Tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX là thế nào?

07/08/2009 10:13 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - LTS: TT&VH số ra ngày 2/8 có bài Thơ Việt Nam thế kỷ 20 - chọn thế nào là việc của Hội đồng! của tác giả Đông Kinh, trong đó nêu bật quan điểm: Hãy trao quyền tự quyết cho nhóm tuyển chọn.

Sau bài báo nói trên, TT&VH đã nhận được bài viết của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh rằng dù nhóm tuyển chọn có quyền tự quyết theo tiêu chuẩn của cái hay, nói như Hoài Thanh “khi xem thơ chỉ biết có thơ”, nhưng tuyển tập phải phản ánh được diện mạo cả nền thơ Việt Nam thế kỷ XX nói chung. Nói cách khác, việc tuyển chọn là của Hội đồng, nhưng tính chất của tuyển tập đó thế nào thì Hội đồng lại cần phải làm việc theo những tiêu chí khoa học. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này:

1. Ở năm sát cuối của thập niên đầu thế kỷ XXI, việc làm một tuyển tập thế này là kịp thời. Hội Nhà văn Việt Nam đứng ra làm là cần thiết và hợp lý. “Tiêu chí tuyển chọn được Hội Nhà văn xác định là: Phải chọn thơ hay và căn cứ vào hai đặc điểm của thơ Việt Nam thế kỷ XX là chủ nghĩa yêu nước và có những đổi mới về nghệ thuật thi pháp kể từ thơ mới 1930-1945 trở đi” (lời nhà thơ Vũ Quần Phương, Trưởng ban tuyển chọn, trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, 30/ 7/2009). Căn cứ vào tầm vóc, quy mô của tuyển tập, vào cơ quan đứng ra tuyển, và vào tiêu chí tuyển như trên, tôi thấy tuyển Thơ Việt Nam thế kỷ XX phải được làm nghiêm túc, phải bảo đảm được cả chất lượng khoa học và chất lượng nghệ thuật. 


Thơ vẫn có sức hút mạnh mẽ với công chúng  Việt Nam
2. Chất lượng khoa học là tuyển thơ phải phản ánh và bao quát được toàn bộ diện mạo của thơ Việt Nam thế kỷ XX. Từ đầu thế kỷ, thơ Việt Nam chuyển từ loại hình văn học trung đại sang loại hình văn học hiện đại, tiếp đến là cuộc cách mạng Thơ Mới. Hoàn cảnh chiến tranh đã chia cắt một nền văn học thống nhất ra thành các bộ phận khác nhau, sáng tác theo những ý thức hệ và những phương pháp khác nhau, theo đuổi những trào lưu, xu hướng khác nhau. Có văn học miền Bắc và văn học miền Nam khác nhau thời kỳ 1954 - 1975. Thơ ở hai bộ phận này do đó cũng khác. Khi chiến tranh kết thúc cũng là lúc văn học Việt Nam lại có bộ phận hải ngoại (dù trước đó đã có phần nào), thơ Việt Nam có cả ở ngoài biên giới đất nước. Nói tới thơ Việt Nam là nói tới thơ viết bằng tiếng Việt của người Việt Nam. Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX phải cho thấy được toàn cảnh này. Nghĩa là trước khi tuyển chọn, trong quan niệm của những người tuyển, các bộ phận thơ ca phải được bình đẳng với nhau, phải được đọc hết, đọc kỹ, và sau đó chiểu theo tiêu chí đã nêu để chọn. Chỉ tính riêng bộ phận thơ Việt Nam ở miền Nam cũ và thơ Việt Nam hải ngoại, con số nhà thơ đã khá đông đảo. Vậy nên, trên bàn của Ban tuyển chọn phải có được, trong khả năng cao nhất, danh mục tất cả các nhà thơ Việt Nam trong nước và ngoài nước qua các thời kỳ, danh mục tất cả các tập thơ của họ, và Ban tuyển chọn đã phải đọc được phần lớn thơ đó. Như khi Hoài Thanh làm Thi nhân Việt Nam, ông đã “đọc tất cả một vạn bài thơ và trong ấy có non một vạn bài dở”. Không nên và không thể chỉ lấy một bộ phận làm chính, chỉ tuyển chọn trong bộ phận ấy, sau rồi mới xét thêm các bộ phận khác, trừ phi Hội Nhà văn Việt Nam tuyên bố rõ ràng đây là Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX của các nhà thơ là hội viên của Hội.

Tiêu chí là thơ hay, có tính đến hai đặc điểm của thơ Việt Nam thế kỷ XX là chủ nghĩa yêu nước và có những đổi mới về nghệ thuật thi pháp

“Có đồng đẳng mới bình đẳng”. Các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX dù ở đâu đều đồng đẳng với nhau về mặt sáng tạo thi ca. Không thể tự cho mình ở một đẳng cấp khác để đoái hoài đến người khác, nhất là khi làm tuyển là làm một công việc khoa học, nhất nữa lại là tuyển thơ. Ban tuyển chọn cần có một bức thư chung gửi cho tất cả các nhà thơ Việt Nam trong nước và trên thế giới, gửi riêng hoặc đăng trên báo Văn Nghệ và nhờ các phương tiện thông tin khác chuyển tải, thông báo việc này và đề nghị họ cho phép. Thư gửi cho tất cả các nhà thơ, chứ không phải chỉ riêng cho các nhà thơ ở miền Nam cũ và ở hải ngoại hiện nay.

Hoặc cũng có thể, sau khi đã tuyển chọn rộng khắp, ban tuyển chọn mới gửi thư cho những tác giả có thơ được tuyển thông báo và xin phép họ. Tóm lại, trên một danh sách theo vần chữ cái các nhà thơ Việt Nam thế kỷ XX ở mọi khoảng thời gian, mọi góc hành tinh, để tìm ra được thơ hay đưa vào tuyển. Đó mới là Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX đích thực, đúng nghĩa. Còn không, xin nhắc lại, cứ gọi hẳn tên là Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX của các nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 3. Chất lượng nghệ thuật theo tiêu chí là thơ hay, có tính đến hai đặc điểm của thơ Việt Nam thế kỷ XX là chủ nghĩa yêu nước và có những đổi mới về nghệ thuật thi pháp kể từ thơ mới 1930-1945 trở đi. Đồng ý. Nhưng theo tôi, tiêu chí này khả thủ và khả thi trong trường hợp chấp nhận nhiều hình thức đổi mới thi pháp đa dạng, phong phú. Mà chấp nhận như thế cũng có nghĩa chấp nhận cái hay có nhiều biên độ. Có cái hay của thơ lục bát, lại có cái hay của thơ tự do. Có cái hay của thơ cổ điển nhưng cũng có cái hay của thơ tân hình thức. Có cái hay của thơ văn xuôi bên cạnh cái hay của thơ thị giác. Hy vọng tầm đón của ban tuyển chọn bắt gặp được tầm đón của thơ Việt Nam thế kỷ XX.

Tuy nhiên, việc quy định số lượng bài cho các nhà thơ theo các thời kỳ (hay tên tuổi) có vẻ áp đặt và không mang tính thơ ca. Nên chăng chỉ nên giới hạn trên (số lượng tối đa là mấy bài), chứ không nên giới hạn dưới. Thơ hay đâu có chờ thời mà ra!  

Phạm Xuân Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm