Ai play, ai off?

04/09/2010 19:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Với câu hỏi trên, tôi nghe được nhiều câu trả lời giống nhau: Navibank Sài Gòn “play” và Than Quảng Ninh “off”.

Lạ thật vì bóng chưa lăn trong khi hai đội ai cũng tuyên bố hùng hồn là sẽ quyết tâm và chiến đấu hết mình cơ mà.


Thực tế thì giới chuyên môn và dư luận cũng có cái lý của mình. Hệt như mùa 2010 bóng lăn chưa được bao lâu thì hàng loạt tin đồn tung ra rằng Hà Nội T&T sẽ vô địch bởi thời thế tạo anh hùng và bởi những cái ngoài bóng đá dù sau đó thì những nhà làm bóng đá khi được chất vấn thì ai cũng gân cổ cãi. Giờ thì đồn thổi về vế đầu (vô địch) đã đúng sau khi nhiều đội mất động lực và buông súng quá sớm. Kết quả trên đúng càng làm nhiều người khen ông bầu Hà Nội T&T khéo léo khi trước mùa đã đổi cái tên T&T Hà Nội thành Hà Nội T&T. Bởi rõ ràng khi chữ T&T chịu đứng sau Hà Nội thì cái tên ấy lớn thế và mạnh mẽ hơn rất nhiều.


Trở lại với câu hỏi ai play, ai off thuộc vế cuối giờ lại là trận đấu trên bàn nhiều hơn trên sân. Nói thế hay gặp phản ứng của những nhà làm bóng đá là “Sao các ông nhìn đâu cũng thấy vi trùng”? Nhưng thực chất thì cứ nhìn hoàn cảnh và có thể trả lời được tất cả.



Than Quảng Ninh, chạy cùng Hà Nội ACB, ngã trước mức đến vì thông báo số 19. Chiều 5.9 tại Chi Lăng họ sẽ ngã tiếp hay tự ngã? Ảnh: Quang Thắng

Còn nhớ mùa 2005, khi suất play-off đầu tiên được tổ chức trong giai đoạn cơ quan điều tra bắt đầu nhúng tay vào làm mạnh sau vụ cầu thủ bán độ và trọng tài, quan chức nhúng tràm thì trận play-off diễn ra giữa LG ACB Hà Nội (sau này đổi thành Hà Nội ACB) được đá từ khi đại diện chuyên nghiệp chắc suất play-off từ trước đó 2 tuần. Họ ở Trung tâm TDTT CA TP.HCM nhưng “hồn” lại đi rất xa và điện thoại đi đến liên tục. Công suất hoạt động của đội lúc này ít tập trung vào cầu thủ tập luyện để thi đấu nhưng lại dồn vào các cầu thủ có quan hệ tốt với “đối tác” Cần Thơ - đội hạng Nhất tranh play-off với LG ACB Hà Nội.

Khi bóng chưa lăn thì mọi thứ được báo là đã hoàn tất và vấn đề là mọi cái theo đúng… hợp đồng.


Trong khi đó ban tổ chức cố làm ra vẻ mọi thứ đều mật, đều nghiêm túc thể hiện qua việc phân công trọng tài được thông báo giờ chót để đảm bảo không bị các đội “bắn”.


Cuối cùng thì trọng tài Lương Thế Tài được trao nhiệm vụ. Ông này nhận lệnh mà run bởi ông hiểu sai lầm về chuyên môn của ông nếu có thì có thể sẽ là nguyên nhân để những người vẽ nên kịch bản trận play-off đổ vào. Nhất là ông lại ra sân điều hành giữa nhiều máy soi trong đó có cả cơ quan điều tra đang để mắt đến đội ngũ trọng tài.


Trận đấu ấy được Lương Thế Tài đưa về đích nhưng cái chính là LG ACB Hà Nội đã chủ động đưa từ trước khi bóng lăn.


Đấy cũng là trận đấu mà sau đó bầu Vũ của Cần Thơ buồn bã tuyên bố: “Bóng đá Việt Nam muốn “mua” người này, người nọ hay mua trọng tài để lên hạng rất dễ nhưng tôi không làm điều ấy”. Đó cũng là lần cuối trọng tài Lương Thế Tài cầm còi ở giải quốc gia bởi ngay đêm ấy, trong hơi men bên bàn tiệc, ông Tài đã gọi thẳng cho chủ tịch Nguyễn Văn Mùi và tuyên bố treo còi vì nghề trọng tài nguy hiểm quá và ông mệt mỏi quá.


Bóng đá Việt Nam, những suất play-off bao giờ cũng thế. Người play, người off được thể hiện rõ qua thế lực và qua đồng tiền đặt trên bàn cân. Bằng chứng là bây giờ gặp lại những cầu thủ của các đội bóng từng thắng trận play-off thì nhiều người bộc bạch khoản tiền thưởng 3 tỷ, 5 tỷ… được công bố thường không đến tay cầu thủ trọn vẹn.


Bởi họ đã chuyển nó đến đúng nơi và giao đúng chỗ?


Nguyên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm