"Biển và chim bói cá" ngồn ngộn những chân dung!

22/03/2009 15:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cuộc tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Biển và chim bói cá của nhà văn Bùi Ngọc Tấn (NXB Hội Nhà  văn và Công ty Nhã Nam phát hành cuối 2008) đã được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 20/3.

Gọi là tọa đàm, nhưng không khí tại đó lại thiên về một cuộc gặp mặt và chia sẻ khá cảm động giữa tác giả cùng bè bạn. Bởi, đa phần những người phát biểu trong cuộc gặp như Châu Diên, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Ngọc Tiến, Dương Tường, Phạm Xuân Nguyên... đều thân thiết và yêu quý Bùi Ngọc Tấn từ lâu. Thậm chí, không ít người trong số đó là bạn thâm giao với nhà văn 75 tuổi này trong vài chục năm qua, ngay cả ở những quãng đời mà ông gặp khó khăn nhất.

Nhận xét về cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 này, những ý kiến đánh giá gặp nhau ở một điểm chung: Sách phong phú về chi tiết, ngồn ngộn về chất liệu sống và... đặc sệt phong cách Bùi Ngọc Tấn. Dường như, đó cũng là điều dễ hiểu, khi mà ông đã có thời gian khá lâu để chuẩn bị cho cuốn sách này, sau hơn 20 năm là nhân viên của Xí nghiệp đánh cá Hạ Long và chứng kiến đủ những chìm nổi, ngang trái của cuộc sống và con người trong một bầu không khí cũ.
 
“Đây là những cuốn sách về những con người khao khát hạnh phúc mà không bao giờ đạt tới hạnh phúc đích thực. Phần thứ nhất nói về những thân phận chim bói cá trên biển. Đọc xong phần này, người đọc sẽ vương vấn với câu hỏi: Những con người này, những con chim bói cá này, chúng có hạnh phúc không và liệu rồi có bao giờ chúng có nổi hạnh phúc không? Phần thứ hai là những con chim bói cá “ăn theo” tại vô số ban bệ trên bờ, là cuộc cải cách của những người rủ nhau đi biển đầy nắng và sóng gió nhưng lại mang màu sắc ảm đạm của những kẻ đi vào đường hầm không lối thoát”. Nhận xét của nhà văn Châu Diên có thể coi là lời tóm tắt chính xác nhất về nội dung cuốn sách.
 
Một số ý kiến tranh luận nho nhỏ diễn ra khi nói về kết cấu của cuốn sách. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: Biển và chim bói cá là cuốn sách không có cả cốt truyện, cũng không có nhân vật chính. Đó là cuốn sách về cả một tập thể, giống như một cuộc triển lãm ngồn ngộn những chân dung nhân vật trong từng ngăn khác nhau. Trong khi đó, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, cũng là một người bạn vong niên của tác giả, khá thẳng thắn khi cho rằng cách viết ấy phần nào sẽ gây khó khăn cho độc giả trong việc nắm bắt câu chuyện. “Anh Sơn chạm đúng nỗi lo của tôi” - nhà văn Bùi Ngọc Tấn công nhận.
 
Nhưng, như lời nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “sách có thể thích được và đứng được”. Và không chỉ với các nhà văn có mặt, điều này cũng rất có thể thành sự thật với nhiều độc giả bình thường. Bởi, với những đầu sách trước đó, từ chục năm nay, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã có được một lượng độc giả nhất định, luôn dành tình cảm cho ông.
 
Hoàng Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm