Cuộc chiến Gaza nhìn từ Cairo

09/01/2009 18:26 GMT+7 | Trong nước

Chị H thân mến!

Hơn chục ngày nay, thủ đô Cairo của Ai Cập, trung tâm chính trị, văn hoá của thế giới Arập, nơi chúng tôi đang sống và làm việc, lúc nào cũng bận rộn với dày đặc các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ giữa các chính khách, nhà ngoại giao, giới báo chí, và ồn ã những cuộc mít tinh, biểu tình của người lao động, sinh viên, học sinh, với vô số hình nộm những ai đó bị đốt, quốc kỳ nước nào đấy bị xé tan…

Tất cả, như chị đã biết, đều liên quan tới cuộc chiến bắt đầu từ hôm 27/12 ở dải đất Gaza của Palestine kề sát Ai Cập, nơi chỉ có hơn 360 kilômét vuông, nhưng lại có mật độ dân cư đông nhất thế giới, với hơn 1,5 triệu người; nơi vũ khí, bom đạn nhiều nhất trần gian, bình quân mỗi người có hơn một đơn vị thứ giết người ấy; là điểm đen của nền văn minh nhân loại, nơi nhìn đâu cũng chỉ là bần hàn, cơ cực, lạc hậu và tối tăm, và cuối cùng, nó là "nhà tù giam lỏng" khổng lồ nhất trên thế giới, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nói qua về hai bên tham chiến, tôi nhớ chị đã chuyển cho tôi nhiều thư của bạn đọc, muốn biết Phong trào Hồi giáo kháng chiến Hamas là ai mà mạnh thế, cứng rắn thế, dám đương đầu với quân đội Israel hùng hổ nhất Trung Đông, và luôn có tên trong số những đội quân được trang bị đến tận răng trên thế giới? Vâng, Hamas đang độ sung sức, 22 tuổi, được tách ra từ tổ chức "Anh em Hồi giáo" khét tiếng về cực đoan, bảo thủ, lúc đầu chỉ hoạt động ở Ai Cập, nhưng nay đã có mặt khắp nơi.

Hamas thề không bao giờ công nhận quyền tồn tại của Israel, nên mục tiêu tối thượng của họ là chôn vùi đến người Do Thái cuối cùng, âu cũng dễ hiểu. Trong khi đó, Israel lại không chấp nhận có bên cạnh một lực lượng lúc nào cũng nhăm nhe "chôn sống" mình, bắn hỏa tiễn vào mọi nơi chốn, khiến dân nơm nớp trong hoảng loạn. Chỉ đơn giản thế thôi cũng đủ cho những cái đầu nóng khai hỏa cuộc chiến hôm 27/12 vừa rồi, mà đâu có biết rằng sau những quyết định điên rồ ấy là 5 triệu người Palestine, 7 triệu dân Do Thái, ở mức độ khác nhau, bị trở thành những nạn nhân trực tiếp. Rộng ra là toàn vùng Trung Đông đang bị kéo vào cuộc, thế giới rối ren thêm.

Chị biết rồi, chỉ ít giờ trước khi số báo này đến tay bạn đọc, ở Dải Gaza đã có hơn 700 người Palestine chết, hơn 3.100 người bị thương, so với 10 và 110 người phía Israel; hàng trăm cơ sở kinh tế, văn hóa, tôn giáo bị phá hủy, thổi bùng lên làn sóng căm phẫn Israel đến tận xương tủy ở Palestine và thế giới Arập, Hồi giáo nói chung. Bằng chứng là trong ngày 8/1, lần đầu tiên các tay súng kháng chiến Libăng đã chia lửa với Hamas bằng hai đợt pháo kích miền bắc Israel. Để cảm nhận thêm sức nóng của lòng hận thù ấy, khi đang viết bài báo này, tôi chạy một vòng xe qua các trường Đại học Tổng hợp Cairo và Ain-Sharm, nơi nhiều sinh viên đang tụ tập nói rằng với họ biểu tình chống Israel lúc này còn quan trọng hơn cả ôn thi học kỳ. Trong khi đó, Sứ quán Israel tuy đã đặt tận trên tầng 17 của một cao ốc cạnh bờ sông Nin, song vẫn dày đặc lính an ninh, được trang bị cả súng hạng trung, họ kiên quyết không cho tôi đỗ xe dù cách đấy dễ đến vài trăm mét. Còn ở trụ sở Liên đoàn các nước Arập (AL) nằm kề sát Quảng trường Tahria (Giải phóng) nổi tiếng, một cán bộ Cục Tuyên truyền nói với tôi, đại ý hơn chục ngày qua, lúc nào chỗ này cũng như cảnh nhà đang có tang. Tôi trân trọng, chia sẻ với ông suy nghĩ và tình cảm ấy, chỉ tiếc rằng AL và 21 nước thành viên vẫn làm ít quá để ngăn chặn đổ máu ở Gaza. Chính họ cũng đều thừa nhận như thế, song than rằng biết làm sao được khi chỉ cần nhìn về 4 hướng của quả địa cầu đã hỏng hết việc rồi, đằng này lại là… 21 hướng.

Chị H. ạ, đúng hơn, AL cũng đã có những cuộc họp, có một số tuyên bố kêu gọi ngừng bắn, và cao hơn là Ai Cập đang cùng Pháp môi giới một thỏa thuận ngừng bắn, đã có thành công bước đầu, theo đó, Israel sẽ ngừng dội bom Gaza mỗi ngày ba tiếng v.v, song không vì thế mà Hamas cùng các phe phái kháng chiến khác ở Palestine, Libăng, và cả Iran lẫn một số nước Hồi giáo khác nữa, không ngừng buộc tội một vài nước Arập, trong đó có Ai Cập, Arập Xêút, v.v đồng lõa với Israel, tàn sát người Palestine trong cuộc chiến này. Bạo lực đẻ ra hận thù là thế đấy chị nhỉ. Tờ “Sharki Al-Ausat” (Trung Đông) đã rất có lý khi nói cuộc chiến này đã dội gáo nước lạnh vào tình đoàn kết Arập, khiến nó bị chia rẽ sâu sắc hơn. Nhiều chính khách ở Trung Đông còn cảnh báo rằng cuộc chiến này là dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình trong khu vực; là bắt đầu một giai đoạn mới của sự chia rẽ, phân hóa trong nội bộ Palestine và chính trường Israel; là mồi lửa, rất có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến toàn vùng, thậm chí người bi quan hơn còn sợ sẽ là cuộc chiến thế giới thứ ba; là tảng đá đầu tiên đắp nên một núi hận thù mới trong khu vực, đương nhiên sẽ kéo theo những làn sóng bạo lực mới; và cuối cùng, sẽ có không chỉ một Hamas ở bên cạnh Israel v.v. Nói như thế để thấy rằng mục tiêu “đánh sập Hamas” của Israel sẽ không bao giờ thực hiện được, vì chị biết không, Hamas là một tổ chức rất mạnh, chặt chẽ với kỷ luật sắt, chẳng khác gì Phong trào Hezbollah ở Libăng, từng làm Israel thất trận hồi 2006. Chị thấy đấy, các thủ lĩnh số một, hai của Hamas, như Sheikh Ahmed Yaseen, Abdu Al-Azeez Rantisi đã lần lượt bị Israel sát hại hồi đầu năm 2004, nhưng họ đâu có yếu đi, và nói như một người dân Palestine, rằng mọi người ở Gaza đều là Hamas, liệu Israel có đủ sức sát hại cùng lúc 1,5 triệu người? Và rằng hãy cảnh giác với những Hamas mới, mạnh hơn, chống Israel quyết liệt hơn!

Đấy là chưa kể sau Hamas còn có biết bao quốc gia, dân tộc và các dòng tôn giáo cùng chí hướng.

Quả thật, tôi không hề muốn viết những dòng "căng" như thế, nhưng đấy lại là sự thật, một sự thật đã được các nhà thông thái báo trước. Hơn bao giờ hết, lúc này các bên phải tỉnh ngộ để nhận biết sự thật ấy. Đấy mới là giải pháp tối ưu, và chỉ có như thế mới có được cuộc ngừng bắn vĩnh viễn, chứ không phải chỉ tính bằng giờ, bằng ngày như bấy lâu nay, để rồi "tất cả cùng vi phạm", và mới có những viên gạch đầu tiên để xây tháp hòa bình và an ninh ở đây.

Chị H. ạ, hôm qua, ngồi ngóng tin ở Trung tâm Báo chí Ai Cập, tôi dẫn lời dạy của Đức Phật, nói với một đồng nghiệp địa phương, đại ý nếu cứ lấy oán trả oán, thì oán hận cứ chồng lên mãi. Nghe anh “ồ nhỉ”, tôi biết anh tâm đắc lắm, và như muốn trách người vùng này sao không làm như thế…

Cairo, 8/1/2009
Phạm Phúc Phúc
(P/v TTXVN tại Trung Đông)
Theo Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm