Rước lửa đền Hùng “sưởi ấm” Ngày thơ

24/02/2010 10:28 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Rằm tháng Giêng, sau khi bước qua cổng chính của Quốc Tử Giám, bạn sẽ bắt gặp ngay Triển lãm Vườn thơ đất nước, 63 cây thơ đại diện cho 63 tỉnh thành trên cả nước, bên phải là vườn thơ các tỉnh miền Trung. Đi sâu hơn là triển lãm thơ trên gốm... Bạn sẽ được thưởng thức sân thơ quốc tế, chứng kiến cuộc rước lửa từ đền Hùng...

Đại lễ hội thơ

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 này, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, mang một cái tên hoành tráng: Đại lễ hội thơ  1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Đây được coi là sự kiện mở đầu cho một năm lễ hội chào mừng Thăng Long một ngàn tuổi.


Rước thơ vào sân Văn Miếu trong Ngày thơ VN lần thứ 7 Ảnh: Lưu Quang Phổ
Chính vì thế, nội dung kịch bản tổ chức Đại lễ thơ này cũng cần quy mô tương đương và kéo dài đến 3 ngày. 10h ngày 13 tháng Giêng, tại Trung tâm Văn hóa Nga, diễn ra sân thơ Quốc tế với sự góp mặt của các nhà thơ quốc tế hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tâm điểm của sân thơ là Jennifer Fossenbell một nhà thơ trẻ thế hệ 8X đến từ Mỹ. Không chỉ tham gia dịch các bài thơ VN sang tiếng Anh để giới thiệu ở Mỹ, Jennifer Fossenbell còn thành lập một nhóm các cây viết quốc tế tại Hà Nội mang tên Hanoi Writer’ s Collective với mong muốn những người viết đến từ nhiều quốc gia trên thế giới do yêu mến Hà Nội, Việt Nam mà ở lại có nơi gặp gỡ và trao đổi với nhau về sáng tác.

Chính ngọ ngày 14 tháng Giêng, tại chùa Quán Sứ sẽ gióng lên những hồi chuông cầu nguyện cho các nhà thơ đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và tiền bối tại Lễ tưởng niệm. Đây là phần quan trọng mang yếu tố tâm linh nên các thành viên BTC chuẩn bị từ sớm với sự chu đáo, kỹ càng.

Sau đó, vào lúc 14h sẽ tiến hành đón ngọn lửa truyền thống từ đền Hùng về đến Hà Nội. Trước đấy, ngày 13 tháng Giêng, Lễ xin lửa tại đền Thượng, đền Hùng, Phú Thọ Thượng (do nhà thơ Hữu Thỉnh làm chủ lễ) sẽ diễn ra trong không khí trang nghiêm thành kính. Ngọn lửa truyền thống này cùng đoàn rước lễ có mặt trong Ngày thơ Việt Nam tại Trường THPT Vũ Thê Lang, Việt Trì. Lưu lại một đêm tại Hội VHNT Phú Thọ, Ngọn lửa truyền thống đến với tỉnh Vĩnh Phúc và thắp sáng trên đài lửa Ngày thơ Việt Nam tại thành phố Vĩnh Yên. Sau một đêm lưu giữ tại Hội VHNT Vĩnh Phúc, đến 14h, lửa được văn nghệ sĩ Vĩnh Phúc, Phú Thọ chuyển về Hà Nội. Vào lúc 17h, ngọn lửa truyền thống sẽ về đến Hội Nhà văn Việt Nam, tiếp tục lưu giữ tại Hội Nhà văn Việt Nam. 8h30 ngày rằm tháng Giêng, ngọn lửa được BTC chuyển về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dâng lửa lễ khai mạc và đốt trên đài lửa chính, sưởi ấm cả Ngày thơ Việt Nam.

Từ cổng chính Quốc Tử Giám vào đến bên trong là Triển lãm Vườn thơ đất nước. 63 cây thơ đại diện cho 63 tỉnh thành được dựng lên. Nằm ngoài cùng, phía bên phải là Vườn thơ các tỉnh miền Trung, bên trái là Vườn thơ các tỉnh phía Bắc. Đi sâu hơn, bên phải là Vườn thơ TP Hồ Chí Minh, bên trái là vườn thơ Hà Nội. Dưới gốc hai cây muỗm cổ thụ là 54 câu thơ dân gian biểu trưng cho 54 dân tộc anh em. Trên từng cây muỗm, BTC treo hai câu thơ: “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” của thi sĩ Hoàng Cầm và “Gỗ trăm cây đều muốn hóa lên trầm” của nhà thơ Chế Lan Viên.

Thuê vệ sĩ giữ gìn trật tự Ngày thơ

Bước qua Quang Khuê Tảo phía trước hồ Thiên Quang Tỉnh là Triển lãm thơ trên gốm. Bàn thờ bằng gốm lớn nhất từ trước tới nay cùng lư hương gốm khổng lồ đốt trầm, hai đèn cao 2 mét được thắp sáng bằng điện và hai chum giữ nước có men màu đỏ cờ có được nhờ BTC mượn của nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Mỗi bài thơ cổ khắc trên 15 bình lớn, nếu là thơ Hán thì có bốn bản: nguyên tác chữ Hán; dịch nghĩa, dịch thơ và bản dịch sang tiếng Anh; nếu là thơ Nôm thì có ba bản: Nguyên tác, dịch thơ và bản dịch sang tiếng Anh. Người lo bản nguyên tác chữ Hán là ông Nguyễn Đắc Nguyên, người lo dịch thơ là nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và nhà thơ Mỹ Jennifer Fossenbell.

Ngày thơ khắp cả nước

Cùng với không khí tưng bừng của Đại lễ thơ ở Hà Nội, tùy nghi với điều kiện thực có, các địa phương khắp cả nước náo nức tổ chức Ngày thơ. Tại Quảng Ngãi, cũng trong 3 ngày 13, 14, 15 tháng Giêng, diễn ra Hội thơ với chủ đề Biển đảo quê hương. Ở Phú Yên, đêm thơ Nguyên tiêu sẽ diễn ra tại núi Nhạn, cùng cuộc Hội thảo thơ tại thành phố Tuy Hòa. 6 tỉnh miền núi phía Bắc chung tay làm Ngày thơ Vầng trăng Việt Bắc tại Thái Nguyên. Ở Huế sẽ diễn ra lễ hội thơ quần chúng, múa lân, giao lưu thơ và hội thảo thơ Từ cố đô nhớ về cố đô.

Tại sân thơ chính, kịch bản không khác nhiều so với bảy năm trước, thế nhưng để tránh tình trạng người dân lên sân khấu chụp ảnh trong khi nghi thức lễ chưa thực hiện “hoặc mượn micro gọi người thân” như lời nhà thơ Hữu Thỉnh, BTC năm nay đã thuê một công ty vệ sĩ có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an ninh.

Nhà thơ Đỗ Trung Lai - MC của sân thơ chính chia sẻ: Thế nhưng dù cố gắng thế nào Ngày thơ khó diễn ra suôn sẻ bởi các nhà thơ của chúng ta rất nghệ sĩ, như các năm trước, không chỉ trèo lên sân khấu chụp ảnh trước khai mạc, đến lượt một số nhà thơ (có tên trong danh sách) lên đọc thơ thì chả thấy đâu, còn nhà thơ (không có tên trong danh sách) lại đòi đọc và cứ thế “cướp” sân khấu. Hoặc như là mời nhà thư pháp lên sâu khấu biểu diễn thư pháp thì chẳng thấy nghiên mực, bút... thế là thôi lại phải mời họ xuống.
 
Thi trình diễn thơ

Khác với mọi năm, nhiều địa phương tổ chức ngày thơ riêng rẽ, trong đó có Hà Nội, năm nay, trước đây 6 tháng, Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn đến các Chi hội VHNT với mong muốn các chi hội ủng hộ nhiệt tình Ngày thơ được tổ chức tại thủ đô. Vì thế, các nhà thơ tiêu biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam đều có mặt trong Ngày thơ Việt Nam ở Quốc Tử Giám.

Vào đêm 14 tháng Giêng, cũng tại Văn miếu là Chung kết cuộc thi Trình diễn thơ giữa bốn trường gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, Văn hóa Hà Nội, Quốc gia và Sư phạm Thái Nguyên. Cuộc thi đã được tổ chức trước đó hai tháng với sự tham gia của đông đảo sinh viên. Bạn đừng quên đến để thưởng thức thơ bằng mắt, bằng tai, bằng âm nhạc, bằng ánh sáng và màu sắc của Đêm thơ sinh viên và hòa mình vào niềm yêu thơ của hàng nghìn sinh viên có mặt.

Việt Quỳnh

Ngày thơ VN tại TP.HCM
“Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”

Hôm nay 24/2/2010 (11 tháng Giêng Canh Dần), tại Nhà hát TP.HCM, Ngày thơ VN tại TP.HCM mở màn sớm nhất so với các tỉnh, thành khác.

Chương trình Ngày thơ VN tại TP.HCM năm nay khá đa dạng, kéo dài cả ngày từ 8h - 22h, với sự tham gia của các nhà thơ trẻ, các CLB thơ ca quần chúng, sinh viên các trường đại học. Vì tổ chức trong nhà hát nên các chương trình thơ đều được “sân khấu hóa” với kịch bản chi tiết. Như chương trình của các nhà thơ trẻ đã được nhà thơ Phan Hoàng và Lê Thị Kim biên kịch khá bài bản. Tất cả đều hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lúc 19h30, chương trình “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” diễn ra có sự ghi hình của Đài Truyền hình TP.HCM. Kịch bản của chương trình này do nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Trầm Hương chấp bút với sự phối hợp tổ chức bởi Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TP.HCM, Đài Truyền hình TP.HCM nên hứa hẹn nhiều công phu.

H.Nhân



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm