Nhà văn Phan Việt: Cực đoan không phải là lựa chọn mà là tất yếu

03/09/2011 14:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà văn Phan Việt (tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện, Nước Mỹ nước Mỹ và tiểu thuyết Tiếng người) về nước lần này để đưa sinh viên của mình đi thực tập với tư cách Phó giáo sư ngành Xã hội học - Đại học San Jose, Mỹ. Chị cũng vừa tham gia sự kiện ra mắt tủ sách “Cánh cửa mở rộng” của NXB Trẻ cùng GS Ngô Bảo Châu và một số dịch giả. Nhưng cuộc đối thoại này không phải về cả hai việc đó, mà một cách tự nhiên, được dẫn về về đời sống của chị - một nhà văn đang trong tâm thế “đứng giữa” nhiều sự chọn lựa về nghề nghiệp, ngôn ngữ, nơi sống…


Nhà văn Phan Việt
Chuyện được bắt đầu khi Phan Việt nhất định từ chối ý định tôi muốn chụp một chân dung mới của chị, khi hầu như những bức chân dung Phan Việt được nhiều bài báo sử dụng đều là những ảnh rất cũ, chụp cách đây ít nhất 4 năm. Lý do từ chối của Phan Việt là: “Tôi không quen lắm với việc chụp ảnh. Có thể viết khác với chụp ảnh ở chỗ đó là công việc của mình, hoàn toàn kiểm soát, khống chế nó được”.

Tác phẩm lớn hơn bản thân nhà văn

* Chị đã từng bị chi phối bởi việc xem chân dung của một nhà văn, cùng với việc tiếp xúc với họ qua tác phẩm?

- Nhìn chung tôi không để ý đến chân dung tác giả lắm. Lúc tôi bắt đầu đọc sách thì đã thường đọc tác giả cổ điển, đã chết, không có chân dung, nó khiến họ dường như không có thật mà văn học cũng là một thế giới không thật. Sau này, với các tác giả đương đại, tôi cũng không có thói quen đi tìm ảnh tác giả để xem, trừ khi sách tôi đọc là dạng tự truyện hoặc hồi ký.

* Còn việc gặp tác giả thì sao? Như là tôi tìm gặp chị ấy?

- Đối với tôi, tiếp xúc quan trọng nhất là tiếp xúc với tác phẩm. Mình đã gặp họ ở tác phẩm rồi. Tất cả những gì họ muốn nói với mình, thậm chí những điều cao hơn bản thân họ thì họ đã nói hết trong tác phẩm rồi. Gặp họ dĩ nhiên cũng có những thú vị riêng, trên tư cách gặp một con người, nhưng về mặt văn chương thì giá trị gia tăng không nhiều.


* Có những trường hợp con người lớn hơn tác phẩm thì sao?

- Nếu thế thì thật là đáng tiếc - về mặt văn chương. Tôi thì nghĩ là nếu một nhà văn thực sự làm đúng công việc của mình thì tác phẩm bao giờ cũng phải lớn hơn bản thân họ. Càng viết thì tôi càng thấy là nhà văn chỉ là công cụ truyền tải; bản thân tôi thường xuyên có cảm giác mình là miếng mút cứ thấm hút đời sống rồi vắt lại đời sống đó lên sách; tôi cứ càng trong suốt, nhạt nhòa thì càng tốt.

* Vậy nên chị không thích nói về tác phẩm khi đã hoàn tất nó?

- Về cơ bản là như thế. Sau khi viết xong một cuốn sách, tôi thường có cảm giác là tôi không còn gì để nói thêm về tác phẩm đó nữa. Bởi vì khi viết, mình sống trong tác phẩm đấy, mọi thứ đều được kinh nghiệm thật ở thời điểm đấy. Sự thăng hoa là của khoảnh khắc đó và không thể lặp lại. Việc sau đó mình dùng ngôn ngữ để kể lại về quá trình đó thì thường là đã có độ vênh rồi. Nên thường thì viết xong một cuốn sách, tôi chỉ muốn nói “Đây, tôi đã viết cuốn sách này, bạn hãy đọc”. Vậy thôi.

Không thể "viết tranh thủ" mãi được

* Còn nói về công việc viết lách thì thế nào?

- Đến bây giờ thì tôi hình dung khá rõ là tôi muốn viết như thế nào. Cái này là tự việc viết lách dạy cho mình. Câu chuyện cụ thể thì thay đổi theo thời gian nhưng nói chung tôi biết khá rõ cái tạng viết của mình, mình đã hiểu là mình không cần và không nên giả vờ làm ai khác nữa; và mình cũng đã hiểu cả những vấn đề có tính kỹ thuật ở cá nhân mình, ví dụ mình nên viết sáng hay tối, ở nhà hay ra hiệu sách, lúc không viết được thì nên làm gì, khi nào có thể lười và khi nào nhất định không được lười. Mà cái cơ bản nhất là mình học được cách nhìn ra một câu chuyện từ trong các chi tiết của đời sống. Tôi thuộc tạng có tư duy bố cục mạnh; cho nên tôi luôn biết khi nào tôi đã có một câu chuyện trong lúc tôi đang nhìn, đang nghe, đang quan sát. Với truyện ngắn, nó là việc bắt lấy một khoảnh khắc tạo nghĩa, một khoảnh khắc có khả năng rọi sáng về đời sống. Tiểu thuyết thì khó hơn. Tiểu thuyết thì quan trọng nhất với tôi là cái kết thúc - khi tôi hình dung ra được cái kết thì thường là tôi biết tôi có một cuốn sách, ngay cả nếu tôi không biết phần giữa của cuốn sách là cái gì. Phần giữa là phần mình có thể làm dần bằng cách liên tục thu thập chi tiết. Nói chung, nếu anh đã là một nhà văn, anh không bao giờ ngừng là một nhà văn cả.

* Có bao giờ chị mang cảm giác là thực tế cuộc sống đã hàm chứa những cái hay, và tự nó đã giải quyết những vấn đế của nó rồi…

- Thì mình cứ sống đi, mình viết làm gì, ý anh là vậy? Gần đây, tôi thỉnh thoảng có cảm giác đó; tức là cảm giác mình viết về cuộc sống nhiều hơn là mình sống cuộc sống. Thấy như vậy không đáng. Cho nên bây giờ tôi viết khác đi và cũng chậm hơn. Ngày trước, tôi viết truyện ngắn cứ phải có tư tưởng; giờ tôi chỉ kể chuyện thôi.


* Trong tất cả những bài trả lời phỏng vấn của chị, vẫn thấy nghề viết thật sự là lý tưởng?

- Đối với tôi thì viết thích hợp với con người mình, nó làm mình hạnh phúc. Có thể trời sinh ra mình là như vậy thì mình cứ làm như vậy, mình không còn cưỡng lại nữa. Như ngày xưa, tôi còn có nhu cầu làm thế này thế khác để mua vui cho bản thân; bây giờ tôi ít có nhu cầu đấy. Cái con người sống bình thường của tôi càng ngày càng thu hẹp lại, nó cứ trong dần, trong dần; tôi hầu như chỉ sử dụng nó ở mức tối thiểu, ví dụ như là tôi vẫn phải đứng lớp, phải thuyết trình khoa học, vân vân… thì vẫn phải dùng đến các kỹ năng giao tiếp. Ngoài chuyện đó ra, khi không ai hỏi gì thì tôi không có nhu cầu nói gì cả.

* Hiện nay, công việc giảng dạy có cho chị những điều kiện về thời gian, vật chất cho công việc viết lách?

- Vật chất thì bây giờ tôi thoải mái hơn, nhưng thời gian thì tôi có ít. Chức danh chính thức của tôi hiện nay là Phó giáo sư Đại học San Jose và tôi phải hoàn thành trách nhiệm của mình nên bây giờ tôi vẫn đang viết trong tình trạng tranh thủ. Tôi biết là tôi không thể viết theo kiểu tranh thủ mãi được.

* Chị sẽ giải quyết thế nào?

- Thì phải viết full-time thôi.

Viết và xu hướng

* Xu hướng. Chị có đi theo nó không?

- Thật ra, có muốn đi anh cũng chẳng đi được. Câu chuyện, con mắt, cách kể đều là của anh, làm sao anh đi theo cái gì được? Anh chỉ có thể giả vờ đi theo trong một khoảng thời gian thôi.

* Chị có lựa chọn tâm thế cực đoan của một người viết?

- Đây không phải chuyện lựa chọn mà nghiễm nhiên nó phải là như thế, trong bất cứ lĩnh vực nào. Văn hóa của Việt Nam hay trọng sự hài hòa, êm thấm, êm ái nên người ta nghĩ đến từ cực đoan với nghĩa xấu. Nhưng nếu anh thực sự hiểu lựa chọn của mình và công việc của mình thì anh cũng không có lựa chọn nào khác ngoài sự cực đoan. Người ta chỉ không cực đoan được vì người ta không hiểu rõ sự lựa chọn của mình thôi.

* Chị có định sử dụng chất liệu trong môi trường sư phạm của chị vào viết lách?

- Có, chắc là sẽ viết. Đợt vừa rồi, khi tôi đưa sinh viên của mình về Việt Nam thực tập, có một cậu sinh viên; khi tôi đưa cậu đi mua đồ thì cứ bị người ta hỏi, tôi là vợ hay là bạn gái cậu ấy? Người ta có mặc định như vậy. Có thể tôi sẽ viết một cuốn sách về tất cả những điều đấy - về những kinh nghiệm của tôi khi mình sống một cuộc sống ở giữa Mỹ và Việt Nam. Cho đến giờ, hầu như tôi chưa khai thác gì những kinh nghiệm sống của mình cả.

* Khi nào thì chị sẽ viết cuốn sách đó?

- Khi nào thời điểm của cuốn sách đó đến.

* Chị sẽ về Việt Nam chứ?

- Có thể. Hiện giờ thì tôi thấy tôi sống bên ngoài sẽ tốt hơn.

* Hiện nay, chị có vướng phải cảm giác phải giao tiếp thường ngày bằng một ngôn ngữ, và viết lách bằng một ngôn ngữ khác?

- Tôi bắt đầu có một xung đột là không biết nên viết tiếng Việt hay tiếng Anh. Ví dụ cuốn sách mà hiện tôi đang viết, tôi đã bắt đầu bằng tiếng Việt, sau đó chuyển sang tiếng Anh, và lại quay về với tiếng Việt. Mà bây giờ, vì phải dùng tiếng Anh hằng ngày nên tôi bắt đầu bị một chuyện nữa là tôi viết sai chính tả mà không hề ý thức được. Ngày xưa tôi không bao giờ viết sai chính tả; thế mà bây giờ có từ mình viết sai lè ra mà không biết. Cứ như là mình bị rơi vào những điểm mù vậy.


* Như Linda Lê là tách biệt hoàn toàn với môi trường tiếng Việt, chỉ viết bằng tiếng Pháp, có khi sẽ có những thành tựu như mong muốn hơn?

- Lựa chọn cự tuyệt như thế cũng tốt. Hoặc là đến lúc mình thấy có nhu cầu tự nhiên là phải viết tiếng Anh, cho độc giả nói tiếng Anh thì mình sẽ tự viết.

* Vì sao chị vẫn muốn độc giả của chị là người Việt Nam?

- Vì người Việt với tôi là thân hơn. Tôi nhớ khi tôi đi xin việc ở Mỹ, tôi có nói thẳng với những người tuyển việc là tôi không quan tâm tới công tác xã hội ở Mỹ, tôi không quan tâm đến các vấn đề của người Mỹ vì họ có nhiều người lo rồi, tôi không cần phải lo thêm nữa. Với người Việt thì khác; mình có quan hệ máu mủ mà mình không phủ nhận được. Tôi không nói tới cái tinh thần dân tộc kiểu mặc định đâu mà đây là một sự quan tâm có thật. Là sự đồng cảm có thật với những người đồng bào của mình. Càng lớn thì tôi càng hiểu điều đó. Gần đây, khi tôi về Việt Nam làm việc với tư cách là người của trường đại học bên Mỹ thì tôi bắt đầu phải đối mặt với những tình huống mà tôi buộc phải lựa chọn, hoặc là tôi bảo vệ lợi ích của phía Mỹ vì tôi ăn lương của họ, hoặc tôi phải bảo vệ lợi ích của người Việt Nam, thì tôi thấy rõ là mình luôn đứng về phía Việt Nam. Mình không cưỡng được điều đó. Còn trong viết lách, thì ngôn ngữ tiếng Việt là ngôn ngữ đẹp.

* Đến một lúc nào đó, chị sẽ có sách bằng tiếng Anh?

- Có chứ.

* Có khi nào chị viết vô tư hơn, không hướng đến độc giả nào?

- Cái câu hỏi viết cho ai là một câu hỏi kép - một là chuyện triết lý viết, hai là chuyện kỹ thuật viết. Về mặt triết lý, anh có thể định hướng là anh viết cho độc giả thông minh, hay viết cho Chúa hay viết vì một cái gì đó cao cả, vân vân… Nhưng khi anh theo đuổi một cuốn sách trong ba năm thì chỉ có 10% số ngày đó là anh viết trong trạng thái thăng hoa, còn 90% số ngày là anh phải dùng đến kỷ luật và sự khổ luyện. Thế thì trong 90% số ngày đó, về kỹ thuật, có thể anh phải viện đến một độc giả nào đó cụ thể hơn để mà có thể đi tiếp. Ví dụ là tôi thường nghĩ tôi sẽ viết để cho người bạn này, người bạn kia của tôi đọc. Hoặc có người phải lấy động cơ là viết trả thù các nhà phê bình đã chê cuốn sách trước của mình. Vân vân… Đấy là chuyện kỹ thuật thôi. Suy cho cùng, thì tất cả các đối tượng trên đều không liên quan gì lắm đến tác phẩm, đến chính tôi cũng chẳng liên quan gì mấy đến tác phẩm của tôi sau khi tôi đã viết xong. Nó không thuộc về tôi nữa.

Đỗ Duy (thực hiện)

 Ảnh : Thanh Vân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm