình mạnh của các cây bút U60, thế hệ thành đạt hiện nay và là một trong các “chiến tướng” của mặt trận cách tân chưa bao giờ “nhộn nhịp”.

1. Gõ tên Dương Kiều Minh trên mạng Google, chỉ thấy những tin, bài về cái chết của ông từ các blog, web cá nhân, từ các báo điện tử. Vậy là sinh thời, Dương Kiều Minh đã sống rất lặng, ở ngoài bão táp công nghệ, truyền thông. Ông ít trả lời phỏng vấn báo chí, không tranh luận, bút chiến. Thơ, tùy đàm, tiểu luận, văn xuôi, viết về những tập thơ có “mùi mới” của bạn bè. Mọi người chỉ nhớ ông bằng thơ.

Sinh ra từ vùng đất Mê Linh huyền thoại, anh công nhân mảnh khảnh Kiều Văn Minh dành tuổi trẻ cho công trình thế kỷ: Thủy điện Hòa Bình. Anh “xuống núi” về Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du, rồi chuyển về Sở Văn hóa Hà Tây, nhập cư hẳn vào làng văn trước tam thập nhi lập. Hơn 20 năm qua, đội hình Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương vẫn còn sung sức, nối với các cây bút thơ thế hệ 7X, 8X thành “những thời đại thanh xuân” không giới hạn.

Nhà thơ Dương Kiều Minh (thứ 3 từ trái sang) khi ra mắt Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa tháng 11/2010. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Các tập thơ Củi lửa, Dáng mẹ, Những thời đại thanh xuân, Ngày xuống núi, Tôi ngắm mãi những ngày Thu bất tận, tùy đàm Tìm hiểu người xưa qua sách cổ, Những viên ngọc sáng - đó là các tác phẩm tiêu biểu của sự nghiệp văn chương Dương Kiều Minh lưu nhớ trong người đọc, bạn nghề.

Tuổi 29, Dương Kiều Minh đã sáng ngay từ tập thơ đầu Củi lửa. Khi bị ung thư phổi, biết mình không vượt qua mệnh “49 chưa qua, 53 đã tới”, ông làm Tuyển thơ Dương Kiều Minh (NXB Hội Nhà văn, gần 600 trang) - là tinh hoa đời ông.

Thị xã Hà Đông (nay là quận) thật may mắn vì có các thi sĩ thứ hạng cao. Bên sông Nhuệ (dòng Nêva như anh em vẫn đùa) có những “quái vật” cỡ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Lương Tử Đức là đủ làm một vùng “khí quyển”. Dương Kiều Minh, thủ lĩnh của văn nghệ Hà Tây nhiều năm, là Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh, Tổng biên tập tạp chí Tản Viên Sơn, là một biểu tượng dấn thân kiên cường lặng lẽ. Ông đã tham mưu cho tỉnh xét giải thưởng VHNT Nguyễn Trãi. Xuất bản Bộ tổng tập VHNT Hà Tây gồm 9 cuốn khổ lớn cuối 2006 về: văn xuôi, thơ, kịch bản, sân khấu, nhiếp ảnh, mỹ thuật, ca khúc, văn nghệ dân gian, văn học dân gian, câu đối.

Khi Hà Tây nhập về Hà Nội, Dương Kiều Minh là Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Trong danh sách BCH Hội Nhà văn VN Đại hội 2010, ông là ủy viên Hội đồng thơ.

2. Thơ Dương Kiều Minh toát lộ tâm hồn nhạy cảm, luôn đeo đẳng tiếc thương ký ức và cả khát vọng bung tỏa xa xôi chất ngợp ngân vang hình ảnh chuỗi biểu đạt bằng lượng từ vựng dồi dào. Không dữ dội sục sôi tiết tấu, thơ văn xuôi Dương Kiều Minh chứa tải một cường lực riêng biệt. Độ nén của văn hóa chịu đọc, chịu học, tràn dòng dòng suy tư, mơ mộng. Một tâm hồn nghệ sĩ tràn đầy lại ém trong nếp sống chừng mực, cẩn trọng, đôi khi có phần rụt rè, con người nhân hậu trong sáng ấy luôn ý thức về văn hóa ngôn ngữ.

Dương Kiều Minh đã in thơ là in cả chùm. Với nhiều người yêu thơ, tên ông đã thuộc về hệ xác tín: đã thấy là đọc. Ông đổi mới thơ thi pháp hiện đại, tâm thức lại hướng cổ điển. Ông say mê lịch sử, văn hóa truyền thống, văn học Trung Hoa cổ và cận đại, suy tưởng về “những khoảng trống sâu thẳm” trong con người “Mùa vàng mùa vàng/ Những ký ức không bao giờ lặp lại/ Ta còn nguyên sơ hơn thuở tự do”.

Tư duy hình ảnh là đặc thù của thơ hiện đại, nhiều bài thơ của Dương Kiều Minh như tranh ấn tượng. Ông mê hội hoạ. Từ xưa, cố nhân đã “thi trung hữu họa” và “tranh Dương Kiều Minh” vẽ thôn quê cũng chứa ánh sáng khác.

Dương Kiều Minh luôn dành mới cho thơ và “cổ” trong đời. Ông viết một bài cho ViLi in love khá nhanh sau khi đọc, nhờ cậu nhân viên đánh máy và gửi E-mail từ Hà Đông. Khó gọi ông vào bóng tối. Dịp Trung thu 2009, báo Người Hà Nội tổ chức trại sáng tác ở Khoang Xanh, tôi có hỏi tại sao ông ít nghe di động, dù mới 8 giờ tối, ông cười vẻ thành khẩn khổ sở: “Tôi hay tránh … phụ nữ”(!). Đó có phải lý do thực sự, liên quan đến thực tế ông ít làm thơ tình, không có “em” trong thơ và chưa thấy “đồn” gì về mối tình nào của ông. Nghệ sĩ thường đa tình, có lẽ Dương Kiều Minh là ngoại lệ.

Dương Kiều Minh ít ảnh, vì ít xuất hiện “dung nhan”, chỉ chân dung thơ là rõ rệt, không thể nào nhòa lẫn. Dương Kiều Minh sinh mùa Xuân và từ giã cuộc sống cũng giữa mùa Xuân. Khoa sáng tác phê bình văn học, Đại học Văn hóa lên kế hoạch tổ chức hội thảo Dương Kiều Minh trong diễn trình đổi mới thơ đương đại vào 20/4/2012 và ông không thể đến được ngày ấy. Xứ Đoài đã mất Nguyễn Lương Ngọc, Trần Hòa Bình, nay lại dang dở một tài hoa.

Ngôi nhà của nhà thơ Dương Kiều Minh cùng dãy nhà với Nguyễn Quang Thiều, trong khu tập thể văn hóa, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông. Ông chỉ có 1 con gái duy nhất đã đi làm. Từ nay căn nhà chỉ còn 2 người đàn bà: quả phụ, bác sĩ Đỗ Thị Lương Hồng và con gái Kiều Ngân.

Tang lễ ông đã cử hành sáng qua tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Nội viết và đọc điếu văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN và rất đông thi hữu, bạn bè đến tiễn biệt. Từ lúc ông nhắm mắt tới khi hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ chưa đầy 2 ngày. Chiều nay thứ Bảy, 31/3 tro cốt ông được chôn tại nghĩa trang Vạn Phúc, làng lụa cổ nức tiếng một thời. Và tôi tin, linh hồn ông sẽ phiêu du từ những “trang giấy trải rộng cánh đồng”.

“Điều gì dào lên trong những hạt li ti”, câu kết bài thơ Hy vọng, chỉ có ông và tri kỷ mới có thể trả lời. Chưa ai biết bài thơ cuối của ông.

Dương Kiều Minh vẫn còn lửa trong những gì để lại, không dễ phai mờ từ những con chữ nóng bỏng “chợt run trong ngón tay mưa”.

Đội hình những chiến sĩ avant garde tự an ủi: Khoảng trống Dương Kiều Minh thúc đẩy bạn đồng hành dứt lên bước tiếp. Kiều thi nhân đã mệt, ông tạm dừng mà chưa hết những khát khao…

(*) Tất cả các phần trích thơ là thơ của Dương Kiều Minh

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm