Watchmen gây chú ý với các triết gia

08/03/2009 10:11 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Bộ truyện tranh Watchmen, cũng như bộ phim chuyển thể cùng tên đang được phát hành rộng rãi trên toàn thế giới, đã cho thấy các siêu anh hùng không đơn thuần chỉ để mua vui và giải trí khán giả. Những quyền năng của họ và cách họ lựa chọn để sử dụng chúng cũng có thể trở thành một vấn đề hàn lâm để các triết gia phải quan tâm ít nhiều.
 
Biểu tượng của bộ phim Watchmen tại London

Mark D. White, người biên tập quyển sách Watchmen and Philosophy: A Rorschach Test (Watchmen và Triết học: Một kiểm nghiệm của Rorschach), đã nói: “Watchmen chính là một mỏ khai thác cho các triết gia bị ám ảnh bởi truyện tranh”. Quyển sách này là một phần trong loạt sách sử dụng văn hóa đại chúng để tiếp cận những vấn đề trừu tượng của triết học.

Bộ phim Watchmen đã chuyển thể toàn bộ 12 tập truyện cùng tên của 2 tác giả Alan Moore và Dave Gibons kể về một nhóm siêu anh hùng thất thế trong bối cảnh hư cấu của những năm 80 khi Mỹ và Liên Xô đang cận kề một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Mặc dù có nguồn khai thác tính giải trí dồi dào như vậy, thế nhưng Watchmen lại không phải là một tác phẩm giải trí thông thường. “Tính triết lý trong Watchmen là khá trực quan, bạn không cần phải đào sâu mới thấy được nó”, White nói. Ông hiện đang là giáo sư khoa Khoa học chính trị, Kinh tế và Triết học tại Đại học Staten Island.

Bộ truyện tranh đã lấy nhan đề và tư tưởng từ ý thơ “Quis custodiet ipsos custodes?” (Who watches the Watchmen? – Ai trông chừng những kẻ trông chừng?) của nhà thơ La Mã Juvenal từ thế kỷ thứ nhất. Bản thân ý thơ này cũng đã là một đề tài triết học gây tranh cãi từ hàng thế kỷ nay.

Quyển sách Watchmen and Philosophy bao gồm những bài khóa luận về phương pháp biện hộ của nhân vật trung tâm Rorschach đối với phong cách hành động tàn bạo của mình. Học giả Pháp Simone de Beauvoir cũng đóng góp bài viết về quan điểm của phụ nữ thông qua 2 mẹ con nhân vật Silk Spectres. Quyển sách cũng dành hẳn một chương để phân tích khái niệm Übermensch (Siêu nhân) của triết gia Đức Friedrich Nietzsche.

Mặc dù Watchmen đã đặt ra nhiều câu hỏi mang tính triết lý hơn bất cứ sản phẩm văn hóa nào khác, thế nhưng những series truyền hình ăn khách như House và The Simpsons cũng đưa ra không ít thách thức cho những người vốn lâu nay không ưa các vấn đề triết lý.

William Irwin, giáo sư triết học trường Đại học Kings, cho biết “Trong vài thế kỷ gần đây, Triết học luôn có một số vấn đề về quan hệ cộng đồng. Mọi người luôn có quan điểm sai lầm rằng triết học là một đề tài học thuật khô khan nào đó. Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm ra những vấn đề thông thường trong văn hóa đại chúng và biến chúng thành những tranh luận triết học”.

White, người cũng có bài viết về nhân vật Batman, cho biết, các siêu anh hùng là đề tài hấp dẫn đối với những nhà luân lý như ông: “Họ phải lãnh lấy những trách nhiệm thật phi thường, Nếu giả sử bạn muốn cứu thế giới, bạn sẽ làm gì trước? Bắt kẻ xấu hay cứu những người nghèo khổ?”

Trần Việt (Theo Reuters)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm