Tô Hoài - Một người Hà Nội (Bài 1): Lan Man với "ông Dế Mèn"

12/10/2009 15:53 GMT+7 | Đọc - Xem

Tô Hoài - Một người Hà Nội

Nhà văn Tô Hoài vừa bước sang tuổi 90 (ông sinh ngày 7/9/1920). Với ngót 200 tác phẩm đã xuất bản, cây cổ thụ trong rừng văn chương Việt Nam hiện đại vẫn xanh lá và tiếp tục kết trái, như ông từng tâm sự “hầu như lúc nào tôi cũng ở trạng thái viết...”. Và những trái cuối mùa vẫn đủ sức gây xôn xao văn đàn, như cách đây chưa lâu, với cuốn Ba người khác. Tô Hoài có bạn đọc đông đảo từ trẻ con đến người già. Sức hấp dẫn của ông không phải chỉ là sức hấp dẫn của một nhà văn, mà còn là sức hấp dẫn của một con người sống nhiều, thu nhận nhiều và có may mắn hơn nhiều người là đã đi trọn vẹn gần một thế kỷ đời người với biết bao thăng trầm, thay đổi. 


Nhân kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 và hướng đến Đại lễ Thăng Long ngàn năm 10/2010, chuyên đề số này xin dành để nói về một người Hà Nội đáng kính, một “báu vật nhân văn sống” không chỉ của Hà Nội: nhà văn Tô Hoài.

Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh tại làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông đã từng kinh qua nhiều nghề để kiếm sống trước khi bước vào làng văn: dạy trẻ, bán hàng, kế toán hiệu buôn... và có khi thất nghiệp. Thế nhưng ông lại nhanh chóng thành công với nghiệp cầm bút.

      Tôi nghĩ người ta sống phải có một cái nghề nhất định. Ai cũng phải có nghề có nghiệp. Viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, chả phải cái gì thiêng liêng ghê gớm. Cốt là anh phải tinh thông và chăm chỉ. Viết là khó, là nặng nhọc. Trong khi đi chơi không khó. Đi ngủ càng dễ chịu. Trong ba cái đó thì ai chẳng thích đi chơi và đi ngủ. Tôi cũng thế. Nhưng vì đã xác định là làm nghề nên phải rèn luyện hàng ngày. Ngày nào cũng ngồi vào bàn, dù bài hay bài dở thì tôi vẫn cứ viết. Hầu như lúc nào tôi cũng ở trạng thái viết, viết đủ thứ thượng vàng hạ cám. Có những bài tôi viết mà không cần cảm hứng.

Tô Hoài
Tới nay, Tô Hoài được xem là nhà văn có sự nghiệp văn chương “nặng ký” nhất ở Việt Nam với gần 200 tác phẩm đã xuất bản thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và sách về kinh nghiệm sáng tác.

Các bút danh của ông: Tô Hoài, Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa.

Các tác phẩm chính:

Dế Mèn phiêu lưu ký (1941)
O chuột (1942)
Nhà nghèo (1944)
Truyện Tây Bắc (1953)
Miền Tây (1967)
Cát bụi chân ai (1992).
Ba người khác (2006).

Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2006.

Tổ chức thực hiện: Nguyễn Quỳnh Trang

 



(TT&VH Cuối tuần) - Cây ăn quả duy nhất còn lại của khu vườn là cây mít mật cao đến tầng hai lô chung cư cũ, quả trĩu chịt giữa thân, đặc điểm nhận biết nơi ở của ông “Dế Mèn”, phòng 108 C3 tập thể Nghĩa Tân, một dấu hiệu hiếm nơi đô thị, hiếm như chính chủ nhân - nhà văn Tô Hoài, ở tuổi 90 vẫn còn muốn viết.

1. Rất vất vả để có cuộc hẹn vì ông đang yếu, tuổi cao, bệnh lâu năm, lại đi cấp cứu tưởng chết mấy tháng trước, ông kể thế, nên chỉ nói chuyện được 30 phút. Thế là quý lắm rồi, phải nghĩ trước những điều cần hỏi, tận dụng tối đa từng phút để nghe, quan sát.


 Nhà văn Tô Hoài. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Trận mưa chiều làm trời âm u. 17h50. Trước cổng nhà, hai cây găng xanh um, loài cây quả vàng hoa tím thân quen với tuổi thơ tôi cùng với cúc tần dây tơ hồng hay mọc bờ rào, bờ ao, nay thành của hiếm. Một phụ nữ đứng tuổi, đeo kính ra mở cổng, trông rất giống nhà văn. Sau tôi biết, đó là cô Ðan Thanh (sinh năm 1951) - con gái thứ hai của ông, là kế toán về hưu, từng du học ở Leningrad. Nhà không có “ôsin”, các cô con gái thay nhau chăm sóc bố. Tô Hoài ở cùng con cả Đan Hà (sinh năm 1949) dược sĩ, cô Hà bị viêm đường ruột nằm viện đông y, nên mấy hôm cô Thanh nhà bên phường Dịch Vọng phải túc trực thay.


Bà Tô Hoài dáng đi nhanh nhẹn, tắt tivi theo yêu cầu của chồng, ngồi nhìn mưa một chốc, rồi lại vòng quanh, có ý “canh chừng sâu sát”. Nhà văn Tô Hoài ngồi trên xe lăn chỉnh chỗ ngồi khá cao, đón tôi bằng nụ cười hiền, hóm hỉnh, cười cả miệng lẫn mắt, đôi mắt hơi đục có chùm nếp nhăn kéo tua trên làn da đồi mồi, tóc rụng gần hết, đầu hói nhẵn bóng.

Nửa tiếng tranh thủ trước bữa tối, sau khi đã tắm và tiêm, lão nhà văn nói nhỏ, một âm lượng buộc người nghe phải ngồi kề, căng tai, tập trung. Không phải những câu hỏi của tôi mà là ông dẫn dắt câu chuyện bằng hồi tưởng. Với những nhân vật khác, tôi có thể chuyển, lái câu chuyện chủ động, nhưng bởi lòng khâm phục ông, tôi chiều ý lão tướng 90, thuận theo cảm xúc quá khứ của Tô Hoài. “Giả lão hoàn đồng”, người già như trẻ thơ, sống nhiều bằng nhớ nhung ký ức.

Suốt cuộc nói chuyện, dòng chảy Dế Mèn phiêu lưu ký trở đi trở lại, bên cạnh lời kể về nhiều tác phẩm, cho thấy Tô Hoài rất yêu nghề cầm bút. Văn chương là chủ lưu dòng sông đời ông.

Ông lão cười tươi, không phải nụ cười “toàn lợi”: “Tôi còn 14 chiếc răng. Chân thỉnh thoảng châm cứu, chỉ bước nhẹ nhàng trong phòng thôi. Trước, còn khỏe, không có con đưa đón thì tự đi xe ôm. Nay phải có con kèm, ngồi taxi. Chiều đến, ngồi xe, con nó đẩy đi dạo”.

Thế mà thoắt cái ông “đi” về thơ ấu.


2. Chú bé Nguyễn Sen là con độc nhất của thầy u. Quê cha ở Thanh Oai, Hà Ðông (cũ), quê mẹ làng Nghĩa Đô, bên bờ Tô Lịch, thuộc phủ Hoài Đức. Nhà nghèo, Sen chỉ học hết tiểu học, rồi tự học, rèn luyện không ngừng Quốc văn, Pháp văn, nghề viết là năng khiếu thiên phú, lại đi nhiều, giỏi quan sát, thu lượm, ông có vốn sống giàu có. “Thuở đầu đời, 13 tuổi, tôi làm thơ viết truyện ngắn, truyện cổ tích, kiểu như Ông giàu bà giàu viết về vùng Kẻ Bưởi, in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 16, 17 tuổi viết Dế Mèn. Tôi cùng sáng tác với Nxb Tân Dân 93 Hàng Bông, rồi nhà Truyền Bá, thuộc Tân Dân, cứ một, hai tuần in một truyện. 16, 17 tuổi viết Dế Mèn, được in ngay. Lúc đó, Tân Dân có các cây bút giới in thường xuyên, như: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, họ giới thiệu tôi với ông Vũ Ðình Long chủ nhà xuất bản. Lúc đầu, tôi chỉ viết đến đoạn Dế Mèn Dế Trũi ra đi, sau bán chạy quá, ông Long bảo viết thêm, tôi viết tiếp cho đủ phiêu lưu ký”.

Hàng trăm tác phẩm với nhiều đề tài, bối cảnh, song mảng văn học thiếu nhi là mạch yêu thích, sở trường của Tô Hoài. Ông là một trong số ít các nhà văn có sức sống lâu năm hơn tuổi sinh học, bởi ông viết rất thành công cho thiếu nhi. Hơn 70 năm qua, Dế Mèn phiêu lưu ký được dịch hàng chục thứ tiếng, tái bản mấy chục lần, mấy thế hệ đã đọc ông, đời này sang đời khác sẽ còn đọc. Từ nhan đề đến nội dung, thấy rõ tình yêu thiên nhiên, loài vật, trẻ thơ, lòng nhân hậu của Tô Hoài, yêu thiên nhiên đến mức đưa con vật nhỏ bé thành nhân vật. Tô Hoài đã “phiêu lưu” nhiều hơn hành trình của chú Dế để đời, với những hóa thân xuất sắc, từ Nhà Chử, Hai đứa trẻ đợi đi, Người đi săn và con nai, Chim chích lạc rừng đến Hổ và gấu đi cày, Voi biết bay.

Ở tuổi ông, vẫn còn đầy đủ vợ chồng lại càng là hiếm. Bà Nguyễn Thị Cúc (1923) vợ ông, còn khỏe, ở cùng con trai út Phương Vũ (1961) tại ngôi nhà cổ 100m2 trong ngõ 21B Đoàn Nhữ Hài, quận Hoàn Kiếm, cuối tuần mới về Nghĩa Tân. Các con của Tô Hoài không ai là nhà văn. Cô con gái thứ ba Sông Thao (sinh 1960 tại Phú Thọ) ở phố Ngọc Khánh được bố cưng nhất, là biên tập viên Nxb Kim Đồng. Con trai út, Phương Vũ (1961) chơi thân với Nguyễn Tiến Dũng - con trai nhà văn Kim Lân từ hồi đi xuất khẩu lao động ở Ðức, cùng nhau mở nhà hàng, rồi cuối cùng cũng quay về chữ nghĩa. Ba năm nay, anh Phương Vũ làm thư ký tòa soạn tuần báo Người Hà Nội.

Nhà văn Tô Hoài sinh ra ở làng Nghĩa Đô, về già sống tại Nghĩa Tân; các con gái cùng quận Cầu Giấy, loanh quanh tưởng đơn điệu. Mà không: “Tôi đi nhiều như Dế Mèn”.


Bản thảo Dế mèn phiêu lưu ký. Ảnh: NĐT

Làm việc nhiều năm tại Hội Nhà văn Việt Nam, Tô Hoài hay xuất ngoại. Vừa công tác đối ngoại, là nhà văn nổi tiếng, lại là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á - Phi - Mỹ Latinh (Trụ sở tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị 105A Quán Thánh) nên từ Cuba, Brazil, châu Âu qua Algéria, Maroc, ông đều đã đến, có nơi vài lần; duy Pháp là chưa biết, chưa được đặt chân đến kinh đô ánh sáng. Nhưng sức sống của tác phẩm đã làm tên tuổi, văn nghiệp ông tỏa sáng bền bỉ hơn mọi chức vụ, dù ông đã là Chủ tịch lâu năm Hội Nhà văn Hà Nội từ 1985, năm Nhà nước phân cho ông căn hộ này.

Một năm nay, ông không đọc báo nữa, thèm đọc quá thì soi kính lúp một lúc thôi. Ông bị tiểu đường, nên bác sĩ không dám mổ mắt. Ngoài thuốc Tây điều trị bệnh gút nửa thế kỷ, ông còn “sống chung” gần bằng ấy năm với bệnh huyết áp cao, bệnh tiểu đường, tiêm ngày hai mũi. Ngày ba bữa. Bữa tối xong lúc 18h30, ba tiếng sau ông đi ngủ. Lục sục cả đêm, có khi 2h sáng đã hỏi con: “Mấy giờ rồi, sắp sáng chưa?”, rồi lại cố nằm đến 6h dậy. Chuyện vệ sinh, tắm rửa đều do con hầu hạ. Cuộc sống của ông bây giờ như thế.

Song ông vẫn cố gắng nắm bắt thời sự qua tivi màu Samsung 17 inch đời cũ, đồng nghiệp ra sách vẫn nhớ gửi tặng Tô Hoài. Sát mặt đường, bên ngoài phòng ông là phòng khách bày giá sách. Trên đó, có một phần tác phẩm của ông, cùng những tuyển tập, tác phẩm của nhiều thế hệ già trẻ đề tặng. Ham đọc và cởi mở, ông đọc cả thơ tình của tôi: “Cô lúc nào cũng mạnh mẽ”!

“Tô là sông Tô, Hoài là phủ Hoài Đức” ông giải thích về bút danh Tô Hoài. Cuộc đời gắn bó Hà Nội, nhưng ông đi nhiều nơi, nhiều nước. Không đếm xuể những chuyến đi ấy, cũng không nhớ được chính xác đã viết bao nhiêu tác phẩm. “Hàng trăm cuốn” - ông chỉ nói vậy. “Còn rất trẻ tôi đã đi khắp Trung Nam Bắc, Việt Miên Lào, đi vào Sài Gòn, chỗ nào đi được là đi, mà lúc ấy trai trẻ chỉ 42kg, 1m57”. Ông có tập Ba người khác, như tự truyện (chưa phải tất cả sự thật) về ba năm làm đội phó phụ trách tòa án thời cải cách ruộng đất ở Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình. Năm 1952, ông có một chuyến đi tám tháng vùng Tây Bắc, để có tập Truyện Tây Bắc ra đời năm sau. Một nhà văn đô thành mà hiểu, tả về miền núi, phong tục người H’mông hấp dẫn như Vợ chồng A Phủ, thì chuyến đi quả là lịch sử của đời ông, của văn học Cách mạng, tạo nên đỉnh cao, ấn tượng mạnh mẽ với chính đời sống, tinh thần của dân tộc thiểu số sống trên núi cao. “Sau khi Truyện Tây Bắc xuất bản, tôi mua được ngôi nhà 21 Ðoàn Nhữ Hài”.

Ông còn “được” nhiều hơn thế, khi ghi tên mình vào lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Chính ông chuyển thể Vợ chồng A Phủ thành kịch bản điện ảnh (đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái), với hai diễn viên chính: Trần Phương (A Phủ) và Ðức Hoàn. Lấy bối cảnh vùng Tà Sùa, Nghĩa Lộ, Yên Bái trước cách mạng, Tô Hoài viết nên cả một kho truyện Tây Bắc, truyện tình yêu đầy vẻ đẹp, sức sống dù vượt qua thân phận bi kịch. Cũng Tô Hoài viết ca từ cho Bài ca trên núi (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm nhạc phim Vợ chồng A Phủ), chính là ca khúc đầu tiên trong nhạc phim của điện ảnh Việt Nam.

3. Cô Ðan Thanh bưng ra tô cháo, bố tự xúc thìa, ăn hết ngon lành trong sự dõi theo của con. “Cháo ngô, rau, thịt, xay nhuyễn hết. Còn cơm nấu hơi nát là ông ăn được”, cô Ðan Thanh nhìn cha âu yếm. Tôi “tò mò” hỏi vui, dù biết chẳng bao giờ khai thác được một người khéo như Tô Hoài, về ái tình. “Ông đi nhiều biết rộng thế, mà không thấy tin đồn về mối tình lãng mạn nào, cả đời ông chỉ có bà thôi ư?”. Ông cười. Không thuốc lá, không nghiện trà, cà phê, vui lắm trước kia có tí bia rượu, sau này ốm bệnh không uống nữa. Thế thì mẫu mực đến mức “chay tịnh” còn gì! Ông là biểu tượng sống chống lại những lý thuyết cho rằng: “Văn nghệ sĩ phải có men, phải yêu đương, say sưa gì đó chứ” (?!).

Cô con gái thanh minh không mua được chuối tiêu, sau khi ông nhắc đưa quả tráng miệng. Quả là quá điều độ, mực thước, nề nếp. Ông từ tốn ăn hết nửa quả thanh long. Tôi không biết ông thời xưa, nhưng từ khi ông ngót 80 đến giờ, lúc nào tôi cũng thấy ông chỉn chu đến mức không tin nổi (lại thêm một nét “hiếm” nữa).

Ông kể: “Vụ báo Tết 2009 tôi được 10 triệu nhuận bút, in trên An ninh thế giới, Văn nghê... Tôi viết về chuyện mất cuốn tiểu thuyết do một người đàn bà thân làm mất, đó là Những đêm mưa, kể về chuyện tình của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị người Huế, khi ấy ra Hà Nội, là sinh viên trường thuốc (sau là bác sĩ nha khoa). Từ Tết đến giờ, tôi chưa viết được, mệt đành chịu, chứ vẫn còn ham cầm bút, khỏe là viết ngay. Sắp tới, Nxb Hà Nội sẽ ra tuyển tập Thăng Long - Hà Nội, in ba tiểu thuyết của tôi: Quê nhà, Quê người (1940), Mười năm (1935 - 1945) đều lấy bối cảnh khu vực Nghĩa Ðô, Kẻ Bưởi. Nxb Lao Động sắp in tổng tập với hai bộ: bộ sách 72 truyện ngắn (từ truyện lúc bắt đầu cầm bút đến nay); bộ năm cuốn: Ðảo hoang (Quả dưa đỏ, về Mai An Tiêm), Chuyện nỏ thần (My Châu - Trọng Thủy), Chử Ðồng Tử...

Ấm ức từ lâu về sự ác của con người, ăn đủ con vật, không tha cả côn trùng, trong đó có dế mèn, cà cuống, bọ xít, bọ nẹt, bọ cạp, bọ hung, đều bị lên đĩa, từ rán giòn đến chiên bơ, tẩm bột, tôi kể với nhà văn. Tưởng ông thương lũ dế - nhân vật cuộc đời, ngờ đâu nhà văn tai thính nói luôn: “Biết rồi, biết từ lâu chuyện dế nuôi làm đồ nhậu. Tôi cũng đã ăn dế chiên giòn ở Ngã Tư Sở, được mời. Gặp một tỷ phú nuôi dế Củ Chi, anh ta bảo: “Cháu thành tỷ phú là nhờ dế mèn đấy, ông Dế Mèn ạ. Người ta ăn nhiều vì ngon, lành, lại chống béo”. Ông cười an nhiên nói thêm: “Còn châu chấu tôm bay, bị ăn từ lâu lắm rồi đấy”.

“Ði nhiều như Dế Mèn”, ông Dế Mèn lúc này không đi đâu được nếu không trông vào con cháu. Ông chỉ quen thuộc với mảnh sân có nhiều hoa, lúc này không cây nào nở; hay ngồi xe lăn, ngước nhìn cây mít mật. Tôi chưa được đọc những bài thơ của Tô Hoài, nhưng thích Bài ca trên núi, một bài hát được nhiều người nhớ. Tôi tin, Tô Hoài, người viết những lời tình tứ, khoáng đạt ấy, trong cuộc đời, không chỉ có duy nhất “bà Cúc, bà nhà tôi”. Dù ẩn số hay bí mật nào thì tự thân lời ca đã toát lộ tâm hồn tác giả:

“Ơ... Ðầu trời có sao chiều sao sớm
Ðầu núi kia có ở hai người
Dù đi cùng trời dù đi khắp núi
(Ơ... Rừng chiều có tiếng khèn ai đó
Khèn hát lên những lời mong chờ
Ðường đi về rừng đường đi xuống núi)
Trời chỉ có sao sớm sao chiều
Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...”

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm