Ai sống trên lưng nhà văn? (Bài cuối)

27/11/2009 08:35 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Nhà văn Trang Hạ: Công ty sách sòng phẳng với nhà văn là… không tưởng!

* Cảm giác của một nhà văn ra sao khi thấy sách mình bị làm lậu?

- Năm 2007, chỉ vài tuần sau khi tập truyện ngắn Những đống lửa trên vịnh Tây Tử của tôi phát hành, tôi nhìn thấy sách lậu khi tình cờ cầm một cuốn để ghi hình cho một phóng sự giới thiệu của VTV. Đó là sách lậu, in và cắt xén thô kệch, nhưng bày trên kệ cạnh những cuốn khác biết đâu đã làm bạn đọc tưởng Trang Hạ quảng cáo rầm rộ hóa ra là chỉ để cho ra mắt thứ sản phẩm in chất lượng hạng bét này?

Cảm giác của tôi lúc đó là, nếu biết gã nào in lậu, tôi sẵn sàng tới biếu không cho hắn toàn bộ “file” sách và bìa để hắn sử dụng miễn phí. Đằng nào cũng không tránh được sách lậu, thì mình chỉ mong không vì thế mà bạn đọc coi thường tác giả. Nhưng sau này tôi mới biết, đó chỉ là một phần bề nổi của sách lậu. Bởi không ai nhận ra sách lậu khi nó được in trên chính bản kẽm đã in sách thật. Tức là trên mọi phương diện, nó chỉ là sách giả, sách ma đối với riêng nhà văn và nhà xuất bản mà thôi. Thêm một thời gian nữa, thì tôi thấy bình thản với sách lậu, gần như không bận tâm nữa.

Tôi vừa ra mắt cuốn sách dịch mới Lỡ tay chạm ngực con gái (Công ty sách Đinh Tị - NXB Văn Học) hôm 4/11/2009, được biết có đầu nậu sách lậu đã rình và chờ cuốn này hơn nửa năm nay rồi.

* Chị phản ứng bằng cách bình thản với sách lậu?

- Tôi chưa bao giờ muốn để bạn đọc nhìn thấy Trang Hạ là một nạn nhân. Tôi cũng từng thoái thác khá nhiều phiền toái khác vì một là không định nổi tiếng bằng scandal, hai là tôi biết mục đích (và thu nhập) của tôi nằm ở đâu. Sách chỉ là công cụ mà tôi hướng tới mục đích và cơ hội đó.

Ngoài ra, nên phải hiểu rằng đầu nậu và thợ in hay công ty sách thì cũng là người, trong một môi trường văn hóa và kinh doanh như bây giờ, tôi lại thấy có nhiều đầu nậu sách lậu rất thảm hại và đầy rủi ro. Làm sao trách những “Chí Phèo” làng sách được khi mỗi người viết, nhà xuất bản chỉ lương thiện riêng mình thôi thì chả đủ để xã hội “làng Vũ Đại” tiến bộ nổi. Cho nên việc bắt một công ty sách sòng phẳng với tôi là chuyện viển vông, không tưởng. Chỉ tùy tâm và tùy vào đạo đức kinh doanh của chính nhà sách mà thôi. Nhà sách tử tế thì giữ được chân mình, nhà sách không tử tế, ta quay lưng đi thẳng.

Nghĩ một cách khác nữa, tôi cho rằng mọi cuốn tôi làm, tôi dịch, hay tôi tổ chức bản thảo sẽ đều bán tốt trên thị trường. Vì thế khi đã gạt ra khỏi mình được sự cay cú khi sách bị lậu, bị nối bản, thì thấy sự lựa chọn của một tác giả như tôi nói lên thái độ với ngành xuất bản. Tôi sẽ luôn lựa chọn công ty sách nhỏ, mới bắt đầu, bởi cuốn của tôi sẽ là cơ hội kinh doanh tốt của họ. Điều đó thúc đẩy xã hội phát triển, cũng thúc đẩy sự cạnh tranh trong xã hội, hơn là tôi để cuốn của tôi lọt thỏm trong một không gian bề thế của một công ty sách hàng đại gia.

* Chị nói, chị hoàn toàn sống được nhờ nhuận bút viết sách và dịch sách, thế nhưng lẽ ra, không chỉ sống được, mà chị còn có thể giàu có nếu như chúng ta có một cơ chế xuất bản lành mạnh...

- Nói cụ thể hơn thì mười lăm năm nay tôi sống tới giờ, xây dựng sự nghiệp và gia đình cho mình hoàn toàn dựa trên nhuận bút. Kể cả những năm “cày cuốc” như điên vì nhận nhuận bút của Việt Nam mà sinh sống ở nước ngoài. Nếu chỉ sống ở Việt Nam thôi thì một tác giả như tôi hoàn toàn sống khỏe và có thể du lịch nước ngoài, làm những điều mình thích dựa trên nhuận bút sách viết, sách dịch, chuyên đề, bài báo, thù lao các hợp đồng quảng cáo, hoa hồng chuyển nhượng bản quyền v.v… Tôi không rõ những ai kêu ca rằng nhuận bút không đủ sống. Nếu họ không chịu tận dụng những cơ hội vô hình mà sách mang lại thì đúng là sống sao đủ no mà yên tâm viết?

Những nhà văn nước ngoài (trong khu vực châu Á) mà tôi quen biết đều là những người giàu có vì nhuận bút một cuốn sách văn học mạng đã lên tới khoảng nửa tỉ tiền Việt, nhuận bút ba cuốn sách đủ mua một chung cư cao cấp. Thù lao quảng cáo đủ để sống khoẻ tại nước họ. Trong khi ở Việt Nam, nhuận bút một cuốn sách của tôi chỉ tối đa vài chục triệu, thù lao quảng cáo chỉ vài trăm đô, cái hợp đồng quảng cáo “mượn” hai chữ “Trang Hạ” nào nhiều nhất cũng chưa tới ba nghìn đô-la, thì làm sao sống nổi nếu người viết không xoay xở?

Nhưng cơ chế xuất bản lành mạnh chưa chắc đã mang lại sự giàu có cho nhà văn, nhất là một nhà văn dự bị như tôi, xếp hàng sau hàng năm bảy nghìn nhà văn và dịch giả “xịn” của Hội Nhà văn Việt Nam. Có điều, nó sẽ mang lại công bằng cho mọi đơn vị xuất bản, mang lại cho bạn đọc những cuốn sách không xuất bản kiểu chộp giật. Điều đó ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc nhà văn nhìn thấy tiền.

Nói một cách trực diện, mọi rối loạn của xã hội phải nhìn từ thượng tầng cơ cấu, thấy cuốn sách lậu thì đừng đổ lỗi cho người in lậu. Cũng có thể so sánh thị trường sách, thị trường văn hóa với sự tiến bộ của giáo dục hay sự nghiêm minh của luật pháp.

* Chị có nghĩ đến việc tìm sự giúp đỡ từ Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam không?

- Đó là trung tâm gì? Sao họ lại ngồi một chỗ để chờ tôi đến tìm họ vậy?

Giám đốc TT quyền tác giả Văn học, Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến:
Phần lớn tác giả bị in lậu chưa ủy thác quyền cho Trung tâm

Trả lời cho câu hỏi của nhà văn Trang Hạ: “Trung tâm quyền tác giả Văn học là… gì vậy?”, chúng tôi tìm gặp Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Văn học - Hội nhà văn Việt Nam.

* Bà đã từng mua/đọc hoặc nhìn thấy sách giả của các tác giả Việt Nam lần đầu khi nào? Lúc ấy cảm giác của bà ra sao?

- Trước khi về công tác tại TT quyền tác giả Văn học - Hội nhà văn, tôi từng là biên tập viên sách ở một NXB. Chúng tôi đã khai thác, tổ chức nhiều bộ sách phục vụ các đối tượng bạn đọc, nhất là các bạn thanh niên, học sinh. Những năm 1980, sách của các nhà xuất bản thường in hàng vạn bản. Nhưng từ những năm 1990 trở đi, do cơ chế thị trường, số đầu sách xuất bản hàng năm tăng rất nhanh, ngược lại số bản in cho mỗi đầu sách lại giảm xuống rất thấp. Lúc này nhà nước cho phép liên kết xuất bản, ai in nhiều bản thì đương nhiên phải nộp nhiều tiền quản lý phí, nên đa phần người liên kết chỉ đăng ký ở mức thấp nhất (500 hoặc 1.000 bản). Khi phát hành hết số lượng in lần đầu, tác giả/ chủ sở hữu tác phẩm lại quay về NXB xin tăng số lượng, nhưng cũng không tránh khỏi có người vì lợi nhuận đã lén in thêm để kiếm lời. Đấy là một dạng in lậu thông thường để trốn thuế và trốn quản lý phí gây thiệt hại cho NXB và thất thu của nhà nước.

Trường hợp nghiêm trọng hơn là có những người không phải tác giả, không bao giờ đến NXB mà chỉ chuyên nghe ngóng trên thị trường xem có cuốn sách nào mới xuất bản hấp dẫn hoặc có vấn đề nóng… liền mua về sao chụp làm giả giống hệt rồi bán khắp nơi với giá rẻ hơn cả giá thành cuốn sách thật. Nhiều NXB, nhà sách đã phải dán tem chống giả cho sách của mình nhưng vẫn bị in lậu. Nhìn những cuốn sách in lậu, tôi đau xót nghĩ đến sự lao động cực nhọc của các nhà văn bị ăn cắp một cách trắng trợn, có người cả một đời mới viết được một tác phẩm NXB trả cho mấy triệu bạc còn những người in lậu thì kiếm được hàng chục triệu.

Rất nhiều nhà văn tên tuổi là nạn nhân của nạn sao chép lậu. Tôi có thời kỳ tự nguyện giúp đỡ một số nhà văn có bản thảo hay nhưng không có tiền tự in sách nên cũng đã từng là nạn nhân của nạn sách lậu như vậy, vừa bị thất thu, vừa bị các tác giả hiểu lầm nên sau này tôi quyết dấn thân cho công việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả. Đấy cũng là lý do tôi nhận trách nhiệm quản lý trong Trung tâm Quyền tác giả Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam từ 2004 đến nay.

* Trong trường hợp tác giả phát hiện ra tác phẩm của mình bị in lậu nhưng chưa có chứng cứ rõ ràng, tác giả đó nên làm gì?

- Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Quyền tác giả Văn học nhận được không ít những vụ khiếu kiện từ hội viên về sách lậu, sách giả. Có vụ một cuốn sách nhưng số lượng in cuốn ghi 1.000 bản, cuốn ghi 2.000 bản, còn nhà sách chối bay chối biến rằng chỉ in có 1.000 bản. Lại có những cuốn sách ruột giống nhau y đúc nhưng bìa khác nhau hoàn toàn. Nhà sách nọ nói rằng do không bán được nên thay bìa mới, nhưng số lượng cũng chỉ là 1.000 bản thôi (phát hành trong gần chục năm!) Gần đây, cuốn Thời của thánh thần của nhà văn Hoàng Minh Tường, một cuốn sách do biên tập không kỹ bị thu hồi, nhưng lại xuất hiện trên thị trường khá nhiều. Những kẻ làm sách lậu không cần làm giống sách thật, bìa sách thật gấp mép, để tiết kiệm chi phí, sách nhái bỏ gấp mép bìa. Trung tâm Quyền tác giả cấp tốc làm tờ trình và thu gom hiện vật gửi lên cơ quan Thanh tra của ngành Văn hóa, nhưng rút cục chẳng được can thiệp ở mức độ nào. Có thể cuốn sách đó, không thuộc đối tượng tác phẩm được Nhà nước bảo hộ, nhưng nếu nó lưu hành rộng rãi dù lén lút thì vừa vô hiệu hóa việc ngăn cấm phát hành cuốn sách đó vừa chứng tỏ thị trường xuất bản rất lơi lỏng, bất lực, dễ dãi trước hiện tượng sách giả, sách lậu.

Mặt khác, phần lớn các tác giả có sách bị in lậu đều chưa ủy thác quyền cho Trung tâm chúng tôi. Những tác giả nào đã ký ủy thác quyền, chúng tôi đều theo đuổi, bảo vệ đến cùng một khi tác phẩm đó bị xâm hại quyền tác giả.

* Cảm ơn bà!

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm