Nhớ Gamzatov: Lòng nhân ái là cốt lõi của văn học

03/11/2011 11:32 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Rasul Gamzatov thuộc lớp những nhà thơ xuất sắc thế kỷ 20. Thơ ông đậm bản sắc dân tộc, trữ tình, giàu chất nhân văn và truyền thống folklore vùng Kavkaz. Định hướng sáng tạo nghệ thuật của Gamzatov là lòng yêu thương con người. Nhà thơ cho rằng, lòng nhân ái phải là cốt lõi trong văn học. Ông qua đời ngày 3/11/2003, ở tuổi 81.

Sinh ngày 8/9/1923 tại một làng miền núi nước CH Dagestan thuộc Nga, Rasul Gamzatov bắt đầu cuộc hành trình vào thế giới thi ca từ khi 9 tuổi. Năm 1943 ông công bố tập thơ đầu tay của mình bằng tiếng Avar nhan đề Tình yêu nồng cháy và lòng căm thù sục sôi. Có tới trên 70 nước dịch và xuất bản thơ, văn xuôi và chính luận của ông như: Cô gái miền sơn cước, Tâm sự với người cha, Năm tôi chào đời, Mùa xuân Dagestan, Những người lính Nga, Đàn sếu... Tác phẩm cuối cùng của ông là trường ca Thời gian và những chặng đường kể về quá khứ và những suy nghĩ của mình.

1. Thơ Gamzatov, đặc biệt là thơ trữ tình rất được bạn đọc ở Nga và nhiều nước yêu thích. Những điều Rasul Gamzatov nói giản dị và dễ hiểu. Thơ ông giàu hình ảnh, hàm súc và sâu lằng, thấm đẫm chất trữ tình và lòng nhân ái. Có thể thấy điều này qua những câu: “Tình ơi ta ví là đàn/ Em dây, còn cái khung đàn là anh/ Dây em mà cứ lặng thinh/ Khung anh nào khác chi cành củi khô” (Thúy Toàn dịch).

Tình yêu cũng là một mảng đậm trong di sản thơ Gamzatov. Ta có thể thấy những hạt tình yêu long lanh trong những câu thơ tình sau của ông: Nếu một ngàn đàn ông trên thế gian/ Gửi mối manh tìm đến cổng nhà em/ Thì trong số một ngàn đàn ông đó/ Có cả anh-Gamzatov Rasul/ Nếu một trăm đàn ông suốt tháng năm/ Say đắm em, máu rừng rực con tim/ Chẳng ngạc nhiên nếu thấy trong số đó/ Có anh chàng miền núi Rasul/ Nếu mười anh đàn ông đáng đàn ông/ Say đắm em không giấu nổi lửa tình/Trong số đó khi vui, khi đau khổ/ Có cả anh, Gamzatov Rasul (Thái Bá Tân dịch).

Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc, trong đó phải kể tới bài thơ Đàn sếu đã được nhạc sĩ Nga Frenkel phổ thành bài hát và đã trở thành điếu ca tưởng niệm những người con Xô Viết hy sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại: “Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ/ Từ chiến trường xưa đẫm máu không về/ Không phải họ nằm yên trong đất mẹ/ Mà hóa thành sếu trắng giữa trời kia/ Sếu vẫn bay như thế tự ngày xưa/ Bay đến bây giờ, và cất tiếng gọi/ Có phải thế mà ta thường buồn bã/ Rồi lặng im, ngó vào giữa trời xa? (Hồ Thượng Tuy dịch).

2. Thơ Rasul Gamzatov được các nghệ sĩ ngôn từ Nga dịch ra tiếng Nga và chính nhờ vậy thơ ông đã được chuyển ngữ ở khá nhiều nước. Bài thơ Tôi yêu dân tộc bé nhỏ của tôi lần đầu tiên đến với bạn đọc VN vào năm 1962 do nhà thơ Yến Lan dịch, rồi tiếp đó nhiều bài thơ của ông được giới thiệu ở VN. Đặc biệt phải kể tới tập truyện ký Dagestan của tôi được xem là một áng thơ văn xuôi do dịch giả Phan Hồng Giang dịch.

Tại VN đã tổ chức nhiều đêm thơ Gamzatov với sự tham gia đông đảo của công chúng VN yêu thơ và các bạn Nga công tác tại VN. Tại đây công chúng được nghe những bài thơ nổi tiếng của Gamzatov diễn đạt bằng cả hai ngôn ngữ Việt và Nga.

3. Nhà thơ Gamzatov rất có thiện cảm với VN. Trong những năm nhân dân ta đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, người con của dân tộc Avar từng tham gia các cuộc mit tinh ủng hộ VN ở Moskva và trên quê hương của mình. Trong một đêm thơ của giới văn thơ Xô Viết ủng hộ cuộc đấu tranh thống nhất VN ông đã đọc bài thơ của mình Biên giới lòng người lên án bọn ngoại bang can thiệp chống Việt Nam.

Mỗi khi có dịp tiếp xúc với các đồng nghiệp VN sang thăm đất nước Xô Viết trước đây, ông bao giờ cũng bày tỏ tình yêu của mình đối với đất nước và nhân dân VN. Trong một cuộc gặp gỡ với đoàn nhà văn VN sang thăm Nga năm 1994, Rasul Gamzatov đã nói một câu đại ý như sau: Nếu nói về lịch sử các cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, thì trước hết phải nói tới chủ nghĩa anh hùng VN. Ông cũng băn khoăn một điều là, đã không có mặt ở VN trong những năm đất nước này đấu tranh gian khổ.

Ông được phong tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Nhà thơ nhân dân Dagestan, Anh hùng lao động XHCN, Giải thưởng Lênin và được đánh giá là “Nhà thơ xuất sắc thế kỷ 20”.

Những năm cuối đời ông thường gửi gắm trong sáng tác của mình những hoài niệm và ước mong để những thế hệ sau luôn có tâm hồn trong sáng và chân thành. Ý tưởng này đã được phản ánh trong bài thơ Những vì sao ông viết vào những năm ở tuổi thất thập: “... Có thể sẽ tới lúc nào/ Tôi cũng sẽ hóa thành sao giữa trời/ Bâng khuâng xao xuyến nhìn đời/ Để rồi cũng đọc những lời thơ ai/ Cầu mong trái tim mọi người/ Trung thực như lớp cùng thời với tôi”.

Gamzatov bất diệt! Thơ ông mãi mãi vang lên trong trái tim người hâm mộ.

Đào Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm