Bài 1: Văn học Việt Nam hiện nay ít giao lưu?

26/07/2010 08:41 GMT+7 | Đọc - Xem

Văn học Việt Nam: Giao lưu tắc nghẽn?

Nếu không có giao lưu với Trung Quốc thì Việt Nam khó mà có thơ Đường luật; không giao lưu với Chăm thì khó có quan họ Bắc Ninh và cả thơ lục bát. Và nếu không có giao lưu với Pháp, thì gần như không thể có Thơ Mới – “một thời đại trong thi ca” Việt Nam. Nhưng xem ra, ở thời đại mà hai chữ “giao lưu” đã trở nên vô cùng thông dụng như hiện nay, con đường giao lưu với thế giới của văn học Việt Nam lại đang “tuột dốc” so với thời “các cụ”. Đây là một vấn đề lớn cần nhìn lại thật cẩn trọng và nghiêm túc, nhất là trước thềm Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII sẽ diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng Tám tới đây.

Tổ chức chuyên đề: VĂN BẢY


(TT&VH Cuối tuần) - Với nhiều nền văn hóa và văn chương lớn, dịch thuật (một công cụ bắt buộc của giao lưu) đã làm nên lịch sử và trở thành chính lịch sử ngữ văn của nước đó. Nếu chỉ nhìn văn học thời có chữ viết, thì văn học Việt Nam hiện nay ít giao lưu nhất, so với chính lịch sử của mình.

Giao lưu... một nửa

Giới nghiên cứu văn học chữ Hán đang bất ngờ và xôn xao về bộ sách dày 25 cuốn, có tên Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (tạm dịch: Toàn tập văn chương Hán văn Việt Nam của sứ giả khi sang Yên Kinh) do Viện Nghiên cứu văn sử ĐH Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc) và Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam phối hợp thực hiện, vừa xuất bản tại Trung Quốc vào tháng 5/2010. Bộ sách giá bán 15 ngàn nhân dân tệ (khoảng 40 triệu đồng) là cuộc thu gom và giới thiệu toàn bộ văn, thơ, ký chữ Hán của những sứ giả Việt Nam đã đi sứ đến Trung Quốc từ đời nhà Trần đến nhà Nguyễn, như là cách nhìn lại một thời kỳ dài của văn học chữ Hán Việt Nam trong cuộc giao lưu Đông Á. ĐH Phúc Đán cũng cho biết họ đang tiến hành làm các “Yên hành” (du hành về Yên Kinh, tức Bắc Kinh) của sứ giả Nhật Bản và Triều Tiên.

Muốn đọc bộ sách này, độc giả chữ Hán ngày nay (cả ở Trung Quốc và các nước có truyền thống chữ Hán) tất nhiên phải cần đến những chú thích, chú giải thì mới có thể hiểu được ý người xưa. Nhưng rõ ràng, điều này là một chứng cứ quan trọng cho thấy suốt một thời gian dài, cả ngàn năm thời Bắc thuộc, văn học Việt đã có thể giao lưu trực tiếp, mà con đường đi sứ là một chứng tích khó phai mờ.

Xưa nay giới nghiên cứu ngữ văn hay nói vui rằng thời Bắc thuộc văn học Việt Nam giao lưu một nửa. Một nửa vì “nghe nói” dù cách biệt, nhưng “đọc viết” lại được chú trọng. Chữ Hán không chỉ là công cụ để học làm quan, mà còn trở thành phương tiện gần như chủ đạo để diễn đạt tình lý (văn học) và là chứng nhân của thời đại (ghi chép lịch sử).

Cái thứ chữ Hán trong Kinh thi hay tứ thư, ngũ kinh thời bấy giờ, mỗi nước ở Đông Á có cách đọc khác nhau, nhưng đọc viết thì có thể giống nhau và hiểu nhau được. Tương tự như vậy, với Đại Việt sử ký toàn thư, văn chính luận chữ Hán của Nguyễn Trãi, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát… nếu muốn, các nhà nghiên cứu, các đồng nghiệp Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên… đều có thể tiếp cận được, mà chưa phải thông qua bản dịch.

Giao lưu ba phần tư

Theo vài con số thống kê, thời Pháp thuộc tại Việt Nam có đến hơn 90% dân số mù chữ, phần còn lại, số đông học tiếng Pháp, số ít vẫn theo con đường chữ Hán. Tuy chữ quốc ngữ (Latinh hóa tiếng Việt) không được dạy rộng rãi trong nhà trường, nhưng giai đoạn này vẫn được xem là sự nở rộ của văn học chữ quốc ngữ. Vì nhiều lý do, khó nói hết trong một bài viết ngắn, nhưng hẳn nhiên có một nguyên lý thuộc về giao lưu văn hóa, ngôn ngữ và văn học. Chính sự giao lưu đã thúc đẩy sự hoàn thiện và thăng hoa của chữ quốc ngữ, mà đỉnh điểm là Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ Mới.

Thời Pháp thuộc, vấn đề phát triển Việt ngữ và văn học Việt ngữ trong một môi trường giao lưu gần như triệt để đã được rất nhiều báo, tạp chí thời bấy giờ đề cập. Nhiều bài viết có tính cách xiển dương Việt ngữ của Phan Khôi cũng đã nói khá sâu sát về chuyện này. Phan Khôi vốn xuất thân Nho học, nhưng vì tiếp xúc, giao lưu với văn hóa Pháp; với tinh thần đổi mới của nhà văn Lỗ Tấn; người đầu tiên dịch Kinh thánh ra tiếng Việt; nên dần thay đổi bản thân và mở ra phong trào Thơ Mới.

Trở lại cái ý chỉ có 10% dân số biết chữ (đầu thế kỷ 20 Việt Nam có khoảng 25 triệu người), và đương nhiên, cũng chỉ một phần nhỏ trong 10% ấy là có làm việc liên quan tới ngữ văn và báo chí. Những nhà làm việc chữ nghĩa thời này đa số xuất thân từ trường Tây, hoặc có giao lưu sâu sát với ngữ văn Pháp, nên được/bị xem là thế hệ giao lưu ba phần tư. Nghĩa là, đa số đều có thể nghe nói đọc viết, nhưng ít viết tiếng Pháp; cộng với một bộ phận chỉ có thể đọc viết; bình quân mà thành ra ba phần tư.

Trong bốn chức năng của ngôn ngữ, phần “đọc” của các nhà thơ nhà văn Việt Nam thời Pháp thuộc là nổi trội nhất. Vì đọc nhiều, dịch nhiều, nhất là văn học lãng mạn Pháp, nên văn học Việt Nam thời đó tỏ rõ sự ảnh hưởng. Mà ảnh hưởng cũng là một biểu hiện rõ nét của giao lưu; để từ đó, sẽ có những tác giả tìm ra lối đi cho riêng mình.

Một ít các tác giả thời bấy giờ có sáng tác bằng tiếng Pháp, dù không nhiều người thành công và có thể bị quy ghép là “tay sai”, nhưng rõ ràng, xét về mặt giao lưu, đây là những trường hợp rất cần được nghiên cứu nghiêm túc, dài hơi hơn một bài báo.

Ngoại ngữ xa lạ với giới cầm bút?

Chợ của thi sĩ

Chợ của thi sĩ (Poet’s Market, NXB F+W Media, USA, 2010) là vựng tập thường niên, một bằng chứng sinh động về giao lưu văn chương và các hoạt động phụ trợ cho văn chương. Quyển sách 580 trang này giới thiệu khá tổng quan và chi tiết những hoạt động có tính cách liên kết xuất bản, mua bán, giới thiệu tác phẩm và cả việc trao các giải thưởng cho thơ trong toàn thể cộng đồng tiếng Anh (cả bản dịch sang tiếng Anh). Hàng năm NXB F+W Media còn có Chợ của văn sĩ (Writer’s Market) với kích thích quy mô hơn rất nhiều, và đây thực sự là nơi giúp ích hữu hiệu cho các hoạt động giao lưu, mua bán văn xuôi trên toàn thế giới. Chi tiết tham khảo tại: writersmarket.com.

Một trong những khẩu hiệu đã trở thành tư tưởng của thời giao lưu ngày nay (toàn cầu hóa) là “suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương”. Mà muốn suy nghĩ toàn cầu thì đương nhiên phải cần đến tới các phương tiện, các công cụ trợ giúp như ngôn ngữ, internet, sách vở…


Không cần nhìn vào Hội Nhà văn, cũng dễ dàng để thấy giới cầm bút Việt Nam hiện nay còn khá xa lạ với ngoại ngữ. Có người nói phải đến 95% giới cầm bút là không thể nghe nói đọc viết một bài thơ khác với ngôn ngữ của chính mình. Tôi không muốn tin con số nghe có vẻ bi đát và đáng báo động này, nhưng cũng không biết làm sao để chứng minh ngược lại.

Tình trạng này cũng xảy đến với văn học hải ngoại, nơi có sự phân cực về giao lưu rõ nét hơn. Những tác giả khi rời Việt Nam đã biết ngoại ngữ vốn không nhiều, phần đông trong số họ đã trở nên mệt mỏi nên không muốn nỗ lực nhiều cho việc giao lưu. Thế hệ một rưỡi, hoặc thứ hai, thì ít hoặc không còn liên quan tới tiếng Việt, nên nhịp cầu giao lưu cũng không thể mở lối. Còn phần đông những cây bút không hoặc yếu về ngoại ngữ, khi sang nước ngoài định cư, về mặt văn học, họ chỉ muốn co cụm trong cộng đồng nhỏ của mình.

Cũng có quan điểm cho rằng dịch thuật phải là nơi tạo nhịp cầu để giao lưu, vì không thể ép tất cả hay phần đông giới cầm bút phải biết ngoại ngữ. Thế giới vốn rộng và có nhiều nền văn học lớn, chẳng lẽ phải biết hết các ngôn ngữ đó. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, chỉ cần hỏi qua các nhà xuất bản, các công ty làm sách thì đủ biết số sách văn học, nhất là lịch sử, nghiên cứu văn học và thơ, được dịch ra tiếng Việt là khá ít. Đó là chưa nói không phải dịch giả nào cũng có thể nắm bắt được và đúng các trào lưu mới của văn học; nếu chỉ dịch theo kiểu “cứ tiểu thuyết bán chạy là dịch” thì khó bề nói tới chuyện thông hiểu và giao lưu thực sự.

Cho nên, giữa cái thời mà ai cũng có thể ra trang mạng riêng, thế giới thành một cái làng, tưởng giao lưu là dễ, nhưng với giới văn học thì gần như ngược lại. Chậm chạp, lệch lạc, hoặc đa phần là khép kín là những mô tả dễ thấy. Đa số các trang mạng văn học chỉ làm “nhiệm vụ” in tác phẩm tiếng Việt, mà ít khi nghĩ đến chuyện theo đuổi một trào lưu văn học của thế giới, hay dịch một cách có hệ thống các tác giả, các trào lưu mới của Việt Nam, ra tiếng Anh chẳng hạn. Trong các cuộc giao lưu trực tiếp, những đại diện văn học của quốc tế thường hỏi Việt Nam có tạp chí, trang web nào dành cho việc giao lưu không? Câu trả lời thường là chưa có; hoặc đang xây dựng – mà thường cũng là xây dựng theo kiểu đối phó – hết tài trợ, hết dự án, rồi thôi.

Nhìn vào các trường quốc tế, các trung tâm ngoại ngữ mọc lên khắp nơi thì đủ biết ngoại ngữ đang giữ vai trò như thế nào trong xã hội Việt Nam. Thế nhưng, hình như ngoại ngữ vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút hiện nay?! Những cây bút sinh trong giai đoạn từ 5X tới hết 8X ở Việt Nam, chẳng có mấy người thông thạo đủ mức để đứng ra làm nhịp cầu dịch thuật, hay sáng tác bằng một ngôn ngữ khác với tiếng mẹ đẻ của mình. Thành ra, dù quốc tế có muốn giao lưu với Việt Nam, thì trong một khí quyển khép kín như vậy, họ cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Vì thế, nếu so với thời Bắc thuộc và Pháp thuộc (dù giao lưu bị động) thì mối tương quan của văn học Việt Nam thời nay với quốc tế, cùng lắm là dừng lại ở mức đọc người ta, chứ yếu kém ở chiều ngược lại.

Bài 2: Phiên dịch nên là quốc sách?

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm