Không bao giờ héo cả triệu bông hồng!

06/06/2010 11:18 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 4/6 vừa qua người thân, bạn bè và những người hâm mộ ở Moskva tiễn đưa nhà thơ xuất chúng của Liên Xô và Nga Andrey Voznesensky về nơi an nghỉ cuối cùng.

Để tang “cùng với người vợ hiền và toàn nhân loại”

Tổng thống LB Nga Dmitry Medvedev đã gửi tới gia đình thi sĩ lời chia buồn sâu sắc. Nữ hoàng nhạc nhẹ Nga Alla Pugacheva, người nổi tiếng toàn cầu sau bài hát Triệu bông hồng (lời thơ Voznesensky, nhạc Raimonds Pauls) thổ lộ: “Đây là sự mất mát vô cùng lớn lao đối với cá nhân tôi. Và đối với cả nền văn hóa của chúng ta cũng vậy. Ngôi sao thi ca Nga đã tắt và điều an ủi duy nhất còn lại là nhà thơ đã làm cho tên tuổi của mình bất tử nhờ những tác phẩm bất hủ. Trong lòng tôi không bao giờ héo cả triệu bông hồng mà ông đã tặng cho tôi”.

Theo hãng tin RIA Novosti, ở tuổi 78 nhà thơ Voznesensky đã không vượt qua được hai cơn đột quỵ và hai ca mổ tim chỉ trong vòng một năm. Một tháng trước ông đã được các bác sĩ Đức phẫu thuật để khôi phục tuần hoàn máu trong não.

Sau tuần nghỉ lễ 1/5 năm nay Andrey Voznesensky và phu nhân Zoyz Boguslavskaya từ Munich trở về Moskva sau ca mỗ cắt bỏ các tĩnh mạch đã bị thương tổn nhằm phòng ngừa cơn đột quỵ thứ ba. Hôm đó bà tuyên bố với báo chí: “Hiện tại Andrey Andreevich đang tĩnh dưỡng hậu phẫu và không thể nói đến chuyện quay trở lại sáng tác ngay bây giờ”.

Lần cuối nhà thơ lớn của Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay xuất hiện trước công chúng là vào ngày 25/1/2010 trong buỗi lễ trao tặng giải thưởng Triumph tại Bảo tàng Pushkin.

Nữ thi sĩ Bella Akhmadulina, bà bạn già thân thiết của Voznesensky, cho biết bà để tang nhà thơ “cùng với người vợ hiền và toàn nhân loại”. Bà kể: “Tôi hay trao đổi thư từ với Andrey, và trong một lần tôi viết rằng tôi sẽ về (với tổ tiên) trước Andrey. Nhưng tôi đã nhầm. Con người ta không thể biết trước điều đó (cái chết)”.

Nhà văn Nga nổi tiếng Dmitry Bykov bày tỏ lòng khâm phục đối với Voznesensky vì dù từng có thời kỳ bị oan ức, chèn ép nhưng ông vẫn sống một cuộc đời hoàn toàn trong sạch và đó là điều thần kỳ.

Đạo diễn sân khấu Yury Lyubimov kể rằng cho đến những ngày cuối cùng Voznesensky vẫn thiết tha với cuộc sống: “Mới đây Andrey đến nhà hát Taganka, cặp mắt của ông sống động, muốn thu nhận tất cả vào trong cho dù cơ thể hoàn toàn bất động. Ông muốn sống”.

Bất chấp sự thất sủng nhất thời

Andrey Voznesensky sinh ngày 12/5/ 1933 tại Moskva. Năm 14 tuổi ông gửi thơ của mình cho cây đại thụ của làng thơ Liên Xô lúc ấy là Boris Pasternak (Giải Nobel văn học năm 1958). Ông đã ưu ái mời cậu bé đến gặp. Sự kiện này đã “đóng đinh” số phận của Voznesensky vào thơ ca. Năm 1957 Voznesensky tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Moskva và đánh dấu việc này bằng những vần thơ, trong đó có câu: “Giã biệt nhé, ơi nghề kiến trúc!”.

Voznesensky bắt đầu công bố những tác phẩm của mình từ năm 1958. Các nhà phê bình thời đó bổ vào đầu ông những chế nhạo nặng như đá đeo. Năm 1963, tại cuộc gặp gỡ trí thức Xô Viết tại Điện Kremli, Nikita Khrushchev (Bí thư Thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô) đã mắng mỏ gay gắt nhà thơ và lớn tiếng tuyên bố: “Hãy cầm theo hộ chiếu và biến đi đâu đó, thưa ngài Voznesensky!”.


Lễ viếng nhà thơ Andrey Voznesensky
Bất chấp sự thất sủng nhất thời của Voznesensky các tác phẩm của ông rất được dân chúng yêu mến và được xuất bản với số lượng lớn.

Trong những năm 60, Voznesensky được phép sang Pháp, Đức, Italia và nhiều nước phương Tây để đọc thơ của mình. Ấn tượng về các chuyến đi đã để lạ dấu ấn trong thơ ông.

Năm 1964 Voznesensky in tập thơ Antimiry (tạm dịch Chống lại thế giới, năm 1966 - tập thơ Trái tim Achilles, năm 1970 - Bóng âm thanh, năm 1972 - Quan điểm, năm 1974 - Hãy thả chim về trời, năm 1975 - Chiếc lá sồi violoncelle, năm 1976 - Người thợ vẽ kính (đoạt Giải thưởng Quốc gia Liên Xô) và năm 1979 - Quyến rũ.

Bắt đầu từ năm 1980, Voznesensky bắt đầu viết văn xuôi. Năm 1982 ông công bố truyện vừa O. Hai tác phẩm văn xuôi của ông được chú ý là Định lý của sự tự tìm kiếm (1990) và Nước Nga, Thi ca (năm 1991).

Vở kịch Antimiry với lời thơ của Voznesensky đã được đạo diễn Yury Lyubimov dựng ở Nhà hát Taganka. Thi sĩ còn viết vở opera - rock Yunona và Avos và tác phẩm này cũng đã được dàn dựng.

Rung động bao trái tim đang yêu

Voznesensky rất nổi tiếng ở Nga và trên thế giới nhờ những bài thơ và các bản trường ca có ý nghĩa xã hội sâu sắc và mang hơi thở thời đại. Song với người đọc Việt Nam bình thường thì ông đơn giản là tác giả của những bài hát nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt và được các ca sĩ Việt Nam thể hiện. Đó là các bài hát Triệu bông hồng, Điệu nhảy trên trống, Trái tim bấn loạn, Em sẽ hát cho anh nghe...

Chia tay nhà thơ nổi tiếng, chúng ta đọc lại một bài thơ trữ tình từng làm rung động bao trái tim của những người đang yêu và được dịch ra tiếng Việt:

Anh trở về khi em đi ra phố

Anh trở về khi em đi ra phố
Khẽ chạm vào chiếc áo khoác của em
Anh hiểu rằng từ chiều qua mưa nhỏ

Từ chiều qua em chưa bước ra đường.

Em chạy ra từ bậc thềm đến cổng
Rồi u sầu quay trở lại mái hiên...
Thật tuyệt vời khi yêu và trông ngóng
Nhưng tình yêu không một chút nhẹ nhàng.

Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm