Vợ chồng Dạ Ngân - Nguyễn Quang Thân: Gia đình không bé mọn!

21/01/2010 11:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Là cặp vợ chồng có một tình yêu “đặc biệt” nhất trong làng văn chương vì cuộc tình ghềnh thác 11 năm yêu và chờ đợi của tác giả Gia đình bé mọn và nhà văn Nguyễn Quang Thân (một cái tên đáng kính trên văn đàn). Khi hai nhà văn nổi tiếng này đến với nhau, họ đều “mắc nợ” nửa phần còn lại của mình và những đứa con mà cuộc hôn nhân trước đem lại. Nhưng nói như nữ sĩ Xuân Quỳnh: “Tình ta như hàng cây/ Đã yên mùa bão gió/ Tình ta như dòng sông/ Đã yên ngày thác lũ/ Thời gian như là gió/ Mùa đi cùng tháng năm/ Tuổi theo mùa đi mãi/ Chỉ còn anh và em/ Cùng tình yêu ở lại”.

Cây đắng thì trái ngọt

Ở cái tuổi tràn trề nhựa sống, người ta thường nói về tình yêu họ mới thấy tình yêu thực sự đẹp, thực sự thơ mộng, không toan tính, giằng xé. Nhưng nhà văn Dạ Ngân lại tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình khi chị bước sang tuổi 30, lúc này chị đã có chồng và hai người con.

Nhà văn Dạ Ngân chia sẻ: “Tôi gặp anh Thân lúc tôi 30 tuổi, quá tràn trề nhựa sống, đúng không? Một thiếu phụ ở tuổi đó họ liều lắm. Hồi ấy anh Thân 47 tuổi, tôi thấy anh quá già so với tôi, nhưng giờ nhìn lại một gã đàn ông 47 tuổi quả là đang chín muồi về mọi phương diện, không cọc cạch chút nào với một thiếu phụ 30”. Nhà văn Dạ Ngân kể về cuộc tình tốn nhiều âu lo phiền muộn của mình bằng chất giọng lanh lảnh, hài hước của người đàn bà gốc Đồng Tháp: “Anh Thân bị tiếng sét chứ tôi thì không. Tôi không “chấm” anh ấy ngay đâu. Anh ấy rất bụi, rất phong tình, rất bạo mồm, đó là cái vẻ ngoài được xù lên thường trực để gỡ gạc lại cuộc hôn nhân đang tan rã, vừa để chòng chành dọc đường vừa là sĩ diện nữa”.

Nhưng khi đã bị “đổ” rồi thì nữ văn sĩ mới biết bên trong người đàn ông “gừng già” của mình là người lãng mạn, rất có hiếu, kỹ tính và khá chung tình. Chị có một cô bạn Mỹ lấy chồng người Việt Nam. Cô cũng hay kêu anh ấy gia trưởng, cực đoan nhưng vẫn bảo anh ấy vẫn cứ là tử tế nhất so với những người cô ta từng quen. Động lực của tôi - nhà văn nói tiếp - trong cuộc tình này là tấm tình của anh Thân với tôi, anh ấy quá yêu tôi, đổi lại, tôi cũng yêu anh không kém vì anh ấy rất đáng yêu, thế thôi.

Chị kể: Năm 30 tuổi tôi “phải lòng” anh, đến năm tôi 41 tuổi chúng tôi mới đến với nhau chỉ có một tờ giấy đăng ký kết hôn và đôi nhẫn cưới. Tôi và anh sống với nhau trong một căn hộ ở Thanh Xuân, Hà Nội 15 năm, giờ chồng tôi đã gần 75 tuổi, tôi muốn anh vào Sài Gòn trả nợ tôi đi, kẻo không kịp nữa. Tôi nhớ hồi mới quen, trong một bữa thù tạc của cánh nhà văn nam nữ rất nhộn ở Vũng Tàu, anh “công bố” hai câu ca dao anh bảo là rất điển hình cho tính cách, phẩm chất và thung thổ Nghệ Tĩnh quê anh. Hai câu ấy là: “Trăng lên khỏi núi mu rùa. Cho anh “yêu” chịu đến mùa trả khoai”(*). Chúng tôi cười rú lên. Khủng khiếp! Sau này bạn bè hỏi tôi: Ông ấy có khoai để trả không, tôi cười: Tôi chỉ cần 15 năm Sài Gòn là đủ, không cần khoai. 15 năm nữa anh Thân 90 tuổi, tôi 73, có thể “thanh lý” nhau được rồi, đúng không?

Trái ngọt cũng phải cố công...

Chị nhận thấy người đàn bà viết văn rất ghê gớm ở nhiều mặt: độc lập, gai góc, nhiều chữ nghĩa (cần cay độc thì cay độc hết biết), phức tạp, tận cùng... Gì nữa? Rất, rất nhiều. Người không làm văn chương sống với họ rất khổ. Chị lại thuộc típ người luôn đánh giá con người qua năng lực chữ nghĩa (nhất là chữ nghĩa tiếng Việt) và nhiều thứ khác nữa chứ không phải chức tước, của cải. Chị bảo, vì tôi được sinh ra trong một gia đình nông dân không nhiều người học cao nhưng rất “hoạt chữ”. Tôi được tiên đoán từ nhỏ là sẽ đi làm văn, viết báo, vì vậy những gì không hợp với thiên tư và năng lực của mình thì sẽ phải bật ra, thế thôi.

Cách nói mạch lạc rõ ràng về một vấn đề của Dạ Ngân cũng khiến người nghe thán phục và cả kinh ngạc. Phải có sự từng trải lắm, hiểu đời lắm chị mới có thể sống rành mạch với bản thân và mọi người đến vậy.

Vì chị gặp anh Thân khi còn trẻ, con gái đầu của chị mới 9 tuổi, con trai nhỏ mới 6 tuổi, nhưng ngay lúc đó chị đã phải minh bạch ngay với chúng tình yêu của mình. Đó là yếu tố cần mà các bà mẹ phải làm với con mình khi có người khác. Đứa con nào cũng buồn trong cảnh đó, nhưng buồn không có nghĩa là sốc. Và chúng gọi anh Thân bằng ba từ lúc đó. Chị tự trào: “Tính ra chúng nó khôn hơn tôi tưởng, đã có ba Thân rồi thì “ba” nào nữa cũng mắc kẹt, khó ra. Và tôi đã dắt chúng theo sau như thế cho đến khi chúng tôi lồng nhẫn vào tay nhau (chúng tôi không tổ chức tiệc cưới mà chỉ có đăng ký và trao nhẫn, chúng tôi sợ cái đám cưới sẽ làm con cái hai bên buồn, thế thôi). Giờ mỗi khi nhìn thấy chiếc nhẫn lún sâu vào ngón tay của ông già 75 tuổi, tôi vẫn thấy ngồ ngộ, buồn cười. Anh Thân có bàn tay vuông rất đặc biệt, rất chắc, rất duyên siêng năng. Các con của anh Thân đều đã trưởng thành... Tôi có khả năng trò chuyện, có tài làm bếp và chắc chắn có tấm lòng nữa nên mây mù cứ tan dần, trời mỗi ngày thêm sáng”.

Gia đình không còn... bé mọn

Chị được anh Thân chăm chút rất nhiều. Anh là độc giả đầu tiên của những trang viết; giúp đỡ chị trước những khó khăn về ngoại ngữ; về các điển tích Trung Hoa và thơ Đường... Trí nhớ của anh là bách khoa thư của chị. Không những thế ông chồng nhà văn của chị lại giỏi kỹ thuật và siêng năng. Chị bảo anh không giỏi vi tính thì chúng tôi không viết được nhiều như thế. Bây giờ, chị nói vui, chồng chị lại đủ già để chị không phải canh chừng, đủ già để chị núp bóng khi cần và cũng đủ khỏe mạnh để lão hóa từ từ cùng với chị.

“Mười một năm chờ đợi để được chính danh với anh tôi khổ mười thì giờ, hậu vận tôi thong dong mười. Bù và trừ mà, không ai được cả mà cũng không ai mất cả”. Kỷ niệm của anh chị là quá nhiều, kể sao cho hết. Như đã nói trên, anh đã lần ra chị trong một biển phụ nữ trên đường thiên lý của anh, phải chăng vì thế mà anh chị ơn nhau? Chị hồn hậu kể: “Mặc dù chỉ có hai vợ chồng già sống bên nhau trong căn hộ có ba phòng ngủ rộng thênh thang, nhưng chị không thấy gia đình bé mọn nữa vì cái bóng lớn của người chồng đã làm người đàn bà gai góc, sắc sảo và “chở sứ mệnh trong từng con chữ” kia thấy bình yên và viên mãn ở cái tuổi xế chiều.

(*) Nguyên gốc hai câu thơ này hết sức “bạo” với cách nói dân gian và rất “đã”. Nhưng khi lên mặt báo chúng tôi buộc phải “đổi” lại đôi chữ. Rất mong các nhà văn thông cảm .

Miên Tường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm