Người viết tiểu thuyết về con trâu đầu tiên của Việt Nam

25/01/2009 15:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Trần Tiêu (1899-1954), sinh tại Hải Dương và mất tại Hà Nội vào tuổi 55, là nhà văn độc đáo của Tự lực văn đoàn thời nửa đầu thế kỷ 20, và là người có vinh dự viết cuốn tiểu thuyết nông thôn đầu tiên của Việt Nam - tiểu thuyết Con trâu (Đăng trên báo Ngày nay từ số 140 ra ngày 10/12/1938, sau đó in thành sách, NXB Đời nay, năm 1940).

“Nơi sinh” của Con trâu

Nhà văn Trần Tiêu
Tiểu thuyết Con trâu kể về cuộc đời vất vả của người nông dân (bác Chính) với mơ ước khá giản đơn nhưng khó thực hiện được: đủ ăn đủ mặc. Khác với chất lý tưởng của Hoàng Đạo trong Con đường sáng, chất mơ mộng của Thạch Lam trong các truyện ngắn, Trần Tiêu đi thẳng vào thực tế đời sống với tất cả các góc cạnh của nó, với tâm thế của một người con nơi làng quê; bày ra những hủ tục và lề thói bảo thủ, gò bó chân tay của người dân quê.

“Cha tôi chỉ viết về quê mình. Những nhân vật trong truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn của ông đều lấy nguyên mẫu ở quê nhà rồi gọi chệch là làng Cầm. Những người ở làng Cổ Am sống xa quê hương đọc truyện ông đều có thể nhận ra ngay nhân vật mà ông miêu tả, dù đã đổi tên, là những ai ở trong làng. Ông sống hàng ngày với nhân vật của mình, yêu mến họ. Và không phải chỉ người mà cảnh vật xung quanh cũng trở thành nguồn vui sống của ông” - trích bài viết Cha tôi - nhà văn Trần Tiêu của GS Trần Bảng.

Trần Tiêu sinh tại làng Úm Mạt (tức Cổ Am), huyện Vĩnh Lại (sau 1951 là Vĩnh Hảo), tỉnh Hải Dương. Làng này nổi tiếng trong lịch sử bắt đầu từ triều Trần, khi đất Úm Mạt được phong cho một công chúa. Đây là vùng rừng ngập mặn, đồng chua nên ruộng lúa không được phát triển. Tuy nhiên, nó lại là vùng đất bưng biền, có tính cách chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Sau hơn 700 năm và hơn 20 thế hệ, Cổ Am vẫn lẫy lừng bậc nhất trong nước về truyền thống thượng võ và chống ngoại xâm. Có rất nhiều tư liệu minh chứng về điều này.
 
Con trâu trên báo Ngày nay

Cổ Am cũng là nơi phân công trách nhiệm nam nữ rất tiêu biểu cho xã hội Việt Nam truyền thống: trai thì học hành và đánh giặc; gái thì canh cửi và đảm đương việc gia đình. Mối quan hệ tinh tế và sâu đậm giữa địa linh nhân kiệt và hình sông thế núi cùng cây cỏ chim muông tạo nên một môi trường sinh thái màu nhiệm và tròn trịa. Bản thân gia thế của Trần Tiêu (cả bên vợ) cũng ở trong một truyền thống rất ưu tú, kết hợp được cả Nho học, Phật học và Tây học. Nên khi viết Con trâu và các tác phẩm khác, ông đã thể hiện được các nét đặc trưng của các truyền thống này.

Đầu thập niên 1930, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng; phong trào Mặt trận Bình dân đã mở màn cho khuynh hướng tả thực và xã hội trong văn học, với các ngòi bút khá tiêu biểu như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư và Trân Tiêu. Con trâu được “khai sinh” ở làng Cổ Am và kể về chuyện của làng Cổ Am, nhưng có tính cách biểu tượng chung. Đây cũng là tiểu thuyết đầu tiên viết về con trâu.

Con trâu - tác phẩm độc đáo

 Bìa sách Trần Tiêu
Độc đáo vì Trần Tiêu là người duy nhất của Tự lực văn đoàn gồm những trí thức văn nghệ sĩ Tây học và trung lưu thành thị lại sống gắn bó với nhà quê và tự đảm nhận việc miêu tả trực tiếp và tỉ mỉ đời sống ở nông thôn. Ngoài Con trâu, tất cả những truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài của Trần Tiêu đều có giá trị rất cao vì những mô tả chân thực về nông thôn Việt Nam, có thể trở thành tư liệu “thực tế” cho các thế hệ sau. Những tác phẩm khác của ông về đề tài này, có thể kể như Chồng con (tiểu thuyết, 1941), Sau lũy tre (tập truyện vừa, 1942), Truyện quê (tập truyện ngắn, 1942)… Ngay từ những truyện ngắn đầu tiên, người đọc đã thấy tác giả này có bút pháp khá gọn gẽ, dễ hiểu, loại bỏ những cấu trúc và từ ngữ cổ điển, như từng phổ biến trong tạp chí Nam phong.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Nếu muốn tìm những việc oái oăm, những cơ mưu lắt léo trong Con trâu người ta sẽ không bao giờ thấy cả. Ở tập truyện này chỉ diễn ra rặt những việc rất thường trong lũy tre xanh, những việc hàng ngày của dân quê Việt Nam”. Còn nhà văn Kim Lân thì cho rằng: “Tác giả này khai thác những nét bình dị, chân thật của nông thôn, không thi vị hóa, cũng không nặng về trần tục. Tôi rất thích tác phẩm Con trâu của Trần Tiêu. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Xoay quanh chuyện con trâu thực chất là chuyện con người”.

Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) quê Đại Lộc, Quảng Nam cũng có viết một tiểu thuyết cùng tên Con trâu vào năm 1952. Đúng một vòng của 12 con giáp, từ con trâu của năm Canh Thìn đến Nhâm Thìn.

Nguyễn Tiến Văn
 


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm