Đức phát sóng phim về tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam

25/12/2008 15:11 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mới đây, kênh truyền hình ARTE ở Đức đã phát sóng bộ phim tài liệu về tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam với lời giới thiệu: Đây là lần đầu tiên có một đoàn làm phim phương Tây quay được toàn bộ tuyến đường sắt dài 855km này, một kỳ quan kỹ thuật của người Pháp đầu thế kỷ 20, từ hai phía biên giới Việt - Trung.

Một dự án gây kinh ngạc đầu thế kỷ 20

Các nhà làm phim cho biết kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay có một tuyến đường sắt khổ hẹp (1,00m) nối liền thành phố cảng Hải Phòng (Việt Nam) với Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Tuyến đường sắt này được xây dựng trong vòng 10 năm, từ 1901 đến 1910, dưới thời thực dân Pháp. Nhưng kể từ khi nó được đưa vào sử dụng cho tới nay, đây là lần đầu tiên có một đoàn làm phim phương Tây quay được tuyến đường sắt huyền thoại này ở chặng chạy trên lãnh thổ Trung Quốc, qua những vùng núi cao vực sâu hết sức hiểm trở.
 
Ga Hàng Cỏ ở Hà Nội vào đầu thế kỷ 20

Những vùng này thực sự không phù hợp cho việc xây dựng một tuyến đường sắt. Theo tài liệu lịch sử, ít nhất có 12.000 trong tổng số 60.000 công nhân bản địa và khoảng 80 người châu Âu đã chết trong thời gian xây dựng tuyến đường sắt, trong đó nhiều người chết vì sốt rét.Trên tuyến đường sắt dài 855km này, để vượt chênh lệch độ cao 1.900m giữa Hải Phòng và Côn Minh, các đoàn tầu phải đi qua 173 cầu và 158 đường hầm xuyên núi.

Thông qua các tư liệu phim, ảnh lịch sử hết sức có giá trị và những cuộc gặp gỡ với rất nhiều nhân vật, bộ phim đã làm sống lại câu chuyện về một tuyến đường sắt huyền thoại và giúp người xem trở lại một thời kỳ lịch sử tựa hồ như đã bị quên lãng.
 
Ảnh chụp hồi đầu thế kỷ 20: Một cầu đường sắt
dẫn vào đường hầm xuyên núi

Tập 1 của bộ phim bắt đầu từ thành phố cảng Hải Phòng, cùng với một chuyến tầu chở hành khách đi qua thủ đô Hà Nội và sau đó đi dọc sông Hồng lên Lào Cai, tỉnh ráp gianh với Trung Quốc. Tập 2 nói về tuyến đường sắt này trên đất Trung Quốc, chạy từ Hà Khẩu tới Côn Minh (dài 465km), đặc biệt là đoạn đi qua thung lũng Nam Khê, một vùng đất có địa thế hiểm trở tưởng chừng như không thể xây dựng được đường sắt.

Bên cạnh những tuyến đường sắt của thực dân Anh ở phía Nam châu Phi, tuyến Hải Phòng - Vân Nam ở Đông Á được coi là một trong những dự án đường sắt gây kinh ngạc nhất ở đầu thế kỷ thứ 20. Nó là niềm kiêu hãnh về kỹ thuật của nước Pháp thời bấy giờ.

Lưu giữ lịch sử

Cùng với việc khởi công xây tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho vào năm 1881, Việt Nam là một trong những nước có đường sắt sớm nhất ở châu Á, chỉ chậm hơn một chút so với Nhật Bản (1875). Để xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam nhằm hoàn thiện mạng lưới đường sắt ở Đông Dương, người Pháp đã ký với Trung Quốc bản Hiệp ước về đường sắt Hải Phòng, Lào Cai - Vân Nam.
 
Cảnh chụp từ xa một thế kỷ sau: Cây cầu nói trên,
cheo leo trên lưng chừng núi - Một địa hình hiểm trở,
tưởng như không thể xây dựng được đường sắt.

Tuyến đường sắt này cũng được người Trung Quốc coi là một cột mốc quan trọng trong lịch sử đường sắt nước mình. Nó là chiếc cầu nối thiết yếu giữa miền Tây Trung Quốc với Đông Nam Á và đã có những đóng góp to lớn vào giao thương Trung - Việt suốt một thế kỷ qua. Tuy nhiên do một số đoạn nằm về phía lãnh thổ Trung Quốc bị xuống cấp nặng nề, nên từ năm 2003, vì lý do an toàn, tuyến đường này chỉ còn được sử dụng vào việc vận chuyển hàng hóa.

Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch đến năm 2015 sẽ xây dựng lại chằng đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt Nam theo khổ tiêu chuẩn quốc tế (rộng 1,435m), tạo cơ sở cho việc lập một tuyến đường sắt liên Á từ Côn Minh đến Singapore. Các nhà làm phim cho rằng đến lúc đó, lịch sử 100 năm của tuyến đường sắt khổ hẹp huyền thoại Hải Phòng - Côn Minh có nguy cơ vĩnh viến bị mất dấu vết. Chính vì vậy họ làm bộ phim với hy vọng có thể lưu giữ lại một chút những hình ảnh của quá khứ.

Bộ phim 2 tập nói trên đã được phát sóng trong hai tối 22 và 23/12 vào “giờ vàng” (bắt đầu lúc 19h tối) trên kênh ARTE (viết tắt từ Association Relative À La Télévision Européenne). Đây là một kênh truyền hình Đức - Pháp nổi tiếng bởi những bộ phim tài liệu. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn người Đức Ingmar Trost.
 
Phan Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm