"Phạm Tiến Duật đưa tôi đến với thơ!"

28/02/2009 15:47 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện - Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary, bà chủ khách sạn Frield, nguyên mẫu của bài thơ Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng của Phạm Tiến Duật vừa trở về VN và ra mắt tập thơ thứ 2 mang tên Khoảnh khắc (NXB Hội Nhà văn) trước sự ngỡ ngàng của bạn bè... Phan Bích Thiện trò chuyện cùng TT&VH.

* Cơ duyên gì mà một cô tiến sĩ kinh tế lại đến với thơ vậy?

Phan Bích Thiện- Chủ tịch Hội Phụ nữ VN tại Hungary
- Năm 1987, tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật lần đầu tiên ở Nga. Hồi đó, tôi còn là sinh viên và anh Duật đi trong đoàn Hội Nhà văn cùng các anh Đỗ Chu, Diệp Minh Tuyền... Tôi đến lấy quà của gia đình nhờ anh Đỗ Chu cầm sang. Tôi có đưa quyển sổ thơ của mình và nhờ các anh chép cho tôi vài bài. Hôm sau nhận lại quyển sổ thơ, tôi mở ra thấy bài thơ: Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng. Anh Duật nói: “Bài này anh viết cho em, là của em. Em sử dụng thế nào là quyền của em. Mà em muốn đăng cũng được, em lấy tên em đi, đừng bao giờ ghi tên anh”. Cùng với bài thơ này anh Duật động viên tôi nên làm thơ như anh nói: “Em viết đi và em thấy em sẽ viết được mà”. Sau khi anh Duật mất tôi đã quyết định trả lại đúng tên tác giả cho bài thơ đó. Báo chí viết về chuyện này và đăng tải lại bài thơ với bút tích của anh Duật thì tôi trở thành “người đàn bà áo đỏ” của Phạm Tiến Duật... Mặc dù là dân học tự nhiên nhưng tôi yêu thơ từ hồi đi học. Bố tôi cũng là dân viết lách, cụ viết sử, nên tôi được sớm tiếp xúc với chữ nghĩa và sách vở. Nhưng đúng là những lời động viên của anh Duật đã giúp tôi có thêm sự tự tin và bắt đầu viết thường xuyên hơn. Từ khi gặp anh Duật thơ đã trở thành người bạn đồng hành của tôi.

* Người đưa chị vào thế giới thơ ca là một nhà thơ cách mạng lớn của VN . Vậy thơ Phạm Tiến Duật có ảnh hưởng gì tới hồn thơ của chị?
 
- Tất nhiên là có. Lần đầu tiên gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật ở Nga tôi đã sững một chút vì không nghĩ mình lại được gặp tác giả của Gửi em cô thanh niên xung phong, Lính mà em mà sinh viên chúng tôi đứa nào cũng thuộc lòng. Phạm Tiến Duật là người rất dễ gần, chỉ sau một lúc trò chuyện tôi có cảm tưởng đã quen anh lâu rồi. Mùa hè 2004, tôi về VN và đến thăm anh Duật sau 17 năm từ mùa thu Nga năm ấy. Tôi mang tới cho anh những bài thơ tôi viết và anh bảo rằng: "Thơ em in thành sách được đấy”. Tôi chưa bao giờ nghĩ thơ mình sẽ có thể in thành sách. Và tập thơ đầu tiên của tôi Tình yêu không đáy đã ra đời cũng là nhờ sự khuyến khích của anh. Lần cuối tôi về thăm anh thì anh không nói được nữa... Rồi số phận đã không chỉ cướp đi một nhà thơ lớn mà còn mang đi vĩnh viễn người đã đưa tôi vào thế giới thơ. Năm 2008, tôi đã làm bài thơ Áo đỏ chơi vơi kính viếng hương hồn anh. Bài thơ cũng được in trong tập thơ vừa ra mắt này: Lại một mùa đông tuyết trắng anh ơi/Em vẫn thủy chung với màu áo đỏ/Màu của lửa trong thơ anh đó/Rực cháy theo suốt dọc thời gian/Quanh em ngập tuyết trắng phủ tràn/Nỗi lạnh xuyên nhói tim đau buốt/Bởi hôm nay mình chân em bước/Áo đỏ chơi vơi giữa chiều đông...

* Ban đầu thơ của chị và bài Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng được bạn bè đón nhận như thế nào?

- Bài thơ đầu tiên tôi viết ở nước Nga. Thiên nhiên nước Nga rất tuyệt vời, mùa đông ra mùa đông, mùa thu ra mùa thu nên tạo cho tôi nhiều cảm xúc. Những bài thơ của tôi nhiều lên và tôi bắt đầu đưa bạn bè đọc và nhận được nhiều lời đồng cảm. Nhưng cứ mỗi lần tuyết rơi tôi lại nhớ đến bài thơ Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng của anh Duật. Khi tôi quyết định sẽ chia sẻ bài thơ này với mọi người và được khen: “Bài này rất đặc biệt”. Và đi đâu, mọi người đều nhìn tôi cười: "Chào áo đỏ". Sau tập thơ Tình yêu không đáy (NXB Văn học, quý IV-2004), tôi vẫn tiếp tục viết, chỉ tiếc là không có được nhiều thời gian. Đối với tôi viết không chỉ là đam mê mà còn giúp mình giữ cân bằng để tâm hồn khỏi bị chai sạn trong cuộc sống thương trường. Càng viết, tôi càng nhìn nhận thường xuyên hơn về đoạn đời mình đã sống. Tôi càng hiểu rõ hơn là cảm hứng cuộc sống được tạo ra từ những niềm vui hay nỗi buồn nho nhỏ, hay đúng hơn từ những khoảnh khắc. Đã có lần tôi viết “Phải chăng cuộc sống cũng từ những khoảnh khắc, tình yêu cũng là những khoảnh khắc”. Đó cũng là lý do khiến cho “khoảnh khắc” được ra đời. Nếu nói Tình yêu không đáy là những cảm nhận và suy nghĩ, thì Khoảnh khắc là những dòng nhật ký ghi lại những tâm sự, có lúc về những điều rất nhỏ như chỉ Một cái nhìn, hay phút Chia tay. Bởi vì khi qua nhiều trải nghiệm chúng ta nhận thức được rằng những phạm trù lớn lao đều được xây dựng từ những điều rất nhỏ bé và cụ thể...
 
Bài thơ Áo đỏ em đi trong chiều tuyết trắng và
bút tích của Phạm Tiến Duật

* Nhưng tại sao chị không ra mắt thơ của mình ở Hunggary hay Nga mà lại ra mắt ở VN?

- Vì cả 2 tập thơ này đều là những dòng tâm sự, tiếng lòng của tôi trong những năm tháng sống nơi xa xứ. Đó chính là những điều mình muốn gửi gắm với người thân và bạn bè, với Hà Nội, quê hương. Không chỉ riêng tôi mà những người sống xa quê thường có rất nhiều tâm trạng của nhớ nhung, khao khát về quê hương. Chỉ có điều, mỗi người thường thể hiện nỗi nhớ theo cách riêng của mình. Với tôi, thì đúng là gửi gắm những nỗi niềm đó vào thơ. Khi Tết đến, nhìn tuyết rơi, nhớ mùa hè Hà Nội thì những cảm xúc, những câu chữ tự nhiên ùa tới và những bài thơ được ra đời.

* Chị sang Hunggary từ bao giờ? Hơn 20 năm định cư nơi xứ người, nhớ về VN chị nhớ nhất điều gì?

- Tôi sinh ra, lớn lên bên bờ hồ Tây, và nỗi nhớ khắc sâu trong tôi là Hồ Tây với những đàn sâm cầm xà xuống hồ ngày xưa, chỉ tiếc là bây giờ không còn nữa. Năm 1986, tôi rời VN sang Nga học đại học, làm luận án tiến sỹ, lấy chồng bắt đầu khởi nghiệp ở Nga. Chồng tôi cũng là doanh nhân, anh là chủ công ty làm về xây dựng và bất động sản. Rất tiếc là anh ấy không làm thơ, nhưng có lẽ cũng có phần hay vì cả hai đều làm thơ thì chắc khó mà cân bằng. Đến năm 1998 vợ chồng tôi mới sang Hunggary buôn nước mắm. Những đồng tiền đầu tiên tôi kiếm được cũng là do buôn nước mắm! Sau đó, vợ chồng tôi mua được một tòa lâu đài cổ ở đây và sửa sang lại thành khách sạn Fried. Bây giờ tôi làm chủ và quản lý khách sạn này. Nội thất và trang trí được tôi sử dụng những đồ gỗ chạm trổ từ VN. Tôi vui vì ngoài mục đích kinh doanh mình còn quảng bá được một nét văn hóa Việt cho người Hung.

Hoài Thương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm