Tiểu thuyết hậu hiện đại viết theo phong cách văng mạng!

13/02/2009 10:38 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Nhà văn văn Nguyễn Đình Chính, con trai thứ hai của Nguyễn Đình Thi, sau tuyên bố Đêm Thánh nhân là cuốn tiểu thuyết oách nhất của tôi, vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết Online… balô. Trên bìa có chú thích đây là cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông:

* Mở đầu tiểu thuyết, đã là một lời có vẻ hơi ngông, hay đấy chỉ là một lời… thú nhận: “Tôi cần ép mình vào cuộc chạy ma-ra-tông để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình”?

- Công việc của một người viết tiểu thuyết giống như một người bơi ngược dòng, giống như một người chạy ma-ra-tông. Chỉ cần anh dừng lại thôi là bị loại khỏi cuộc chơi tức thì. Tôi viết: Tôi cần phải ép mình…là tôi nói thật lòng vì, sau khi viết xong Đêm Thánh nhân tôi chán viết tiểu thuyết kinh khủng. Để tự đánh bóng lại tên tuổi nhà văn của mình là một cách nói bông phèng tự chế giễu mình mà thôi.
 
Nhà văn Nguyễn Đình Chính

* Trong truyện có nhiều đoạn nóng bỏng, ông có ngại gia đình mình, và nhất là các con mình đọc không?

- Với vợ tôi thì tôi không ngại vì lấy nhau 25 năm rồi chúng tôi đã “sex” với nhau 25 năm rồi. Vả lại vợ tôi không thuộc “típ” ghen vặt vãnh và ghen vớ vẩn. Còn đối với các con tôi thì, tôi lại càng không ngại vì khi các cháu bước vào tuổi 18, tôi đã nghiêm chỉnh giảng giải về sex cho các con tôi hiểu, vì tôi nghĩ đó là trách nhiệm của cha mẹ đối với các con khi chúng khôn lớn.

* Nhưng ông cũng thuộc “típ” người đa tình?

- Nếu tôi thuộc “típ” người đa tình thì tuyệt vời, hay nói như nhà thơ Hữu Thỉnh thì trên cả tuyệt vời. Nhưng tôi e rằng tôi là một người có trái tim lạnh.

* Nhân vật tên Zê, điều này gợi điều gì?

Online…balô – Tiểu thuyết “hậu hiện đại
- Thú thật là tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại gọi nhân vật tôi trong Online balô là Zê, và lại tống gã ta vào trong cái ngoặc đơn. Có thể nói đó là một sáng tạo hết sức vớ vẩn nhưng lại không vớ vẩn một chút nào mà tôi cũng không thể giải mã được bởi vì hình như nó có một bí ẩn nào đó. Lạy trời luôn có được những bí ẩn vớ vẩn như thế trong công việc viết văn của tôi.

* Ông có cảm thấy chính mình trong nhân vật Zê không?

- Tôi rất muốn trong mắt các bạn gã Zê trong ngoặc đơn đó chính là tôi. Ước gì tôi được như gã Zê. Kể cũng buồn cười, cho tận tới hôm nay cũng có nhiều bạn đọc khi gặp tôi cứ tủm tỉm nhìn tôi rồi chào: Xin chào ông Trương Vĩnh Cần (nhân vật trong tiểu thuyết Đêm Thánh nhân). Có lẽ họ tin rằng tôi là một gã liệt dương đích thực.

* Tại sao ông lại gọi đây là một cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại?

- Tôi viết Online… balô trong gần một năm ở tại khu nhà vườn của tôi trên thị xã Phúc Yên. Về nghệ thuật của Online… balô được viết theo phong cách văng mạng. Tôi gọi nó là tiểu thuyết hậu hiện đại vì một nhà phê bình nghệ thuật ở Mỹ khi đọc nó trên mạng đã email cho tôi gọi Online… balô là tiểu thuyết hậu hiện đại.
* “Văng mạng” nghĩa là sao?

- Từ “văng mạng” thường dùng phụ sau động từ, tra theo tự điển Tiếng Việt do ông Hoàng Phê chủ biên có nghĩa là: Không kể gì hết, bất kể cả hậu quả ra sao. Thí dụ: Nói văng mạng, chơi bời văng mạng. Tôi viết theo cách “văng mạng” có nghĩa là mình nghĩ tới đâu, nghĩ như thế nào thì cứ viết đúng như thế. Đơn giản vậy thôi.
 
* Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi của G.G Marquez là một tình tiết xuất hiện gần như xuyên suốt Online… balô, nó là một nguồn cảm hứng?

- Tình cờ tôi có đọc tiểu thuyết Hồi ức một cô gái điếm buồn của tôi của Marquez. Tôi không thích cái thái độ của ông đối với cô gái điếm trong cuốn tiểu thuyết. Và quả thực là khi viết Online… balô thì tôi hay nghĩ tới cuốn tiểu thuyết này của Marquez… Bạn rất tinh khi nói rằng phải chăng, nó là một nguồn cảm hứng có thực của tôi khi viết Online… balô.

* Những gương mặt đàn bà trong tiểu thuyết của ông đều đẹp, hồn nhiên nhưng hình như họ không có một kết thúc hạnh phúc?

Cuốn tiểu thuyết Online… balô như một hoài niệm của nhân vật tên Zê, nhớ về các mối tình trong hiện tại và quá khứ, đụng độ giữa lãng mạn và hiện thực, của tuổi già và tuổi trẻ, của non tơ và …“cáo già”. Cuộc sống cứ tiếp diễn, và những gì trong nội tâm nhân vật Zê được quán chiếu từ chính những người con gái đi qua đời Zê; từ người bạn thương binh của Zê với khao khát được sống, được yêu, được làm chồng, làm đàn ông; từ cuốn tiểu thuyết Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (Gabriel Garcia Marquez). Giọng điệu tưng tửng, đôi khi nhấm nhẳng bất cẩn, lúc “trơ” lì nhưng khó giấu nổi sự yếu đuối và khao khát sống của một lớp người.

- Càng sống và càng yêu tôi càng thấy người phụ nữ Việt Nam thật là đẹp và cũng thật là buồn và cũng thật là bí ẩn. Họ có một happy ending không? Tôi không tìm được câu trả lời. Cho đến hôm nay tôi càng tin lời nhà thơ Xuân Quỳnh nói với tôi vào năm 1987 trên một đường phố Moskva. Chị Quỳnh nói: “Ông nên nhớ rằng phụ nữ chúng tôi là lửa, là nước, là khói. Tốt nhất là ông nên yêu họ chứ đừng gây sự và đối đầu với họ”. Sống chung với lửa với nước với khói thì thật là tuyệt vời và cũng thật là kinh khủng. Tôi mang mặc cảm đó vào sáng tác văn thơ của mình.

* Hiện tại có rất nhiều điều không vui vẻ lắm về chuyện của Nguyễn Đình Chính với cố nhà văn Nguyễn Đình Thi. Chẳng hạn chuyện ông lập ra công ty mang tên cụ, rồi những bài báo nói về cụ, người ta nói, Chính đang “tranh thủ” tên tuổi của thân phụ mình một cách khá là không… ổn?

- Không phải hiện nay mà từ lâu rồi, từ khi ông Thi còn sống, mối quan hệ giữa tôi và nhà văn Nguyễn Đình Thi luôn không ổn vì ông cụ là một nghệ sĩ lẫm liệt, ngay ngắn, còn tôi thì là một nhà văn ba lông bông. Tôi có cái may mắn là được núp, được nhờ vả tên tuổi của cụ. Tôi sẽ còn tranh thủ và tiếp tục tranh thủ tên tuổi thân phụ của tôi. Có một ông bố như Nguyễn Đình Thi cũng sướng lắm chứ. Tôi là con đẻ của cụ, con đích thực, tôi có quyền đó. Tuy nhiên nếu như tôi có làm điều gì bậy bạ thì nhờ bạn “chỉnh huấn” ngay cho. Cám ơn nhiều lắm.

* Ông hãy tự miêu tả mình bằng vài nét?

- Hình như tôi là mi (Zê) đấy. Bạn có tin không?

* Cảm ơn ông. Tôi … tin!
 
Thi Anh (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm