Phan Khôi - Hai thái cực trong tính cách

16/01/2009 11:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Cho đến nay, chúng ta có thể biết nhiều về sự nghiệp trứ thuật của Phan Khôi, nhưng ít ai biết ông trong cuộc sống đời thường với tư cách một người cha. Những mẩu hồi ức đời thường của người con trai thứ của ông - ông Phan Trản (nguyên giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM) - sẽ giúp bạn đọc biết thêm vài khía cạnh của một chân dung đã lùi xa vào quá khứ, nhưng di sản của chân dung đó vẫn đang đồng hành cùng chúng ta.

Dạy viết chữ Nho trên lá chuối…

Phan Khôi - bức chân dung cuối cùng (chụp năm 1958) 
Cha tôi có hai bà vợ, tôi là con út của bà vợ thứ nhất của cha tôi. Không hiểu do đâu mà chúng tôi gọi cha bằng Thầy, gọi mẹ bằng Mạ. Vào năm tôi tám, chín tuổi gì đó, tôi thấy Thầy tôi ở nhà (làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) lâu lâu, không đi như trước nữa. Sau này mới hiểu đó là lúc đại chiến thế giới lần thứ hai đã nổ ra, tình hình các thành phố nơi Thầy tôi làm báo rất bất ổn, nên ông lui về nhà tạm nghỉ. Quãng thời gian đó, theo chị tôi là từ đầu năm 1941 đến cuối năm 1946.

Việc đầu tiên khi về nhà là Thầy tôi cho sửa sang lại ngôi nhà ba gian hai chái của ông nội tôi để lại, mở thêm nhiều cửa sổ cho thông thoáng, dành một phần nhà làm thư viện với những kệ sách nhiều tầng… Vùng tôi rất nhiều mối, phải thường xuyên diệt mối và năm nào cũng phải đem sách ra phơi nắng, nhưng lần phơi nào cũng thấy mối, mối không xông cuốn này thì xông cuốn khác. Thầy sai các anh chị tôi khuân sách ra phơi. Thầy tôi đội nón, ngồi ở sân lau bụi từng cuốn sách, nhưng ông hay dừng lại đọc cái gì đó trong cuốn sách, mải đọc đến quên cả trời nắng chang chang và quên cả công việc đang làm.

Những năm Thầy tôi ở nhà, ngoài việc viết lách và đọc sách, ông dành thời gian dạy chữ Nho cho các chị tôi. Hai chị gần tôi nhất đã thôi đi học ở trường, nhưng vốn sáng dạ nên tiếp thu khá tốt. Sách dạy chữ thì ngoài Tam tự kinh, Thầy tôi còn nhiều quyển khác, nhưng đến nay tôi không còn nhớ. Ban đầu ông chưa cho các chị viết trên giấy mà bắt phải viết trên lá chuối tươi cắt trong vườn. Ông dạy cả những bài dài như Tỳ Bà hành, kèm theo bản dịch, mà cho đến tận bây giờ, một bà chị của tôi vẫn còn nhớ và đọc thuộc lòng được. Có lần ông dạy các chị chuyện Tái ông thất mã và tôi được các chị dịch ra cho nghe. Vì hồi đó tôi đang học tiểu học nên Thầy tôi không bắt tôi học chữ Nho, nhưng có nhiều chuyện tôi nghe lỏm qua các chị tôi, một số trong đó sau này tôi đọc trong Cổ học tinh hoa.

Khách văn chương

Làng tôi bốn bề sông nước bao quanh, không thuận tiện cho việc đi lại với bên ngoài, nhưng hồi đó buôn bán vẫn phát đạt lắm. Biết Thầy tôi đang ở nhà, các bạn làng văn, làng báo hay đi lại thăm viếng ông. Gần thì có ông Nguyễn Bá Trác, thường gọi là ông Thượng Trác, ông Phan Bá Lân, ông Hoàng Phê mà chúng tôi gọi bằng chú, vì chú là cháu nội cụ Hoàng Diệu, còn Thầy tôi là cháu ngoại.

Ông Phan Trản (trái) - tác giả bài viết - cùng em trai tại quê hương (làng Bảo An) 

Với Thầy tôi, ông Thượng Trác hay bàn chuyện văn chương, ông Phan Bá Lân hay nói về thời thế, còn chú Hoàng Phê thì xin học thêm chữ Nho. Cũng có lúc tôi thấy các ông to tiếng với nhau, nhất là Thầy tôi vốn dĩ nóng tính.

Khách ở xa đến cũng có nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là ông Nguyễn Tuân và ông Thế Lữ. Chuyện văn chương của các ông thường khó mà dứt được, nói bằng tiếng ta chưa đã, các ông còn dùng cả tiếng Tàu, tiếng Tây. Đến khuya thì bao giờ các ông, cả chủ lẫn khách, cũng được Mạ tôi đãi một mâm cháo gà hoặc cháo vịt. Sau các ông này, đến các văn nghệ sĩ trẻ hơn, như thi sĩ Nguyễn Văn Hạnh, họa sĩ Văn Giáo, họa sĩ Văn Song và nhiều người nữa cũng ghé thăm, tôi không nhớ hết. Họa sĩ Văn Song ở lại chơi lâu nhất. Thầy tôi đối xử với những ông bạn vong niên này bình đẳng như người bằng vai phải lứa, chỉ riêng họa sĩ Văn Song hơi khác tính nên có lúc bị Thầy tôi la rầy.

Tính cách một nhà nho

Thầy tôi đối đãi với văn nghệ sĩ bạn bè rất phóng khoáng, ai đến chơi muốn lưu lại bao lâu cũng được, mà đã muốn ra đi thì ông không nài ép ở lại. Thế nhưng với người nhà thì ông rất khe khắt, chú ý từng ly từng tý lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ. Có lần các chị tôi vui cười với nhau, Thầy tôi hỏi cười cái gì, thì các chị tôi lại trả lời là không có gì. Thế là các chị bị mắng cho một trận, Thầy tôi nói rằng đã cười là phải có lý do mới cười được, nếu không có gì mà cười thì là đồ con gái vô duyên.

Phan Khôi sinh ngày 6/10/1887 tại làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông qua đời tại Hà Nội ngày 16/1/1959 (8/12/ năm Mậu Tuất), thọ 73 tuổi. Các nhà nghiên cứu cho rằng: ông thuộc số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hóa cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng khác với họ, ông thể hiện mình ở vai trò phản biện, và sự phản biện đó đem lại chiều sâu mới cho tri thức.
Với khách, nhất là khách quen, có khi cũng bị ông phê bình thẳng tay, những lúc đó Mạ tôi và cả nhà rất áy náy. Có lần, một ông khách đến nhà, Thầy tôi mời ngồi. Ông này có thói quen đợi mời lần nữa, rủi thay đã không được mời lần nữa, mà còn bị Thầy tôi không bằng lòng, sẵng giọng: “Tui mời ngồi thì ông cứ ngồi, sao lại cứ đứng vậy?”. Ông khách bẽ lắm, trông thật tội.

Trong bữa cơm ông không thích ai gõ đũa vào chén. Ông cũng không thích ai ăn uống giữ kẽ quá và đừng để ông phải mời nhiều lần. Hàng xóm hoặc trong bà con có việc gì xích mích được ông hỏi đầu đuôi và người nào sai quấy thì thế nào cũng bị ông la rầy thẳng tay, dù người đó có thuộc vai trên. Bởi đó các ông bác họ của tôi rất ngại gặp Thầy tôi mỗi khi có việc rắc rối. Thế nhưng các cuộc hôn nhân của các anh chị tôi thì ông lại không can thiệp sâu, mà cho được tự do lựa chọn, mặc dù có thể ông chưa thật vừa lòng lắm.

Lớn lên tôi cứ suy nghĩ mãi về hai thái cực trong tính cách của Thầy tôi: một đằng là tính gia trưởng, một đằng là tính tự do, dân chủ. Cũng phải mất nhiều thời gian lắm, sau này tôi mới hiểu được rằng: ông gia trưởng bởi vì ông là nhà Nho, nhưng ông phê phán, phủ nhận thói hủ lậu và thủ cựu của Nho giáo, vì vậy tính gia trưởng nơi ông chỉ đủ để giữ nề nếp, lễ nghĩa trong nhà và chung quanh mình; hơn thế, ông lại ham học hỏi, tìm tòi nên rất sung sướng khi hiểu được cái mới, cái tân tiến trong kho tri thức của nhân loại, lập tức tiếp thu nó, bảo vệ nó, trong đó quyền tự do, dân chủ là cái ông quý nhất.

Bài 2: Như một “lão nông” 

Phan Trản

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm