Bộ binh Israel rầm rộ tiến vào Dải Gaza

05/01/2009 13:25 GMT+7 | Trong nước

Cuối cùng thì những tuyên bố của các quan chức cấp cao chính quyền Israel về một chiến dịch quân sự quy mô lớn trên bộ nhằm vào Dải Gaza đã trở thành sự thực.
 
 Quân bộ binh Israel tiến vào Gaza.
 
Sự kiện này trên thực tế không gây bất ngờ đối với cả những người dân sống ở vùng lãnh thổ này, cũng như cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, hành động quân sự của Ten Avíp có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường khiến cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông ngày càng trở nên xa vời.

Chiến dịch quân sự không tránh khỏi

Sau 8 ngày tiến hành các cuộc không kích vào Dải Gaza làm gần 500 người thiệt mạng và hơn 2.300 người khác bị thương, rạng sáng 4/1 (giờ Việt Nam) bộ binh Israel với sự yểm trợ của các đợt pháo kích và trực thăng đã tràn vào Dải Gaza, chính thức mở màn cho chiến dịch quân sự trên bộ được dự báo là hết sức khốc liệt vào vùng lãnh thổ này. Xe tăng và binh lính Israel ngay sau đó đã có cuộc giao tranh quyết liệt với các chiến binh Hamas gần thành phố Gaza và các thị trấn miền bắc là Beit Lahiya và Jabaliya. Phía Hamas cũng đáp trả dữ dội bằng các loạt pháo cối và rốckét. Ngoài ra, lực lượng này vẫn tiếp tục phóng hơn 30 quả rốckét sang lãnh thổ Israel như họ vẫn thực hiện trong những ngày qua. Một phát ngôn viên quân đội Israel, Thiếu tá Avital Leibovitch, cho biết "Mục tiêu chiến dịch trên bộ này là phá hủy cơ sở hạ tầng phục vụ khủng bố của Hamas". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel tuyên bố: "Chiến dịch này sẽ tiếp tục được mở rộng và tăng cường nếu cần thiết".

Các nguồn tin nước ngoài dẫn thông báo của quân đội Israel cho biết sau những giờ giao chiến đầu tiên hàng chục tay súng Palextin đã bị tiêu diệt và khoảng 30 binh lính Israel bị thương. Trong khi đó, Hamas tuyên bố đã tiêu diệt được 9 lính Israel và bắt sống 2 binh sỹ khác, tuy nhiên thông tin này ngay lập tức đã bị Ten Avíp bác bỏ. Hamas còn tuyên bố sẽ biến Gaza thành "nghĩa địa" chôn vùi binh lính Israel. Số thương dân thiệt mạng từ sau khi bộ binh Israel tràn vào Dải Gaza cũng đã lên tới gần 50 người, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Trong ngày 4/1, lực lượng bộ binh Israel đã tiến sâu hơn vào Dải Gaza và kiểm soát được tuyến đường chính Salaheddine chạy dọc thành phố Gaza theo chiều bắc - nam. Hàng chục xe tăng Israel đã đến Netzarim, khu định cư trước đây của người Do Thái, cách thành phố Gaza khoảng 3 km về phía nam. Việc bộ binh Israel tiến sát vào thành phố Gaza đã khiến hàng nghìn người tại đây phải sơ tán. Tuy nhiên, Người phát ngôn Chính phủ Israel, Ovid Yehezkel, một lần nữa tái khẳng định lập trường của Ten Avíp rằng nước này không có ý định tái chiếm đóng Dải Gaza và chiến dịch trên bộ lần này chỉ nhằm đạt được những mục tiêu mà nội các Israel đã đề ra.

Thế giới phản đối
 
Phản ứng trước những diễn biến mới nhất tại Gaza, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã yêu cầu Israel ngừng ngay chiến dịch quân sự trên bộ vào Gaza và phải làm tất cả có thể để bảo vệ thường dân, đảm bảo trợ giúp nhân đạo cho các khu vực có nhu cầu. Ông Ban Ki-moon cũng báo động rằng chiến sự leo thang chắc chắn sẽ làm gia tăng những tổn thất vốn đã nặng nề đối với thường dân.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) trong ngày 4/1 đã có phiên họp khẩn cấp, tuy nhiên sau gần 4 giờ họp kín phiên họp đã kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố về tình hình chiến sự tại Dải Gaza. Chủ tịch luân phiên HĐBA, Đại sứ Pháp tại LHQ, Jean-Maurice Ripert, cho biết các thành viên HĐBA đã không thể đồng thuận về một tuyên bố yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập Amr Mussa đã cáo buộc HĐBA LHQ "làm ngơ" trước cuộc tấn công dữ dội của Israel ở Dải Gaza và cho rằng việc chậm trễ thông qua một nghị quyết là bằng chứng cho thấy LHQ thất bại trong giải quyết cuộc xung đột này. Trung Quốc cũng bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước các cuộc không kích và tấn công trên bộ của Israel tại Dải Gaza, đồng thời hối thúc tất cả các bên chấm dứt xung đột vũ trang ngay lập tức. Về phần mình, Chính phủ Nga cho biết đã cử phái viên của Tổng thống Dmitry Medvedev, Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Saltanov đến Trung Đông để dàn xếp một thỏa thuận ngừng bắn.

Cộng hòa Séc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu (EU) đề nghị cả hai bên tham chiến ngừng bắn và cung cấp viện trợ nhân đạo cho khu vực này. Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi Israel tôn trọng luật lệ quốc tế và cho phép tiếp cận những thường dân “đang khốn khổ và hấp hối” vì các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza. Trong khi đó, Pháp cũng lên án quyết định của Ten Avíp đưa lực lượng bộ binh vào Gaza cũng như việc Hamas tiếp tục nã rốckét vào lãnh thổ Israel, và hối thúc hai bên chấp nhận đề xuất ngừng bắn.

Phản ứng trước việc Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố: "Việt nam lên án mọi hành động tấn công quân sự gây thiệt hại cho thường dân vô tội. Israel cần chấm dứt sử dụng vũ lực quá đáng và rút ngay quân đội khỏi Dải Gaza. Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực quốc tế nhằm sớm khôi phục lệnh ngừng bắn giữa các bên liên quan".

Hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới cũng đã xuống đường biểu tình phản đối các cuộc tấn công của Israel ở Dải Gaza và kêu gọi Ten Avíp ngừng ngay lập tức chiến dịch quân sự.

Hậu quả khó lường
 
Bất chấp việc Israel tuyên bố mục tiêu chính của chiến dịch quân sự lần này là nhằm ngăn chặn không cho phong trào Hamas tái diễn các vụ bắn rốckét vào lãnh thổ Israel nhưng nhiều chuyên gia phân tích lại cho rằng mục tiêu xa hơn của Ten Avíp là tái chiếm lại vùng đất mà họ đã trả lại cho người Palestine từ năm 2005.

Tuy nhiên, việc Israel chiếm đóng Gaza một lần nữa sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích kéo dài của các phong trào Hồi giáo, vốn được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người dân vốn phải gánh chịu đau khổ lâu nay. Ngoài ra, bất chấp việc vượt trội về sức mạnh quân sự với những trang thiết bị tối tân, khi đối mặt với kiểu đánh du kích, binh lính Israel có thể sẽ phải nhận những hậu quả khó lường và nếu có quét sạch được lực lượng Hamas khỏi Dải Gaza như Israel mong muốn thì cái giá mà họ phải trả chắc chắn không hề nhỏ.

Hơn nữa, dân thường Palestine đang sống ở Dải Gaza sẽ là những người gánh chịu hậu quả đau thương nhất trong cuộc chiến đẫm máu này. Những thiệt hại về tính mạng dân thường cũng là một lý do khiến Israel bị quốc tế lên án kịch liệt và khi đó, cho dù kết cục ra sao, thì Israel rời khỏi cuộc xung đột này không còn là chính họ như khi bắt đầu cuộc chiến. Israel sẽ ngày càng bị cô lập và con đường hòa bình tại Trung Đông ngày càng khép lại.
 
Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm