Nhà thơ Bùi Chí Vinh: “Thà lên… Bùi mãi, chẳng lên ngôi!” (Bài Kết)

28/10/2010 07:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Trước khi gặp Bùi Giáng tôi đã từng nghe vài giai thoại về cơn điên của ông qua truyền khẩu và qua một tạp chí văn chương trước 30/4/1975. Tuy nhiên tiếp xúc trực tiếp với ông thì… tưởng vậy mà không phải vậy.

Cuộc tiếp xúc đầu tiên diễn ra cách đây 25 năm khi tôi và mấy huynh đệ giang hồ ngồi cụng ly nửa đêm ở góc chợ Gò Vấp. Trong mấy huynh đệ có Lã Văn Cường, Vũ Ngọc Giao, Nguyễn Hải, Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Đoàn TP.HCM Hồ Hảo Hớn)… Chúng tôi nhậu nhằm vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Đêm đó “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con chạy tán loạn và ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa “khạc thơ” rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết ông tự động quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố: “Đêm nay Trẫm thay mặt cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ Hồ Chí Minh”. Câu nói đầy tính “chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng.

Mắt buồn

Dặm khuya ngất tạnh mù khơi

(Nguyễn Du)

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một Giêng Tạ từ tháng Chạp quay nghiêng
ấn trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

Bùi Giáng

Cuộc hội ngộ thứ hai xảy ra khoảng đầu năm 1990 khi tôi chở hiền thê Hương Lan lúc đó mang bầu đứa con đầu lòng ghé chơi nhà Nguyễn Lương Vỵ - thi sĩ kiêm Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Phú Nhuận. Tại phòng khách có mặt sẵn hai dị nhân Bùi Giáng và Joseph Huỳnh Văn. Sau khi làm thủ tục chào hỏi, Bùi tiên sinh hất hàm với tôi: “Phu nhân của Bùi hậu sinh có chửa hả, đặt tên gì chưa?”. Tôi trả lời rằng chưa thì Bùi Giáng vỗ bàn cái rầm: “Trẫm đề nghị đặt tên cho hậu duệ Bùi hậu sinh là Bùi Vương. Bởi họ Bùi chưa có ai làm vua cả”. Phát ngôn của Bùi Giáng làm cả bàn phì cười.

Chỉ cần hai ví dụ có nhân chứng, vật chứng trên đây tôi thiết tưởng đọc giả cũng đoán được Bùi Tiên Sinh điên hay tỉnh. Theo tôi, điên hay tỉnh tùy phản xạ và đề kháng của chính ông khi tiếp xúc với người lạ. Gặp kẻ ác, kẻ vô cảm, kẻ ăn hiếp phụ nữ trẻ con và súc vật thì ông điên tới bến. Còn gặp tâm hồn tri âm tri kỷ đồng điệu thì ông tỉnh táo như “trích tiên” Lý Bạch chứ sao!

Bờ lúa

Em chết trên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng mưa trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang

Thơ Bùi Giáng

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm