Nhà văn Nguyễn Quang Thân: Tưởng họa lại có phúc lớn

02/03/2009 10:02 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Giành giải nhất Cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện lịch sử Thăng Long nhằm tìm ra kịch bản cho dự án phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, song cuối cùng kịch bản Hội thề lại “bị loại” khỏi dự án làm phim tốn kém nhất và gây nhiều tai tiếng nhất trong năm 2008 vừa qua - phim Thái tổ Lý Công Uẩn. Vẫn thủy chung với lời thề, nhà văn Nguyễn Quang Thân tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Hội thề (NXB Phụ Nữ) dày gần 400 trang.

Trước tôi là màn hình vi tính trong veo

* Gần 4 năm (viết từ 9/2004, kết thúc 3/2008) để có được gần 400 trang tiểu thuyết lịch sử, kèm theo 9 phụ lục và đến 29 chú thích dài, chứng tỏ ông rất tâm huyết với Hội thề...

- Những ai đã từng viết sẽ biết với 4 năm trời người ta không làm được bao nhiêu việc đâu. Anh bạn tôi, nhà văn Ngô Ngọc Bội bỏ ra 13 năm mới viết xong được tập Ao Làng cũng chỉ hơn 400 trang. Đó là ông ấy chỉ lôi người nhà ra viết, nhân vật nam phụ lão ấu đều là bà con, người làng, sống sờ sờ ra đó. Còn tiểu thuyết lịch sử ư? Trước tôi chỉ có cái màn hình vi tính trong veo, nào Lê Lợi, nào Nguyễn Trãi, nào trận mạc nhật nguyệt lu mờ, nào voi gầm ngựa hí, chuyện 600 năm trước đâu dễ hình dung và dựng lại trong một vài năm? Viết tiểu thuyết lịch sử tức là làm cuộc marathon với từng con chữ, cuộc đánh vật với trí tưởng tượng và lòng kiên nhẫn, kể công sá bỏ ra làm gì. Ấy vậy mà “quyền rơm vạ đá” vì mình toàn to gan đụng tới vua chúa và anh hùng, vẽ rồng khó nhưng không nguy hiểm. Còn vẽ vua mà sa cọ thì có thể mất đầu! Cuốn tiểu thuyết gọi là lịch sử này chỉ có một không gian hẹp là thành Đông Quan và vùng Kinh Bắc, một thời gian ngắn dăm bảy ngày trước sau trận Xương Giang. Có lẽ vì thế mà nó có dáng dấp tiểu thuyết hiện đại, là “một nhát cắt lịch sử” với bao suy tư, bao gợi mở thổi về từ 6 thế kỷ trước, mục đích là muốn lay động trái tim và tư duy người hiện đại. Khi cuốn sách chưa hoàn thành nó đã được tôi triển khai thành kịch bản phim đóng góp cho dự án lớn làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nó không được chọn để làm phim, tưởng là họa mà lại có phúc lớn!

* Như thế có nghĩa là tiểu thuyết Hội thề được viết song song với kịch bản phim Hội Thề? Nhưng sao lại có chuyện họa với phúc ở đây thưa ông?

- Đúng vậy. Một đề tài, một chủ đề, những nhân vật lớn nhỏ bên này bên kia trong mấy ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Chỗ khác nhau là, kịch bản phim viết để đạo diễn có thể dựng lên thành hình ảnh được. Trong tiểu thuyết, những nhân vật đó từ con chữ và trang sách bước ra, như từ cõi vô hình, xuất hiện với mọi chiều kích trong trí tưởng tượng của người đọc. Còn chuyện họa phúc thì thế này. Được nhận giải nhất mà không được chọn làm phim (không hiểu vì sao) thì mình không đạt được mục đích ban đầu là góp cho 1.000 năm Thăng Long một kịch bản tử tế, để làm một bộ phim tử tế, không phải “họa” là gì? Nhưng cái phúc lớn thì ai cũng có thể suy ra, bởi vì giờ đây tôi đã trình độc giả yêu quý của tôi một sản vật vườn nhà trinh nguyên, không hề có sự can thiệp lớn nhỏ của ai khác ngoài chính tôi. Nó được trình làng mà không bị “góp ý, sửa chữa, đấu thầu, vẽ rắn thêm chân v.v.” như trong trong một dự án làm phim bị gác lại mà chúng ta đều biết. Không là phúc lớn sao?

* Hội thề - kịch bản phim và Hội thề - tiểu thuyết, có gì giống và khác nhau?

- Không thể và không hề khác nhau về tư tưởng tác phẩm, về nhân vật cũng như về quan điểm tác giả. Tôi đâu phải rắn sọc dưa?

* Ông thích cái nào hơn? Hội thề - kịch bản hay Hội thề - tiểu thuyết?

- Một sản phẩm duy nhất của trí tưởng tượng và tư duy được viết cho hai thể loại với hai mục đích khác nhau. Cái nào cũng là của tôi. Cái nào tôi cũng thích, văn mình mà! Nhưng nếu biết trước có vụ phim 1.000 Thăng Long năm vừa rồi, có lẽ tôi không nên cất công viết cái kịch bản ấy làm gì. Nhưng dù sao đó cũng là một kịch bản tử tế và biết đâu lại có thể làm một bộ phim như tôi mong ước vào dịp 2.000 năm Thăng Long?

* Mối quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi - hai vị anh hùng lịch sử - đã được nhắc đi nhắc lại trong sử sách, trong các tác phẩm văn học, trong nhiều loại hình nghệ thuật khác... Ông đã làm mới những vấn đề đã cũ ấy trong sáng tác của mình như thế nào?

- Sách ra chưa ráo mực mà tác giả đã “giải thích” thì quá thất lễ với bạn đọc. Hãy để người đọc đánh giá mối quan hệ ấy (Lê Lợi và Nguyễn Trãi) qua những trang sách. Văn chương vốn khẩu chứng vô bằng nên mỗi người nghĩ mỗi cách. Có lẽ đó là sự khác nhau vốn rất lớn giữa “sách sử”, sách “kể chuyện lịch sử” và “tiểu thuyết lịch sử” chăng? Không ai có thể áp đặt cho tiểu thuyết lịch sử những quan điểm có sẵn trong sách giáo khoa môn sử. Dù sao tôi cũng muốn nói ít nhiều quan điểm của tôi (chứ chưa chắc đã là quan điểm mà độc giả nhận ra được sau khi đọc tiểu thuyết) về mối quan hệ này. Ngắn gọn đó là quan điểm “vua - tôi”. Nguyễn Trãi không dự Hội thề Đông Quan, ông cũng không được ghi vào danh sách đầu tiên những công thần được nhà vua ban thưởng sau ngày chiến thắng. Còn kết thúc bi thảm của mối quan hệ này thì chúng ta đã quá rõ rồi. Tại sao vậy? Với những khai quốc công thần áo vải cờ đào cỡ Lê Sát, Lê Ngân thì Nguyễn Trãi chỉ là một anh trí thức vào Lam Sơn khá muộn, chưa có công trạng chiến chinh gì ngoài mấy trang Bình Ngô sách. Lê Lợi không như họ. Vị lãnh tụ anh minh đã biết dùng Nguyễn Trãi ngay những ngày đầu. Dùng vì ông quá sáng suốt nhận thấy, nếu không có cánh trí thức Thăng Long như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn hay Lưu Nhân Trú, Phạm Văn Xáo thì khởi nghĩa Lam Sơn chỉ là con đại bàng không có cánh mà thôi. Nhưng dùng mà không tin, dùng mà sợ, dùng mà coi như khách, dùng mà luôn đề phòng, dùng xong rồi thì tìm cách giết đi dù thừa biết là oan khốc (về sau, cả bốn ông đại khoa này đều bị giết vì những cớ khác nhau nhưng lý do chỉ là một, giết thật chứ không chỉ vắt chanh bỏ vỏ thôi đâu). Về điểm này, Lê Lợi lớn hơn Lưu Bang khi ông này ngay những ngày đầu đã rẻ rúng Hàn Tín. Nhưng sự nghi kỵ giữa những kẻ ít học với người học rộng tài cao thì vẫn giống nhau trong mọi thời.

* Việc tái tạo lại bối cảnh sống và các nhân vật của thế kỷ 14-15 sao cho sinh động, lôi cuốn mà vẫn tôn trọng giá trị thực của lịch sử có làm ông gặp nhiều khó khăn?

- Khó ai có thể phán xét bắt bẻ chuyện đúng sai trong bối cảnh, ngôn ngữ nhân vật hay trang phục vì đâu có đối chứng, hiện vật của nước ta còn lại quá ít, thành ra khó cũng trở thành dễ. Tất nhiên chừng nào còn ở mức độc giả chấp nhận được. Có cảnh Nguyễn Trãi và bà Lộ tâm sự trên giường trong đêm khuya thanh vắng, tôi phân vân mãi không biết họ xưng hô với nhau thế nào thời đó. Sex thì đâu có mới mẻ gì với thế kỷ 15 khi có thể Nguyễn Trãi và bà Lộ đã đọc Tố nữ kinh vốn là sách cổ Trung Hoa có ngàn năm tuổi trước đó. Chẳng nhẽ họ vẫn chàng chàng, thiếp thiếp như ở phòng khách hay thư phòng? Khó quá đi chứ! Nhưng tất nhiên, bà Lộ không thể nào mặc “váy trễ”, “quần trễ” hay “yếm trễ” lộ “xương ngang kiểu Tây” như các cô nàng khắp nơi mọi chốn hôm nay hoặc nói với ông Trãi “Hơ-ni ơi, lại đây với em nào!”.

Chẳng bao giờ nên nói “giá như” với lịch sử

* Có phải vì cuộc thi liên quan đến ngàn năm Thăng Long mà ông đâm ra say mê đề tài lịch sử?

- Tôi vốn mê sử từ nhỏ, mê lắm. Nói như nhà thơ Nga Exenhin, “nếu không thành nhà thơ tôi đã thành trộm cướp”, nếu không viết văn có lẽ tôi đã là người nghiên cứu sử. Nhưng đọc sử để viết tiểu thuyết rất khác với đọc sử để dạy sử hay viết sách sử. Tôi luôn bị mê hoặc bởi những yếu tố tiểu thuyết trong sử nước nhà và chăm chút nhập tâm ghi nhớ chúng. Nếu nói lịch sử chỉ là cái đinh để nhà văn treo cái áo của anh ta lên thì theo tôi, cái đinh ấy phải là cái đinh thực, có cùng niên đại với bối cảnh cuốn tiểu thuyết. Cái gì của tiểu thuyết là tiểu thuyết còn cái gì của lịch sử thì phải trả lại cho lịch sử, không được nhập nhằng, lẫn lộn. Vì thế phải đọc khá nhiều, phải tự vẽ ra những bản đồ quân sự, vào cả Google Earth để hình dung địa thế vùng Xương Giang v.v. Ít nhất cũng phải đọc nhiều hơn một cậu học sinh trung học. Nhân đây tôi xin cám ơn các nhà sử học, đặc biệt là GS Phan Huy Lê, đã dày công sưu tầm, nghiên cứu, viết sách về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nếu không có họ thì chưa chắc tôi đã có đủ can đảm bắt tay vào viết Hội thề. Tôi cũng cám ơn đạo diễn Hải Ninh, người đã khích lệ tôi rất nhiều với đề tài đầy khó khăn này.

* Ông bắt đầu viết Hội thề bằng tiểu thuyết, nhưng rồi kịch bản phim lại hoàn thành trước. Ông có bớt hào hứng không khi mà đã biết trước tất cả những gì mình muốn viết?

- Có thể hồi hộp chờ kết thúc bất ngờ với một cuốn tiểu thuyết về đề tài hiện đại, nhưng chẳng ai hy vọng có cái bất ngờ lớn với tiểu thuyết lịch sử. Lịch sử là tất cả những gì đã qua, đã thuộc về quá khứ, không thể nào thay đổi được. Tôi có hai tấm vải giống nhau như đúc và tôi cắt thành hai cái áo, một cái sơ mi (kịch bản) một cái áo cánh (tiểu thuyết). Tôi làm cả hai một cách hào hứng như nhau.

* Kịch bản phim Hội thề đã được công nhận giá trị bằng giải thưởng nhưng lại chưa đến được với công chúng, với việc ra mắt cuốn tiểu thuyết Hội thề, ông có kỳ vọng gì không?
 
- Tôi chỉ mong có nhiều người đọc, có nhiều phản hồi, khen hay chê đều quý. “Người lính già đầu bạc - Kể lại chuyện nguyên phong”. Nghĩ mình vẫn còn được kể lại chuyện xưa, “đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Con bế con bồng con dắt con mang”, triều vua gìn giữ được 365 năm hòa bình, ổn định bờ cõi, tôi cũng thấy tự hào.
 
* Nghe lại chuyện xưa, quả có nhiều điều để suy ngẫm...
 
- Vậy chị nghĩ người ta nói lại chuyện xưa để làm gì? Để buôn dưa lê sao?

* Là người nghĩ nhiều, viết nhiều, làm nhiều, cũng trải qua nhiều thăng trầm, khốn khó cuộc đời... điều trăn trở nhất của ông là gì?

- Tôi chỉ muốn giới hạn những trăn trở với cuốn tiểu thuyết này thôi. Mời độc giả đọc Hội thề và sẽ thấy tôi trăn trở điều gì. Mẹ tôi người họ Lê từ Lam Sơn, cháu đời thứ 23 nếu tính từ cụ tổ Lê Hối tức là ông nội vị anh hùng dân tộc Lê Lợi. Trong lịch sử nước ta chưa có triều vua nào giành lại độc lập, tự chủ cho dân tộc sau một cuộc khởi nghĩa mẫu mực về mọi mặt, chiến thắng thật trọn vẹn và biết kết thúc chiến tranh bằng một cuộc hội thề mưu lược “xưa nay chưa từng có”(Lê Quý Đôn), mở đầu nền hòa bình lâu dài nhất trong lịch sử Đại Việt. Triều vua ấy cũng không thiếu bi kịch và cho đến nay, đã 600 năm trôi qua, chúng ta có quyền nghĩ, giá như Trần Nguyên Hãn không phải nhảy xuống sông Lô tuẫn tiết và cái đầu chan chứa tình yêu nước yêu dân của Ức Trai không rời khỏi cổ cùng ba họ dưới lưỡi gươm oan nghiệt. Thực ra máu và nước mắt ở Lệ Chi Viên đã bắt đầu từ một buổi sáng cũng oan nghiệt không kém của hoàng hậu Ngọc Trần bên bờ sông Phố trên đất Đỗ Gia. Giá như những bi kịch ấy đã không xảy ra..., dù chẳng bao giờ nên nói “giá như” với lịch sử!

* Xin cảm ơn ông.

Nguyễn Quỳnh Trang (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm