"Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền"

06/06/2011 11:18 GMT+7 | Đọc - Xem

“…Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn
Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên…”


(TT&VH) - Như TT&VH đưa tin, với tác phẩm Hào phóng thềm lục địa nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng vừa trở thành “trạng nguyên thơ” lần thứ hai do Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trao tặng trong Cuộc vận động viết về biển đảo. Một bài thơ viết về những người lính biển đã giúp chủ nhân của nó hai lần nhận “vòng nguyệt quế” thật là chuyện hiếm có (Trước đó tác phẩm này đã đoạt giải cao nhất của cuộc thi thơ và truyện ngắn 2008 - 2009 của Tạp chí Văn nghệ quân đội).

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định chia sẻ cùng TT&VH.



Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (bìa phải) và nhà báo Cát Hùng (báo Nhân dân, bìa trái) trong một chuyến đi thực tế với lực lượng Hải quân Việt Nam. Ảnh: Hoàng Tuấn.

* Đầu tiên, chúc mừng anh 2 lần trở thành “trạng nguyên thơ”, xin anh cho biết cảm xúc trong cả 2 lần nhận vòng nguyệt quế trở thành “trạng nguyên thơ”?

- Đây là niềm vui kép từ phía Quân đội Nhân dân Việt Nam gửi tới một người làm thơ rất ưu tư trăn trở với biển trời Tổ quốc. Cho phép tôi nói lời cám ơn Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân Việt Nam, Cục Chính trị của Quân chủng Hải quân cũng như cán bộ chiến sĩ và người đọc đã ưu ái và đồng cảm cùng tôi. Rất cảm động trước lời chúc mừng của người quen biết lẫn người chưa gặp lần nào. Đặc biệt, có các tướng lĩnh bạc đầu trong và ngoài Quân chủng Hải quân đã làm một nghĩa cử đẹp: ghi những dòng cảm khái về bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Những tấm lòng tri kỷ tri âm khó đền đáp nổi!

* Bài Hào phóng thềm lục địa của anh được sáng tác trong hoàn cảnh nào và chắc hẳn tình yêu với biển đảo quê hương phải được anh hun đúc trong rất lâu?

- Tôi tiếp nhận làn sóng truyền mạnh mẽ trong việc hình thành bài thơ Hào phóng thềm lục địa. Bài thơ được thai nghén từ chuyến về thâm nhập thực tế với cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 171 Hải quân ở Vũng Tàu, sau đó tiếp tục nghiền ngẫm ở đại bản doanh ở Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam tại TP. Hồ Chí Minh, rồi ra Hà Nội trong một cuộc họp. Cuộc “lên đồng thơ” này, thật không thể nào quên được trong đời sáng tác, nó còn hút tôi đến tận bây giờ. Trong những ngày này, vọng nhìn ra biển xa, nơi những người lính Việt căng ngực trước sóng gió giữ gìn biển đảo, tôi lại đau đáu thèm viết. Chỉ e tiềm lực mình chưa đủ độ để chuyển tải những vấn đề lớn lao của đất nước lên trang giấy...

* Với bài thơ dài 108 câu này, anh muốn gửi gắm những vấn đề gì đến người đọc?

- Câu chuyện nghĩa trang trong lòng biển làm tôi chấn động đến thấy mắc nợ với hương hồn 9 liệt sĩ hy sinh xác thân gửi giữa trùng khơi. Mọi chi tiết về những người hy sinh và tâm trạng những người thân của họ trong bài thơ đều là những chi tiết thật, ám ảnh tôi trong một đối sánh giữa phía phù du, ảo vọng mà bản thân tôi cũng dự phần với những hy sinh dữ dội và thầm lặng theo nghĩa xả thân của người lính biển cho Tổ quốc. Trong mỗi bài thơ, mình đi hết lòng mình, còn sự ghi nhận và chia sẻ của người đọc đến đâu là vinh hạnh cho nhà thơ đến đấy.

* Anh suy nghĩ thế nào về chặng đường sáng tác sắp tới xung quanh hiện thực người lính và biển đảo?

- Đây là một đề tài lớn trong giai đoạn mới, khi chúng ta xác định thế kỷ XXI là “thế kỷ của đại dương”. Cái nhìn hướng biển đã được chú trọng đặc biệt. Tôi cũng như đa số người Việt Nam, xuất thân từ nông dân, tôi mong chúng ta yêu biển như yêu cánh đồng quen thuộc của mình, cho dù: “Biển không phải cánh đồng/ Sóng không là những đường cày vỡ/ Dòng hải lưu khác lúa khóm khoai vồng”. Tự thâm tâm, tôi thấy mình còn mắc nợ thật nhiều với di sản biển đảo mà cha ông đã xác lập chủ quyền. Tôi sẽ giành tâm huyết cho đề tài người lính và biển đảo trong chặng đường tiếp theo.

* Anh có thể chia sẻ những câu thơ hay về biển đảo mà anh thấy tâm đắc?

- Việt Nam có phần chủ quyền biển lớn gấp 3 lần đất liền. Đó là bài thơ trọn vẹn nhất mà cha ông ta bao thế hệ trao truyền lại cho con cháu giữ gìn. Những câu thơ kinh điển về biển đảo theo tôi là những câu bình dị nhưng chạm tới sự thiêng liêng của chủ quyền dân tộc. Ta thử đọc lại những câu này của Hữu Thỉnh: “Đảo hiện ra thử thách bạc mầu/ Bàn chân lính đánh vần trên đất đai Tổ quốc”. Hoặc của Trần Đăng Khoa: “Đảo tự giấu mình trong màu nước lam xanh/ Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi ! Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/ Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài...”

Trích HÀO PHÓNG THỀM LỤC ĐỊA

Lúc ấy như thực thụ những chiến binh, chúng tôi đã đi dọc Trường Sa, Hoàng Sa, dọc những đảo nổi đảo chìm, dọc theo nhiều biến động

Chúng tôi không đẽo gọt ký tự mỹ miều của những kẻ trùm chăn

Chúng tôi không ù òa ảo thuật với mớ triết luận cũ rích lăng nhăng

Không cưỡng bức thiên nhiên bằng ngôn từ hóa chất

Chúng tôi vừa giở lịch sử nước nhà vừa bước theo dấu chân binh phu Bãi Cát Vàng đôi chiếu đòn tre đi khai thác tài nguyên mấy trăm năm trước

Dựng câu thơ thành cột mốc chủ quyền

Rằng cha ông vươn mình ra biển lớn

Chểnh mảng nào cũng đắc tội với tổ tiên

Những đọi máu truyền đời qua bài văn tế sống Hưng vong những vương triều vận mệnh chốn tiền duyên…

“Tôi vừa đọc bài thơ Hào phóng thềm lục địa của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng. Cái hay của bài thơ là tác giả đã thấu hiểu được sự gian truân vất vả của người lính Hải quân nơi thềm lục địa. Và đặc biệt là sự hy sinh thầm lặng của họ nơi tiền tiêu của Tổ quốc và gia đình họ ở nơi hậu phương mà có thể nói là không sao kể hết. Nhưng về phía người lính Hải quân cũng muốn tác giả hiểu thêm rằng, sở dĩ chúng tôi vẫn tồn tại được, đứng vững được nơi đầu sóng ngọn gió là nhờ có sự hậu thuẫn của nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc” (Đại tá Đỗ Anh Tịnh, nguyên chính ủy Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân).

Trần Hoàng Nhân (thực hiện)




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm