Khu LHTTQG Mỹ Đình xin thoát ly Tổng cục TDTT: Trao quyền lực lại cho Tổng cục TDTT?

15/10/2011 10:31 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Việc được quy định như một đơn vị cấp II, chỉ giới hạn chức năng tham mưu cho Bộ VH-TT&DL, theo đánh giá của nhiều người, đã khiến Tổng cục TDTT không phát huy được hiệu quả hoạt động. Nhiều đơn vị trực thuộc có dấu hiệu “vượt rào”, đi thẳng lên Bộ mà không thông qua Tổng cục TDTT.

Cụ thể, theo quyết định số 66/QĐ-TTG ngày 23/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục TDTT là đơn vị dự toán ngân sách cấp II, giữ chức năng tham mưu cho Bộ VH-TT&DL.

Giám đốc khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa cho rằng đối với khu LHTTQG Mỹ Đình,

vai trò quản lý Nhà nước thuộc về Bộ VH-TT&DL. Ảnh: VSI

Phát biểu của Giám đốc khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (gọi tắt là khu LHTTQG Mỹ Đình) Cấn Văn Nghĩa phần nào đề cập đến vấn đề trên. Theo ông Nghĩa thì vai trò quản lý Nhà nước thuộc về Bộ VH-TT&DL. Đây là một trong những nguyên nhân (chính (?)) khiến khu LHTTQG Mỹ Đình muốn trực thuộc Bộ, không thông qua Tổng cục TDTT.

Ở phía đối ngược, dĩ nhiên Tổng cục TDTT không hài lòng trước việc khu LHTTQG Mỹ Đình hay một số đơn vị khác ngày càng có xu hướng “thiếu tôn trọng” hơn trong các vấn đề chuyên môn. Thực tế này, nói thẳng như nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu, là cái gì không thích, lập tức đơn vị trực thuộc Tổng cục “đi” thẳng lên Bộ VH-TT&DL.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT (xin tạm không nêu tên) đã cho rằng, Bộ VH-TT&DL là Bộ đa ngành, nên trong chừng mực nào đó khó có thể kiểm soát hết các vấn đề chuyên môn của thể thao. Chính vì thế, việc giảm thiểu vai trò của Tổng cục TDTT là không thích hợp. “Đặc biệt đối với các dự án đầu tư đòi hỏi đánh giá về chuyên môn, cần thiết có sự thông qua của Tổng cục TDTT”.

Trả lời báo giới hôm qua về vấn đề trên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu đã tỏ ra rất tâm tư khi cho rằng, với cơ chế như hiện nay, Tổng cục TDTT sẽ không thể phát huy được vai trò của mình. Theo ông Bửu thì nên chăng ngành thể thao cần phải được tách lại thành một ngành độc lập. “Một ngành phục vụ cho sức khỏe của gần trăm triệu người, giúp dân cường nước thịnh, sao lại không đứng độc lập? Tổng cục bây giờ hoạt động ỉu ỉu, xìu xìu”, ông Bửu cho biết, “vấn đề là cơ chế quy định chức năng, quyền hạn như hiện nay làm khó Tổng cục. Dưới đẩy lên, trên ép xuống, Tổng cục không có phong cách nào cả. Tôi biết có nhiều đơn vị, không thích là người ta lên thẳng Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Như thế làm sao Tổng cục điều khiển được? Nếu cứ hiện trạng như hiện nay, ngành thể thao sẽ nát hết. Tôi thực sự đau lòng khi nhìn thấy vậy. Giờ người ta chỉ làm vì 2 chữ “Đ”, là “đất” và “đô”. Trả lại quyền hạn cho Tổng cục, còn làm được hay không là phụ thuộc vào khả năng của anh”.

Đối với đề xuất được trực thuộc Bộ VH-TT&DL của khu LHTTQG Mỹ Đình, theo ông Bửu, “khu LHTTQG Mỹ Đình cần phải quy hoạch trước, xây dựng cơ chế, rồi trực thuộc ai mới tính sau. Anh nằm ở đâu cũng không quan trọng bằng vai trò và trách nhiệm của anh như thế nào. Dù thuộc Bộ VH-TT&DL hay Tổng cục TDTT thì cũng là vì nhiệm vụ thể thao của cả nước. Hôm anh Nghĩa (Giám đốc khu LHTTQG Mỹ Đình Cấn Văn Nghĩa-PV) hỏi, tôi cũng đã nói thẳng như vậy. Tôi rất không đồng tình chuyện sử dụng khu LHTTQG Mỹ Đình vào việc kinh doanh, cho thuê sân golf này kia…Mình hòa nhập chứ không được hòa tan. Nhiệm vụ của khu LHTTQG Mỹ Đình và các trung tâm TDTT khác là phục vụ thể thao. Các hoạt động trên có phải phục vụ thể thao đâu. Đất đai vừa qua đã cho một loạt rồi, giờ còn lại cần phải quy hoạch”. Cũng theo ông Bửu, trong quy hoạch phát triển, khu LHTTQG Mỹ Đình phải là trung tâm TDTT không chỉ của Hà Nội mà của cả nước và khu vực ĐNÁ.

Phó chủ tịch kiêm TTK Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang hôm qua khi được hỏi về đề xuất trực thuộc Bộ VH-TT&DL của khu LHTTQG Mỹ Đình đã thẳng thắn cho biết quan điểm: “Khu LHTTQG Mỹ Đình làm như vậy là không đúng”.

Vĩnh Xuân


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm