“Thi tài tuổi 20” có gì ở tuổi 30?

21/09/2011 14:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Là tác giả của tiểu thuyết Chuyện của thiên tài (Đông A & NXB Hội Nhà văn, 2005) và 3 tập thơ: Lẽ giản đơn (Đông A & NXB Hội nhà văn, 2006), Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới (Bách Việt & NXB Hội Nhà văn, 2008) và Hở (Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2011), Nguyễn Thế Hoàng Linh đã có một gia tài kha khá để tổ chức cuộc tọa đàm được diễn ra tại L’Espace Hà Nội ngày hôm qua (20/9).

Nhiều ý kiến khác nhau đã được bày tỏ trong buổi tọa đàm, chủ yếu xoay quanh thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh.

Và “thi tài tuổi 20” ngày ấy, khi đã ở trong tuổi 30, nói gì về những sáng tác của chính mình?

Không muốn dán chữ thiên tài lên người để sống

* Chuyện của thiên tài ra mắt cùng lời giới thiệu “không thể tốt hơn” của hai nhà văn lão làng Hồ Anh Thái và Lê Minh Khuê, và lập tức đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2005, sau đó là cuốn Lẽ giản đơn (Đông A & NXB Hội Nhà Văn, 2006), để rồi bỗng nhiên Nguyễn Thế Hoàng Linh trở nên nổi tiếng với hình ảnh một “thi tài”. Anh đã nghĩ và cảm thấy thế nào khi đó?

- Có lẽ lúc đó tôi chỉ nghĩ một sản phẩm mình thấy là tốt đã được bán ra, hy vọng nó bán chạy để mình có thêm tiền làm những thứ khác.

* Bây giờ nhìn lại ngày ấy, khi bản thân xuất hiện như một hiện tượng văn học, anh thấy sao?

- Lúc đó và bây giờ, tôi không quan tâm lắm chuyện mình là hiện tượng văn học hay thế này thế kia và vẫn sống cuộc sống của mình.

* Vậy anh đã bao giờ nghĩ rằng mình là một thiên tài?

- Không ít nhưng cũng không nhiều. Tôi quan niệm một người là thiên tài là những lúc người đó tạo ra những sản phẩm thiên tài. Những lần tôi nghĩ hay tranh luận về điều này là những lần tôi cần tự hỏi về chất lượng sản phẩm của mình cũng như nếu mình tạo được những tác phẩm thiên tài, khả năng đánh giá, trả công sòng phẳng của người đọc đến đâu. Giống như người làm bánh, chế tạo xe lâu năm cần biết mình làm ở mức độ nào, nói chung là những suy nghĩ đó liên quan đến tác phẩm và việc xã hội tiếp nhận nó, tôi không có ý muốn dán chữ thiên tài lên người để sống.

* Sáu năm qua, Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng lại bỗng nhiên... mất tích trên văn đàn. Quãng thời gian dài ấy, anh đã làm những công việc gì liên quan đến viết?

- Khái niệm văn đàn là thứ khá xa lạ với tôi. Viết và đưa nó ra ở đâu đó, trên mạng, đăng báo hoặc in sách và nếu bán được thì tốt, đó là điều tôi quan tâm hơn. Thời gian qua tôi vẫn viết đều nhưng không có được sự đồng thuận với những nơi xuất bản sách trong chuyện biên tập. Nhiều bản thảo đã được gửi đi nhưng chỉ cuốn Mỗi quốc gia một thành phố của thế giới được Bách Việt in năm 2008. Và mới đây là Hở với Nhã Nam.

Sự ra đời của tập thơ Hở

* Cũng trong thời gian ấy, ngoài việc đưa một số bài thơ trên blog, Facebook, anh còn viết rất nhiều theo dạng nửa tiểu luận, nửa ghi chép về những suy nghĩ của mình về văn chương, đọc lại không dễ hiểu, anh có thể nói rõ hơn đó là gì? Vì sao lại viết chúng? Và để làm gì?

- Đó là những trích đoạn của tiểu luận Tính thơ có ở khắp nơi tôi vẫn đang viết dở trong nhiều năm nay. Tôi cho rằng những gì có tính thơ trong mọi thứ của đời sống thì đều chạm tới nghệ thuật và thử phân tích chúng một chút. Làm vậy không phải để tóm bắt nghệ thuật mà để hy vọng độc giả nếu đồng tình với quan niệm tính thơ đó, sẽ cởi mở hơn và có thêm chút công cụ dò dẫm khi tiếp nhận những vẻ đẹp, vẻ không dễ nhận ra là đẹp. Ít nhất, sự nhận ra điều đó bổ ích với tôi.

* Về tập thơ Hở, cơ duyên nào để anh cho ra mắt hơn 100 bài thơ này?

- Tôi gửi một số tập thơ đến Nhã Nam cách đây khá lâu với điều kiện là đăng nguyên trạng vì tôi muốn giữ những lựa chọn, cấu trúc mình đưa ra. Sau một thời gian dài chưa đạt được sự đồng thuận về biên tập thì Nhã Nam đưa ra một ý tưởng khiến tôi trở nên dễ tính: Nhã Nam tự chọn bài trong những tập thơ tôi gửi để làm ra tập Hở (cũng là tên Nhã Nam đặt và tôi thấy được). Điều kiện về phía tôi là không chỉnh sửa từ ngữ và bài nào rút ngắn thì phải đề rõ là “trích”.

Lựa chọn của Nhã Nam cũng tương đối ngẫu hứng về thể loại và thời gian như tôi nên các bài thơ được lấy ra từ nhiều giai đoạn.

* Có gì thay đổi trong những sáng tác đó không so với bây giờ và cách đây 7 năm, từ cái nhìn chủ quan của anh?

- Có một số nền tảng tư duy và lối viết vẫn thế nhưng cũng nhiều cái tôi nghĩ khác đi, cái này cũng ảnh hưởng đến giọng điệu. Riêng năng lượng và nhiệt tâm sáng tác hiện tại thì thua xa lúc đó.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

- 2003: “Dấu hiệu thiên tài trong thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh là những điểm cực sáng mà tất cả như vọt sáng cùng một lúc vào thời gian mà người thanh niên chỉ vừa mới thò thập ở ngưỡng cửa hai mươi”. (Lê Thị Huệ - Gió O)

- 2005: “Trong tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, Linh đã tiên liệu một ngày nào đó người ta sẽ phải tìm mình. Người ta đây là độc giả và đồng nghiệp văn chương”. (Nhà văn Hồ Anh Thái)

- 20/9/2011: “Thơ của Linh, từ năm 2001 và mới đây là 2010 vẫn là cách nhìn về đời sống, đời sống thì vẫn thế. Như bài À ơ sáng tác năm 2004, “à” thì như một sự hiện hữu, tồn tại và xác nhận sự tồn tại, còn “ơ” thì ngạc nhiên về sự tồn tại ấy...

Thơ Linh là thơ của con người thành phố. Linh mở ra mọi con mắt cũng như mọi giác quan vào cái nhìn cuộc sống. Xuyên suốt trong thơ Linh có một đứa trẻ vừa khôn, vừa già, vừa ngu ngơ để tìm về bản nhiên của con người. Những bài thơ từ năm 2006 trở đi, Linh đi vào vấn đề có tính xã hội hơn. Tưởng gây cười mà không gây cười!”. (Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên)

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm