Nhà văn trẻ Nhã Thuyên: Người đọc không dễ bị đánh lừa

16/08/2011 10:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, nhà văn trẻ Nhã Thuyên (sinh 1986) vừa phát hành tập truyện “cực ngắn” Ngón tay út (NXB Hội Nhà văn và Phương Nam book). Truyện “cực ngắn” dường như ít được các nhà văn Việt chấp bút, nhưng thời gian gần đây đang được hưởng ứng nhiều, vì nhà văn Nhật Chiêu cũng đang in một tập sách dạng này.

Nhã Thuyên cho biết: Người viết truyện cực ngắn phải tạo lập sự tồn tại riêng bằng giọng của mình, đồng thời bản thân các sáng tác không được lặp lại. Điều này rất thách thức bởi đó là thể loại hướng tới sự cực hạn và lại rất tự do. Tôi vẫn là kẻ đang đi tìm kiếm “bí mật” của nó. Vài ba năm qua tôi chỉ viết được chừng mấy chục truyện nhỏ xíu vậy. TT&VH có cuộc trò chuyện với Nhã Thuyên.

Đi tìm “bí mật” của truyện cực ngắn

Nhà văn trẻ Nhã Thuyên

* Cách đây không lâu, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn Nhật Chiêu khi ông chuẩn bị in cuốn truyện cực ngắn Lời tiên tri của giọt sương. Theo chị, các sáng tác trong Ngón tay út có gì tương đồng và khác biệt với các quan điểm của Nhật Chiêu?

- Tôi có đọc một số truyện cực ngắn của Nhật Chiêu trong đó có truyện tuyệt ngắn Sử thi nàng Sita chỉ gồm một từ “đất”. Thưởng thức truyện này, người đã đọc Ramayana (một sử thi của Ấn Độ) có thể tưởng tượng lại câu chuyện về “đất” nhưng cũng có thể bỏ qua luôn và thấy nó vô nghĩa.

Sự khác biệt của Ngón tay út với tác phẩm của Nhật Chiêu là chuyện tất nhiên. Cái vỏ “thấy được” thì nguồn ảnh hưởng ban đầu của tôi có thể là truyện cực ngắn kiểu Mỹ Latin và những xung động “bản năng” của một người trẻ tuổi. Khi đọc Nhật Chiêu, tôi thấy rõ chất Đông phương với Thiền và thơ Haiku cùng với nhiều suy tư, nhiều tri thức, thậm chí nhiều nghiên cứu kỹ lưỡng.

* Nhiều truyện ngắn trong Ngón tay út giống như một bài thơ văn xuôi. Khi viết tập truyện này, chị có nghĩ là mình làm thơ văn xuôi hay chị hoàn toàn ý thức mình viết truyện ngắn?

- Tôi nghĩ tôi có ý thức về các thể loại nhưng ngay cả khi ý thức thì kết quả vẫn thường phản lại mình. Sau khi hoàn thiện và “nhìn lại” tác phẩm, tôi sẽ có “ý thức” đặt cho nó một “danh tính”. Dù là thơ hay văn xuôi thì nhìn chung, tôi hướng tới việc tìm kiếm bút pháp và ngôn ngữ. Còn từ ý tưởng tới tác phẩm là một chặng đường đầy bất trắc.

Hướng đến “khoảng trống mỹ cảm”

* Truyện ngắn “kiệm chữ” đã đành, truyện cực ngắn còn kiệm chữ hơn. Nhưng truyện chỉ có cái nhan đề như Khoảng vắng này của bạn giống như một bài hát không có nốt nhạc nào. Điều này thể hiện sự “cực đoan” hay chị muốn gửi gắm điều gì?

- Tôi rất vui khi có độc giả nghĩ đó là một truyện cực ngắn (cười). Kỳ thực, với tôi đó là một cách trình bày, hữu hình hóa cách thức tạo “khoảng vắng” riêng cho độc giả. Khoảng vắng đó mời gọi bạn đọc viết đôi dòng cảm nhận riêng, hay thử viết một truyện cực ngắn... Những khoảng vắng thường là nơi chốn của tự do và những dư vị, tôi hy vọng thế.

* Sinh thời, Giáo sư mỹ học Hoàng Thiệu Khang có nói đại ý rằng: “Một bài thơ xuống dòng chừa các khoảng trống vì muốn đó là các khoảng trống mỹ cảm”. Nhiều truyện trong Ngón tay út có quá nhiều “khoảng trống”, chị có chủ ý tạo ra các “khoảng trống mỹ cảm” hay đơn giản chỉ là “bản năng” của ngòi bút?

- “Những khoảng trống mỹ cảm” chính là điều mà tôi mong muốn. Nó là chủ ý, nhưng làm được thì là bản năng. Rất khó tạo khoảng trống chỉ bằng một chủ ý áp đặt, chủ quan, như bằng cách xuống dòng của thơ. Nhiều bài thơ xuống dòng mà vẫn không có khoảng trống gì hết.

* Nhà văn Trần Nhã Thụy nhận định về chị: “... đã tạo dựng nên một phong cách viết mới, cùng với các cây bút trẻ khác, tạo nên một thế hệ viết mới. Và, có lẽ từ đây cũng hình thành một thế hệ độc giả mới”. Từ góc nhìn của người viết, chị nhận xét thế nào về “thế hệ độc giả” mới mà mình đang hướng đến?

- Khi tìm cách lý giải cho sự hoang mang, thất vọng của chính mình trong không gian văn chương Việt Nam đương đại còn khá bề bộn và nhập nhoạng, tôi đã nghĩ đến việc... “đổ trách nhiệm” cho độc giả (mà bản thân tôi cũng là một độc giả). Người đọc văn chương thời toàn cầu hóa có nhiều lựa chọn nên việc chinh phục độc giả càng nhiều thách thức. Tôi vẫn may mắn nhìn thấy những người viết, người đọc quan tâm đọc văn học Việt Nam.

Có thể kỳ vọng vào một cộng đồng đọc dù ít ỏi, với những người đọc dần xóa bỏ các định kiến, thẳng thắn, độc lập trong suy nghĩ và có sự đòi hỏi cao về phẩm chất văn chương, và người viết phải thúc mình để “đi kịp” họ. Tôi rất vì nể những người đọc văn chương ít ỏi hiện nay, họ không dễ bị đánh lừa, và tôi hy vọng một cộng đồng đọc trẻ sẽ là hứng thú của những người viết mới.

Thanh Kiều (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm