Kỳ 2: Cuộc đời gập ghềnh của vị Tổng thống xấu số

04/01/2009 19:46 GMT+7 | Trong nước

(Tin Tức) - Ngày 12/8/1988, Tổng thống Zia-ul-Haq kỷ niệm sinh nhật lần thứ 64 của mình bằng một buổi tối đáng nhớ bên bạn bè và người thân. Năm hôm sau, ông gặp nạn, kết thúc sự nghiệp chính trị đầy sóng gió.
 

Ông Zulfikar Ali Bhutto, người đã nâng đỡ Zia-ul-Haq trên con đường binh nghiệp.
Trở lại 45 năm trước, khi đó Zia-ul-Haq mới 19 tuổi, nhưng người con trai thứ hai của một gia đình điền chủ ở Jalandhar (Ấn Độ) này không chịu an phận nơi quê nhà, quyết định gia nhập lực lượng kị binh thuộc quân đội Hoàng gia Anh. Trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Zia-ul-Haq có mặt ở hết chiến trường này đến chiến trường khác, từ Mianma tới Malaixia rồi đảo quốc Indonesia. Ở đâu, người ta cũng thấy hình ảnh một anh lính Zia-ul-Haq dũng cảm và thiện chiến. Kết thúc chiến tranh, Zia-ul-Haq vào học tại Học viện quân sự Dehra Dun. Tới năm 1955, Zia-ul-Haq không chỉ lấy được bằng tốt nghiệp của trường này, mà còn cầm thêm tấm bằng chỉ huy tham mưu của Học viện Tham mưu Pakixtan. Từ năm 1962-1964, Zi-aul-Haq được đưa sang Mỹ đào tạo, về nước liền tham gia ngay cuộc chiến tranh giữa Pakixtan và Ấn Độ (từ tháng 4 đến tháng 9/1965).

Gần một năm sau, Zia-ul-Haq được bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiết giáp, sau đó được thăng cấp lên thành Sư đoàn trưởng. Do được Tổng thống (20/12/1971-13/8/1973), sau là Thủ tướng Pakixtan, Zulfikar Ali Bhutto (14/8/1973- 5/7/1977) để mắt tới, nên con đường binh nghiệp của Zia-ul-Haq khá hanh thông, chẳng mấy chốc đã đeo lon tướng. Năm 1976, Zia-ul-Haq nhận liền một lúc hai niềm vui: Gắn thêm một bông mai trên quân hàm, trở thành Thượng tướng; vượt qua những tướng lĩnh khác, ngồi vào chiếc ghế Tham mưu trưởng Lục quân đầy quyền uy.

Tổng thống Zia-ul-Haq
Tháng 3/1977, sau cuộc tổng tuyển cử, Pakixtan rơi vào khủng hoảng chính trị. Các đảng phái không có chân trong chính quyền tố cáo Đảng Nhân dân Pakixtan của ông Bhutto gian lận trong bầu cử, yêu cầu nhà lãnh đạo này từ chức, tiến hành bầu cử lại. Liên minh đối lập phát động tuần hành thị uy, bạo động nổ ra khắp nơi.
 
Nhằm ổn định tình hình, ông Bhutto ra lệnh thiết quân luật, cấm đi lại ban đêm ở những thành phố lớn và bắt giữ các nhà lãnh đạo đối lập. Cuộc khủng hoảng chính trị đã đẩy Pakixtan đến bờ vực nội chiến, nhưng lại mang đến cho quân đội cơ hội "chiếu tướng" trong thế cờ tàn.

Hai giờ sáng 5/7/1977, Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Zia-ul-Haq, đột nhiên, quay mũi súng, tiến hành binh biến, bắt giữ Thủ tướng Bhutto cùng vợ, con gái và toàn bộ thành viên chính phủ. Sau đó, Zia-ul-Haq ra lệnh thiết quân luật trên toàn quốc. Tình hình dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, Tướng Zia-ul-Haq vẫn chưa yên tâm bởi việc ông Bhutto còn sống sẽ tạo ra mối đe dọa tiềm tàng đối với chính quyền quân sự. Nhằm nhổ tận gốc mầm họa và củng cố sự thống trị quân sự, ngày 4/4/1979, dưới sự thao túng của Tướng Zia-ul-Haq, Tòa án cấp cao Lahore, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đã đưa cựu Thủ tướng Bhutto lên giá treo cổ với tội mưu sát. Trước đó, vào ngày 16/9/1978, Tướng Zia-ul-Haq lên nắm quyền Tổng thống và giữ luôn chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Pakixtan.

 

Tổng thống Pakixtan Zia-ul-Haq và Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi tại Jaipur (Ấn Độ) năm 1987.
Với vai trò nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Zia-ul-Haq đã chú trọng tới việc cải thiện quan hệ với Ấn Độ. Trong thời gian tại nhiệm, Tổng thống Zia-ul-Haq đã sang Niu Đêli 3 lần bàn bạc với người đồng cấp những biện pháp thu hẹp bất đồng. Ông Zia-ul-Haq cũng từng được thế giới ghi nhận công lao trong vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa hai quốc gia vùng Vịnh: Iran và Irắc...

Với những thành tích chính trị đáng nể như vậy, tin ông Zia-ul-Haq tử nạn chẳng khác nào sét đánh ngang tai đối với người dân Pakixtan. Nó cũng làm chấn động cả thế giới. Đại hội đồng Liên hợp quốc tại phiên họp chiều 17/8/1988 đã dành 1 phút mặc niệm nhà lãnh đạo Pakixtan.

Trong tuyên bố trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Javier Pérez de Cuéllar đã gọi Zia-ul-Haq là một nhà lãnh đạo uyên bác có tầm nhìn xa trông rộng.

Khi tang lễ xong xuôi, điều đầu tiên mà mọi người nghĩ đến là tại sao chiếc chuyên cơ chở Tổng thống Zia-ul-Haq lại bị nổ và vụ tai nạn máy bay này là do sự cố ngoài ý muốn hay có bàn tay phá hoại của con người?

Hà Ngọc (Tổng hợp)
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm