Bài 2: Nhớ lại hai đêm trình diễn thơ

11/02/2009 09:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Cuối tuần) - Đêm thứ nhất là buổi trình diễn thơ đầu tiên ở Hà Nội do Hội đồng Anh tổ chức tại Câu lạc bộ 51 Lý Thái Tổ, có các nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng và Robinson từ Anh sang. Đêm thứ hai do L’Espace tổ chức đặc biệt dành cho hai cha con Hoàng Hưng và Ly Hoàng Ly trong cái khán phòng đẹp mà sàn gỗ cọt kẹt ở phố Tràng Tiền.
 
 
Trong những người trình diễn ấy, Nguyễn Thúy Hằng và Ly Hoàng Ly có vẻ là hai cực đối lập rõ nét nhất. Bây giờ nhớ lại, tôi thấy tác phẩm trình diễn của Nguyễn Thúy Hằng đêm hôm đó không phải là trình diễn thơ, cũng không phải là thơ trình diễn. Còn những tác phẩm của Ly Hoàng Ly thì là các sắp đặt thơ đặc biệt, khiến cho thơ có hình hài nhìn thấy được.
 
Trình diễn thơ Ly Hoàng Ly

Nói tiết mục của Nguyễn Thúy Hằng không phải là “thơ trình diễn”, vì Hằng không ứng diễn cái gì ra thơ ngay lúc ấy, kiểu như trong tiết mục cuối cùng khi mỗi tác giả ứng tác một câu cho bài thơ chung. Nói Nguyễn Thúy Hằng không “trình diễn thơ”, vì trong tiết mục ấy không có một lời thơ nào. Những cái nhìn thấy và nghe được trong suốt màn trình diễn khá dài ấy chỉ là những động thái sân khấu bằng cả người thật lẫn video và một chút âm thanh lạo xạo. Nguyễn Thúy Hằng đi ngang qua sân khấu trong bộ áo chẽn và mái đầu cạo trọc; hai người khác cũng đi như vậy như hai cái bóng của Hằng; trường đoạn video chiếu cảnh Hằng chăm chú im lặng cạo đầu; rồi cảnh Hằng và hai cái bóng của Hằng cởi một chiếc tất vắt lên cái ghế đạo cụ... Bản thân tôi, một kẻ hay quên, mà sau hai năm vẫn còn nhớ khá rõ những gì đã thấy ở màn trình diễn ấy, chứng tỏ Nguyễn Thúy Hằng đã gây được ấn tượng rất mạnh ở người xem. Người phê bình có óc tưởng tượng có thể đi sâu bàn luận nhiều về tác phẩm ấy. Nhưng tôi tin rằng tất cả những luận bàn ấy sẽ chẳng liên quan gì đến THƠ, mặc dù đã có người bảo “trình diễn ấy của Nguyễn Thúy Hằng thấm đẫm chất thơ”. Thậm chí có người muốn coi đó là thơ hậu hiện đại. Nhưng tôi thì tin rằng “chất thơ” chưa phải là THƠ, là thứ vẫn chỉ hiện hữu trong NGÔN NGỮ mà tôi vẫn hay thích gọi là Ngôi Lời. Thơ hậu hiện đại lại càng phải là NGÔN NGỮ. Cho nên tôi thấy tiết mục ấy của Nguyễn Thúy Hằng là một tác phẩm khá độc đáo của nghệ thuật trình diễn theo nghĩa performance art, thuộc thể loại nghệ thuật thị giác - visual art.

Khác với Nguyễn Thúy Hằng, Ly Hoàng Ly làm thơ bằng lời, rồi mới trình diễn những bài thơ ấy trên sân khấu. Việc “trình diễn thơ” như thế cũng có nhiều mức độ. Giản dị nhất là Hoàng Hưng: nhà thơ tự đọc tác phẩm thơ đã sáng tác hoàn chỉnh của mình với sự phụ họa của một hoặc hai nhạc cụ và đèn sân khấu. Khác hơn thế một chút, Nguyễn Vĩnh Tiến hát những bài thơ đã làm của mình, tự đệm đàn, gõ trống, phách, hoặc có thêm nhạc công phụ họa. Ở mức sân khấu hóa cao hơn, Dạ Thảo Phương có lúc đọc thơ giấu mặt trong khi chiếu video minh họa có lời thơ hiện lên bằng tiếng ngoại quốc như những đoạn generic của điện ảnh, đến cuối màn diễn mới bước lên sân khấu để chào khán giả; có khi trình diễn như chèo sân đình, tùy từng môi trường.
 
Nhiều chất giao lưu hơn, Vi Thùy Linh bao giờ cũng lộ diện để đọc diễn cảm những bài thơ của mình bằng động tác với trang phục sân khấu riêng, lúc thì có người đệm đàn vĩ cầm, lúc thì có hình ảnh video và âm nhạc ghi âm chọn lọc, hoặc nghệ sĩ múa phụ họa. Nhiều nhục cảm hơn, Dương Tường gây ấn tượng bằng động thái sân khấu vô ngôn của chính mình và huy động bạn thơ trẻ khác giới vũ đạo hóa và ngôn khẩu hóa lời thơ của mình. Có thể coi đó là những mức độ khác nhau của trình diễn thơ, nói là từ đơn giản đến phức tạp cũng được, mà nói khác nhau tùy tạng của từng tác giả thì có lẽ đúng hơn. Cách nào cũng cho thấy người trình diễn đã rất có ý thức về khán giả và đều có những phương pháp riêng nhằm truyền đạt có ấn tượng nhất những lời thơ của mình. Nhưng tại sao Ly Hoàng Ly vẫn là người để lại ấn tượng dễ chịu nhất trong tôi về trình diễn thơ?
Để xem tôi còn nhớ những gì từ buổi trình diễn ở L’Espace của Ly Hoàng Ly: một người nữ nhỏ nhắn màu trắng đứng giang tay giữa sóng nước hoặc mây gió cũng màu trắng đang dữ dội tràn qua mình; một người nữ không có tuổi trang phục cổ xưa ngồi im lặng giữa một căn phòng; người nữ ấy ngã xuống giữa những mảnh vụn; người nữ ấy ngã lộn vào một chiếc ghế, như đã bị biến thành chiếc ghế đó, có vẻ thế... Tất cả những cái đó đều diễn ra với lời thơ có âm lượng và chất lượng sân khấu chuyên nghiệp. Vậy cái gì đã khiến những trình diễn ấy đọng lại trong tôi với một xúc cảm mà tôi cho là hợp với mình hơn và do đó mà có cảm giác sâu đậm hơn? Có lẽ là do hai yếu tố: kỹ thuật trình diễn và thái độ đối với trình diễn thơ. Với cơ bản của một người học vẽ, và với lối thơ muốn cô đọng chắt lọc chứ không trần thuật, Ly Hoàng Ly xây dựng những trình diễn của mình rất kỹ lưỡng với ý thức thiết kế sân khấu và những chọn lọc khá tinh tế về trang phục, phông màn và đạo cụ.
 
Tâm thế hội họa khiến cho Ly tìm đến những cảnh trí tĩnh với những hòa sắc tiết chế chứ không theo hướng âm thanh và vũ đạo rầm rộ như phần lớn các nhà thơ khác. Ly có tự đọc thơ của mình, nhưng tại sao tôi chỉ nhớ như thể phần lớn thời gian Ly chỉ đứng hoặc ngồi im lặng, với vẻ mặt hầu như không biểu lộ gì, gần như mặt nạ Noh. Cái tác dụng rất hay của thái độ này, theo như cảm nhận của tôi, là khiến cho người xem có cảm giác được giao tiếp với những vần thơ chứ không phải đang xem tác giả trình diễn. Nó tạo một ấn tượng tinh tế ngay lúc ấy mà cho đến nay tôi mới có thể lý giải được đôi chút: có lẽ đây là người có ý thức coi mỗi tiết mục trình diễn thơ là một tác phẩm sân khấu nghệ thuật, để thơ có một đời sống phong phú hơn, chứ không phải là một dịp để nhà thơ ra mắt công chúng với mục đích lễ hội vui vẻ. Và chất hội họa đã khiến Ly Hoàng Ly trình bày thơ như các xếp đặt thị giác khăng khít với Ngôi Lời của thơ.

Lạ một điều: mặc dù tất cả những ấn tượng sâu đậm và tốt đẹp ấy của tôi về buổi trình diễn thơ của Ly Hoàng Ly, giờ đây tôi vẫn thấy mình không thể nhớ lại được một câu thơ nào đã được trình diễn đêm hôm đó. Nhẽ ra tôi phải có những bài thơ ấy bằng giấy trắng mực đen, phải một mình đọc chúng mỗi khi nhớ đến, dần dà rồi chúng mới sinh động trong tâm trí tôi. Thơ đúng là chỉ sống ở Ngôi Lời. Với những buổi trình diễn thơ khác mà tôi đã xem cũng vậy. Quả thực tôi chỉ nhớ câu “Thả đỉa ba ba chớ bắt đàn bà”, mà câu đồng dao ấy thì tôi đã thuộc từ hồi nhỏ chứ cũng không phải của Dương Tường. Thì ra, tôi chỉ nhớ được những gì mình nhìn thấy ở các tiết mục trình diễn thơ, mà phần lớn là điệu bộ của người trình diễn. Ô, nếu như vậy thì những trình diễn ấy có thực sự là nỗ lực phụng sự THƠ?

Viết đến đây, tôi bỗng hiểu ra tại sao mặc dù trình diễn thơ và thơ trình diễn đang khá phổ biến ở Mỹ, nó vẫn không được coi là một hình thức văn học hoặc thơ ca chính thống, không có trong danh sách các hoạt động nghệ thuật được phép xin tài trợ của National Endownment of the Arts (NEA), một cơ quan độc lập của chính phủ liên bang lo việc hỗ trợ phát triển văn học nghệ thuật của quốc gia. Để nuôi dưỡng và phát triển thơ, NEA không nghĩ đến “lễ hội hóa thơ” hoặc cổ vũ trình diễn thơ như ở ta, mà làm nhiều việc cụ thể có chiều sâu hơn, như một chương trình gọi là Poetry Out Loud - Thơ Lên Tiếng, có mục đích giáo dục khích lệ việc tìm hiểu và thưởng thức di sản thơ thông qua việc cung cấp tài liệu giảng dạy, gồm có một tuyển tập thơ, và tổ chức thi đọc các bài thơ trong tuyển tập ấy tại các trường phổ thông trung học. Cuộc thi ấy tiến hành từ địa phương lên toàn quốc, chung kết tại thủ đô Washington D.C. Thơ Lên Tiếng giúp thế hệ trẻ hiểu biết và trân trọng thơ, đồng thời rèn luyện cả kỹ năng ăn nói trước công chúng và bản lĩnh tự tin. Có vẻ là người Mỹ lo cho thơ thật sự, vì thấy thơ có tác dụng tạo dựng nhân cách cho công dân họ, nên mới có tước vị Thi Khôi của quốc gia, và lễ nhậm chức của Tổng thống mới có Thi Khôi lên đọc thơ. Nhưng đó là chuyện khác mất rồi...  

Trịnh Lữ (viết tại Cambridge)
 
Bài 3: Trình diễn thơ: Một kiểu giết thơ?
 
 

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm