Nhà văn Lê Minh Khuê: Không hiểu sao mình lại viết được như thế

23/07/2011 15:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Là người có duyên với các giải thưởng văn học trong nước và quốc tế, tác phẩm được dịch ra một số tiếng trên thế giới… Gần đây nhất, bản dịch Những bi kịch nhỏ - cuốn sách Việt Nam đầu tiên được dịch thẳng sang tiếng Đức - của bà đoạt giải thưởng bản dịch xuất sắc (cho hai dịch giả là giáo sư Guenter Giesenfeld và bà Marianne Ngo) tại hội chợ sách Frankfurt.

Vậy mà trước báo chí, nhà văn Lê Minh Khuê thường lựa chọn sự... im lặng. Mục “Hỏi thẳng - đáp thật” của TT&VH thứ Bảy tuần này sẽ “hỏi thẳng” về chuyện này:

Nghĩ cái gì thì nên lẳng lặng làm

* Dường như bà hạn chế tiếp xúc với báo chí?

- Mỗi lần tôi có giải thưởng, đi nhận giải thưởng, báo chí có nói nhiều, nhưng như nhiều sự kiện của đời sống hôm nay, cái gì cũng qua rất nhanh, mọi người sẽ quên ngay những điều họ vừa đọc. Không phải chỉ riêng văn chương mà sự quên đó xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống.

Cho nên tôi nghĩ quan trọng nhất là viết được gì, chuyện công bố ra việc mình làm thực ra mình không cần lắm, báo chí ưu ái mình thì viết thôi. Mà họ viết thì mình cũng cảm ơn lắm nhưng sau đó công việc lại chỉ là của mình, mình phải tiếp tục.

* Vậy là bà không hứng thú trả lời phỏng vấn?

- Tôi ít trả lời phỏng vấn. Nghĩ cái gì thì mình lẳng lặng làm. Nói ra, có thể người nghe không thích vì mỗi người một cách.


Nhà văn Lê Minh Khuê và tập truyện ngắn của bà

* Trong làng văn, không ít người nhận xét bà là một nhà văn khó tính?

- Không, tôi không khó tính, có lẽ là do tôi ít giao du. Trong đám bạn thân không làm văn chương thỉnh thoảng tôi có nói chuyện văn chương như cách giải trí, còn khi gặp bạn văn chương thì lại nói chuyện khác không bàn chuyện văn.

* Chính vì sự im lặng, một mình mà bà đã duy trì được tốc độ viết đều đặn?

- Nếu nói tốc độ viết, thì trong làng văn nhiều người viết nhiều và ra nhiều tác phẩm. Số lượng viết của tôi cũng bình thường thôi.

Tôi nghĩ văn chương không lệ thuộc vào số nhiều. Quan trọng là mỗi khi viết ra, người viết muốn nói cái gì, không đơn thuần chỉ giải trí. Đội ngũ viết giải trí thì đông lắm, mà viết giải trí thực ra cũng không phải dễ, nên tôi thấy mình không giỏi viết giải trí. Tôi thích thứ văn chương có những ý tưởng nghiêm túc hơn, có thể ít bạn đọc nhưng đó là cái tạng của mình. Tôi nghĩ tới vấn đề mà một nhà văn bạn tôi có đề cập, đó là sự phản biện của trí thức trước các vấn đề của cuộc sống.

* Mỗi tác phẩm của bà không chỉ giàu chất văn chương, ngôn từ mềm mại mà luôn có sự khám phá mới về cách thức thể hiện. Đọc văn của bà, có thể thấy sức trẻ, ham muốn sáng tạo trong đó...

- Cái đó quan trọng lắm chứ. Ví dụ như đối thoại trong văn chương, nếu câu chuyện lãng mạn, đẹp thì mình dùng đối thoại khác, còn khi câu chuyện có chủ đề gay gắt thì lại dùng đối thoại cho phù hợp tình huống. Mỗi cách sử dụng đều nhằm mục đích nói lên một cái gì. Sang dòng thứ hai của câu chuyện đã phải nổi lên ý tưởng rồi. Văn chương phải là văn chương. Người viết không nên kể sống sít cho xong một câu chuyện, một tâm trạng mà không bộc lộ được ý tưởng chính. Đã viết văn, thì cần phải cẩn thận từng dấu chấm, dấu phẩy, cách dùng chữ, cách diễn đạt cảm xúc.

Tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất của nhà văn là nội lực. Có nội lực rồi thì khi viết không cần cố gắng gồng mình, chỉ cần cẩn thận. Đôi khi đọc lại truyện của chính mình, tôi cũng ngạc nhiên, không hiểu vì sao mình lại viết được thế. Như truyện Những ngôi sao xa xôi, truyện đầu tay tôi viết vào năm 19 tuổi, khi viết xong thì tôi không thích lắm, nhưng ở tuổi này của cuộc đời, khi đã bị quăng quật, bị thử thách thậm chí là nhiều đau khổ tôi ngạc nhiên vì sao vào thời điểm đó con người mình có thể trẻ thơ đến như vậy.

Nội lực của nhà văn cần được kết hợp với lao động cẩn thận, làm thế nào để không bị trùng lắp với chính mình, không bị hời hợt. Không nên viết ra những điều vô nghĩa. Đó là vì sao tôi viết không nhiều, tôi thực tình không thích lắm nhiều truyện ngắn của tôi. Trong các tác phẩm tôi chỉ chọn được khoảng mười cái truyện có thể đọc lại.

* Vậy đó là những tác phẩm nào, thưa bà? Bà có thể kể một truyện?

- Ví dụ như truyện Anh lính Tony D trong đó có màu sắc chiến tranh, sự tối tăm khi con người lao vào những tham vọng nhỏ nhặt, tội ác, những sự ám ảnh về chết chóc... Tôi không hiểu sao mình lại viết được như thế (cười). Ban đầu chỉ là ý tưởng đơn giản, sau đó tôi đã phát triển truyện ngắn này và nâng nó lên được ý tưởng sâu sắc.

Truyện là khoảnh khắc cuộc sống


Tuyển tập của NXB Houghton Mifflin Harcourt (Mỹ) đã chọn in Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê

* Truyện của bà ít thể hiện qua diễn biến thời gian mà thường là khoảnh khắc của cuộc sống?

- Đúng vậy. Đó là khoảnh khắc cuộc sống. Tôi thích viết ra những câu chuyện không gắn với hiện thực nhưng nó lại là điều xảy ra trong đời sống. Tất cả các câu chuyện của tôi đều viết từ trí tưởng tượng, những gì quá sáng rõ, quá thực, quá tròn trĩnh trong suy nghĩ thì tôi không thể viết được.

* Câu chuyện của bà cũng diễn ra hết sức tự nhiên, như hơi thở của chính bà hòa vào hơi thở cuộc sống và được đi qua bộ lọc của nhà văn. Tác phẩm bà viết ra không cần kể một câu chuyện cụ thể nào cả, nhưng lại lắng đọng. Điều mà bà đem lại cho người đọc là sau khi đọc đến dấu chấm hết, họ sẽ có một phát khởi về điều gì đó, hoặc được sáng tỏ điều gì đó đang quẩn quanh trong đầu... Bà có ý thức về điều này không?

- Tôi ý thức về điều đó chứ. Nội lực của nhà văn chính là khả năng và tài năng trời cho. Khi viết thì tôi không để ý gì cả, cứ viết. Sau khi viết xong, đọc lại, tôi cho rằng mình cũng được trời cho khả năng viết. Con đường viết văn nghiêm túc thì rất là mệt.

* Vậy nguyên do nào để bà cầm bút viết văn?

- Đó là năm 17 tuổi, năm 1967, khi tôi nằm trong quân y viện. Khi đó buồn lắm. Một số người lính ghé qua, họ cho mượn sách, tôi đọc rất là nhiều. Có một anh bộ đội gợi ý, bảo tôi, hay là em viết đi! Tôi bắt đầu viết cho báo Tiền Phong từ đó với những bài ký.

* Trong suốt khoảng thời gian dài theo nghiệp văn như vậy, có lúc nào bà cảm thấy không thể viết?

- Có nhiều thời gian tôi không thể viết. Tôi nghỉ, chơi rồi lại viết. Thỉnh thoảng tôi viết một truyện. Kiểu làm việc của tôi nhìn vào thì có vẻ không miệt mài lắm nhưng thực ra lúc đó tôi vẫn nghĩ một cái gì đấy, vẫn quan sát để hình thành một cái gì đấy. Có ý tưởng rồi thì viết, viết thì lại nhanh. Bản ban đầu thường là phác ra một câu chuyện giống như cày vỡ thửa ruộng, sau đó viết lại lần hai. Nhiều khi viết lần hai, truyện đổi sang hướng khác, hoặc thay đổi chủ đề.

Tôi không thích viết máy, vì cảm giác viết tay luôn mang đến những gợi ý mới. Đôi khi lao động trên giấy bằng chữ viết tay, nó điều khiển được nghĩ ngợi. Tôi không gạch xóa trên bản thảo, mà tôi viết bản khác bên cạnh truyện đó. Đối với tôi, viết tay rất quan trọng. Thậm chí nhiều khi ngồi vào bàn còn chưa biết viết cái gì, nhưng khi đặt bút lên giấy, thì lại dò ra được mạch truyện. Tôi là người viết theo cảm hứng. Các nhà văn muốn viết được một quyển tiểu thuyết dày, có lẽ họ phải lao động miệt mài hơn.

Viết tiểu thuyết hay cực kỳ khó

* Tác phẩm đã xuất bản: Cao điểm mùa Hạ (tập truyện ngắn, 1978); Đoạn kết (truyện ngắn, 1980); Một chiều xa thành phố (tập truyện ngắn, 1987); Em đã không quên (tiểu thuyết, 1990); Bi kịch nhỏ (tập truyện ngắn, 1993); Lê Minh Khuê - truyện ngắn (1994), Trong làn gió heo may (tập truyện ngắn, 2000), Màu xanh man trá (tập truyện ngắn, 2002); Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (tập truyện ngắn, 2004), Một mình qua đường (tập truyện ngắn, 2008)...

- Đã được nhận: Giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987 (Tập truyện ngắn: Một chiều xa thành phố), Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001 cho tập truyện ngắn Trong làn gió heo may.

- Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được nhà xuất bản Houghton Mifflin Harcourt, Mỹ tuyển chọn in trong tập The Art of the Short Story cùng một số tác giả khác của thế giới.

Giải thưởng văn học quốc tế Byeong-ju Lee của Hàn Quốc cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông bản tiếng Anh.

* Đó là lý do mà bà còn khá “rụt rè” với thể loại tiểu thuyết?

- Đến giờ tôi mới dừng lại ở truyện ngắn và truyện vừa. Hầu hết trong số đó có thể phát triển thành tiều thuyết. Tôi viết ngắn bởi có lẽ tư duy của mình dừng lại ở mức đó là thấy rất tốt.

* Bà là người ưa khám phá tìm tòi để xem xét khả năng của mình đến đâu, tại sao bà chỉ dừng lại trên mảnh đất truyện ngắn mà không dấn sâu hơn nữa vào thể loại tiểu thuyết?

- Sẽ có lúc nào đó. Tôi cũng đã từng thử viết dài rồi đấy, nhưng tôi dừng lại vì cảm thấy không phải mình. Ngôn ngữ truyện ngắn thường súc tích, giờ viết lê thê cũng được, nhưng đọc xong tôi thấy không thích. Tôi không ép mình cố làm gì cả, cứ để cho mọi thứ tự nhiên.

* Vậy có điều thú vị từ cách viết của bà, ban đầu bà viết từ cảm hứng, bằng nội lực, theo tự nhiên, để đến khi ngôn ngữ được hình thành, bà lại hết sức cẩn thận, nghiêm ngắn từng từ, ngữ, dấu chấm phẩy, từ đó hình thành nên dòng chảy giọng điệu riêng, kết thúc một truyện, bà lại nhẩn nha...

- Đó không phải là nhẩn nha chơi, mà là nhẩn nha trong lao động. Cách viết ấy tiết kiệm cho người viết được nhiều thứ. Nếu như anh bày ra một truyện với hàng nghìn chữ mà linh hồn truyện không sống động thì chẳng để làm gì. Tôi muốn viết một truyện sao cho có linh hồn sống động và thể hiện được ý tưởng của mình. Đừng rải nhiều chữ trong khi ý tưởng của mình dừng lại ở mức nào đó, đừng làm loãng những điều mà mình định nói.

* Thế nhưng, truyện ngắn chỉ dừng lại ở một khoảnh khắc, một ý niệm, hay thể hiện một sự chứng ngộ nào đó, trong khi tiểu thuyết dung chứa được nhiều hơn thế?

- Với vài dòng trong truyện ngắn, anh có thể viết ra được vài chục trang trong một thứ gọi là tiểu thuyết. Viết dài đòi hỏi nhà văn giữ được mạch truyện, lắm khi phải “trói” chân mình ở bàn. Viết tiểu thuyết thì cần phải mang vác nặng nhọc. Viết truyện ngắn thì lại có cái nặng nhọc khác.

Tiểu thuyết ở Việt Nam thì nhiều, nhưng thường là trần thuật lại một câu chuyện. Trần thuật thì cần thật đấy, tôi rất phục các nhà văn viết ra được hàng nghìn trang cho một câu chuyện. Nhưng nhiều khi để gọi là một tiểu thuyết mình thích thì phải nghĩ lại. Ngẫm ra tiểu thuyết hay ở ta cũng còn hiếm. Viết được tiểu thuyết hay cực kỳ khó.

Tránh nạp quá nhiều thông tin thời sự “vặt”

* Đọc truyện ngắn của bà có thể cảm nhận được nhịp điệu truyện, cách nghĩ, cũng như chất nhạc, từ đó hình thành nên cái chất riêng của Lê Minh Khuê. Chỉ có truyện ngắn mới duy trì được chất riêng ấy?

- Văn chương rất cần nhịp điệu và chất nhạc. Tiểu thuyết hay cần duy trì được điều đó nhưng khó.

Là một biên tập viên, tôi có dịp tiếp xúc nhiều sáng tác của các bạn trẻ, trong số đó, không ít người có tài. Thế nhưng, tài năng cũng cần phải được trau dồi thêm kinh nghiệm sống. Đến tuổi nào đó, khi trải qua vui buồn sóng gió đời sống mà vẫn nuôi dưỡng được cảm xúc, cũng như lòng tốt với con người, với đời sống, khi ấy mới có thể có được tác phẩm hay.

Ngoài ra, nhà văn cần có đời sống riêng tư ở chiều hướng tinh thần, tránh nạp quá nhiều thông tin thời sự vặt từ báo chí. Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng điều đó đúng. Các thông tin vặt từ báo chí tác động mạnh lên tâm trí của người sáng tác. Suốt ngày anh chạy theo thông tin, sẽ gây loạn, mệt mỏi. Một người viết cần duy trì đời sống riêng tư, có khoảng cách với thông tin.

* Xin cảm ơn bà!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm