Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Cảm ơn thời thơ ấu

04/01/2009 19:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - “Cơ hội tạo ra cảm hứng chỉ ngắn như một que diêm. Nhà thơ phải là người nắm bắt được khoảnh khắc lóe sáng đó, chuẩn bị đèn bấc để kéo dài thứ ánh sáng đó”- đó là tâm niệm của nhà thơ Trần Ninh Hồ, tác giả của 3 truyện rất ngắn được đưa vào SGK gồm: “Vượt bậc” (SGK lớp 2 cũ), “Tấm bản đồ lưu lạc” (SGK lớp 4 mới), “Cuộc họp của chữ viết”(SGK lớp 2).

* Tên các nhân vật đều gắn với người thật

Trần Ninh Hồ là nhà thơ cùng lứa với những nhà văn trưởng thành từ trong cuộc chiến tranh giữ nước như Đỗ Chu, Nguyễn Khoa Điềm... Ông tâm sự: “Hồi nhỏ tôi mê toán hơn văn”. Thế nhưng ngay từ khi còn bé, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã viết và có bài đăng trên các báo tỉnh, ở mục "Văn học mầm non", với những tác phẩm truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Với ông, tuổi thơ mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ông có viết một bài thơ về tuồi thơ thế này:

Nhà thơ Trần Ninh Hồ
“Lại một mùa đông nữa
Bao mùa đông đã qua
Dồn lạnh một đời lại
Đủ hóa băng nhị hà
May quá còn chút nắng
Sót từ thời ấu thơ
Cái thời đầy những nắng
Không biết lạnh bao giờ”.

(Cảm ơn thời thơ ấu)

Cái thời ấu thơ, sáng chí chóe với nhau đấy mà chiều lại vui vẻ với nhau ngay được. Nó hồn nhiên đến kỳ lạ. Và với mỗi nhà văn, có thể có hoặc không viết cho thiếu nhi nhưng những ấn tượng về tuổi thơ chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến văn chương của họ. Không những thế, sống với những trải nghiệm tuổi thơ và vui cùng trẻ nhỏ còn mang lại cho ông nhiều ý tưởng sáng tạo. Trần Ninh Hồ cho biết, ông đặt tên các nhân vật không tùy tiện. Mỗi nhân vật dường như đều là một cái tên người thật mà ông đã gặp, hay có ấn tượng trong cuộc sống. Trong các truyện ngắn của Trần Ninh Hồ những nhân vật như Nam, như Diệp, như Bích (tên các nhân vật trong truyện ngắn “Vượt bậc”)... đều là tên của những cô bé, cậu bé hàng xóm, hay những đứa trẻ ông đã chơi cùng. Thế rồi, những cái tên ấy cứ ngấm dần trong đầu, và khi viết thì cứ tự nhiên vào tác phẩm dù tác giả không cố ý tìm nguyên mẫu. Với ông: “chính những cái tên đã gợi lên cảm hứng cho tôi khi sáng tác. Nó cứ ẩn hiện trong đầu thế thôi. Như một cậu bé mình thích chơi cùng hay một cô bé mình mới gặp…và mình dùng cái tên gọi ấy. Hay như nhân vật cậu bé Hoàng trong truyện ngắn “Cuộc họp của chữ viết” chính là tên của con trai nhà thơ.

* Viết cho thiếu nhi chính là sự lớn lên sau khi biết … bé lại!

Như nhà thơ Trần Ninh Hồ đã từng nói, viết văn cho thiếu nhi khó hơn mươi năm viết cho người lớn. Khi đã là người lớn viết cho trẻ con thì lại càng khó. Với Trần Ninh Hồ, để viết hay cho thiếu nhi thì yếu tố quan trọng nhất chính là sự tự nhiên. Ông nói: “Tôi nghiệm thấy làm thơ và viết cho thiếu nhi rất giống nhau, giống kiểu làm chơi ăn thật! Cơ hội tạo ra cảm hứng chỉ ngắn như một que diêm. Nhà thơ phải là người nắm bắt được khoảnh khắc lóe sáng đó, chuẩn bị đèn bấc để kéo dài thứ ánh sáng đó. Cuộc chơi nghệ thuật cũng là một quá trình nghiêm túc”…

Khi viết văn, làm thơ cho nhiều lứa tuổi, sự “phân thân” của ông đến một cách hoàn toàn tự nhiên. Cũng giống như một người biết cách ứng xử thì sẽ biết phải nói với người già ra sao, trẻ con thế nào. Khi viết cho thiếu nhi, nói chuyện với thiếu nhi thì tự nhiên mình sẽ làm mình “bé lại” như khi mình còn nhỏ. Khi mình “bằng vai phải lứa”, hòa đồng cùng với trẻ con, giọng văn sẽ bớt sự dạy dỗ nặng nề, sẽ nhiều khả năng tâm sự hơn…

 Từ trái qua phải: Trần Ninh Hồ, cùng các anh chị em Trần Hữu Loan Trần Thị Lương, Trần Ninh Quý (ảnh chụp năm 1956)

Cuộc sống dường như đang thờ ở với văn chương, trẻ con có vẻ không còn yêu văn chương nữa, nhưng cái đó chẳng thể ép được. Nếu có tình yêu thì người ta sẽ không quá vụ lợi. Nó giúp cho con người ta tránh xa những toan tính tầm thường. Theo nhà thơ Trần Ninh Hồ, với trẻ con không nên ép buộc chúng mà hãy lựa xem chúng thích gì và có năng khiếu gì để định hướng. Hãy để cho chúng có những lựa chọn hoàn toàn tự nhiên. Nếu đã yêu thương con người và lại có thiên bẩm văn chương thì dù có trở thành kỹ sư, bác sĩ hay bất kỳ một nghề nào đó, cuối cùng người ta cũng sẽ tự nhiên yêu quý văn chương mà thôi.

* Hồn nhiên và bí ẩn

Lâu nay bạn đọc biết đến Trần Ninh Hồ nhiều hơn với tư cách của một nhà thơ. Với những tập thơ ra đều đặn của ông đã cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc và chuyên nghiệp của ông. Đọc thơ Trần Ninh Hồ, thấy rõ sự sâu sắc, trải nghiệm được thể hiện dưới một hình thức vô cùng giản dị. Thơ là thế, nhưng đến với truyện ngắn viết cho thiếu nhi, vẫn là sự giản dị và tính triết lý nhưng ta lại bắt gặp ở đó một Ninh Hồ hóm hỉnh, vui tươi. Những trang văn lôi cuốn các em thiếu nhi ở chính sự chân thành, hóm hỉnh, vui tươi ấy.

Với ông, kể cả những truyện “ghê gớm” nhất cũng cần có chất hồn nhiên bởi văn học quyến rũ con người ở sự sâu sắc, hồn nhiên. Có hồn nhiên mới thấm vào lòng con người. Cái hồn nhiên tự thấm như khi lạnh người ta mặc thêm áo ấm vậy. Văn chương ngấm vào kiếp người cũng tự nhiên như nóng lạnh. Những câu thơ hay nhất là những câu thơ giản dị nhất. Những câu chuyện hấp dẫn nhất là những câu chuyện chân thành nhất.

Trong một bài viết của Ninh Hồ được chọn in trong SGK lớp 10 (bộ mới) viết về nhà thơ Huy Cận, ông có nói: Cả đời viết của tôi mấy chục năm trời tôi vẫn phải kinh ngạc tại sao con người mà mình vẫn thường gặp lại có thể viết được những câu thơ cảm nhận vũ trụ, thời gian, thiên nhiên…tuyệt vời như thế! Đó là sự bí ẩn của thi ca mà Huy Cận đã đạt được sự bí hiểm ấy.

Với nhà thơ Trần Ninh Hồ, đằng sau sự uyên bác từ những bài học trong cuộc đời, đằng sau những nỗ lực hết mình trong sáng tạo, văn chương còn mang trong nó sự bí hiểm. Bởi thế, đừng giải thích áp đặt nó bằng duy lý chủ quan này nọ mà phải nhìn nhận nó bằng một cách cảm, nghĩ riêng biệt…

Yên Khương

Kỳ sau (Chủ Nhật, 11/1) Nhà thơ Trúc Thông: Trở lại "Cao Bằng"

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm