Nam Sudan: Ngày một đội bóng ra đời

31/07/2011 06:39 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Nam Sudan đã trở thành quốc gia tuyên bố độc lập mới nhất trên thế giới, và đội bóng của họ vừa ra mắt làng túc cầu với trận thua 1-3 trước đội đang chơi ở giải hạng Nhất Kenya, Tusker FC.

Những đám mây đen quần đảo trên bầu trời sân bóng vừa được đại tu Juba, nhưng với 15.000 người có mặt ở thủ đô mới của Nam Sudan, ngày hôm đó là lúc để ăn mừng. Không tới 24 tiếng đồng hồ sau khi những nhà lãnh đạo ở Juba tuyên bố sự ra đời của quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới, một nền độc lập sau những cuộc chiến đẫm máu với chính quyền Khartoum suốt từ những năm 1950, thử thách đầu tiên cho nền cộng hòa non trẻ đã đến.

Chỉ 24 giờ sau khi Nam Sudan tuyên bố độc lập, đội tuyển bóng đá quốc gia nước này đã chính thức ra đời - Ảnh Reuters

Ngày 10/7, Nam Sudan chơi trận bóng đá quốc tế đầu tiên, chứng kiến sự khai sinh của đội tuyển quốc gia cũng là trẻ tuổi nhất thế giới. “Chúng tôi rất xúc động bởi đây là lần đầu tiên đội tuyển của chúng tôi đá một trận chính thức và hát bài Quốc ca của mình”, Bộ trưởng Thể thao Makuac Teny nói.

Giống như các CĐV khác trên sân, ông đã đến đó để xem đội Premier League Kenya Tusker FC đá với đội tuyển Nam Sudan, một trận đấu mà kết quả không quan trọng. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi hát vang bài Quốc ca trong một trận quốc tế”, Teny nói. “Các CĐV rất xúc động và hào hứng. Tôi nghĩ nếu cứ chơi thế này, chúng tôi hoàn toàn có thể trở thành một đội bóng thành công”.

Những thách thức với Nam Sudan, và với bóng đá của nước này, đương nhiên, còn rất lớn. Nhiều năm nội chiến giữa những người Thiên Chúa giáo, chiếm số đông ở miền Nam và Hồi giáo, ở miền Bắc đã khiến hai triệu người thiệt mạng và tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng của quốc gia.

“Tôi không biết có thể gọi đó là một sân bóng hay không, nó còn chẳng có cỏ”, Stephen Constantine, một HLV người Anh đã dẫn dắt đội tuyển quốc gia Sudan cho tới năm 2010, nói về sân Juba. Sân bóng được đại tu ngay trước hồi còi khai cuộc. Cỏ được trồng mới và đèn được dựng lên lần đầu tiên trong lịch sử.

“Khi đi xuống miền Nam, các cậu bé không có nhiều cơ hội. Chẳng có đội nào chơi ở hạng Nhất Sudan tại miền Nam. Họ không đủ mạnh hoặc không đủ tiền để cạnh tranh, dù không hề thiếu tài năng”, Constantine nói. “Tất cả họ đều rất tự hào về việc họ xuất thân từ đây. Họ luôn nói mình là người Nam Sudan, chứ không bao giờ nói là người Sudan, nhưng vấn đề tổ chức và cơ sở hạ tầng rất khó khăn. Họ sẽ phải mất ít nhất vài năm”.

LĐBĐ Nam Sudan (SSFF) vừa thành lập đang cố gắng xây dựng một giải vô địch quốc gia, những sân vận động mới và hỗ trợ các CLB vươn lên từ số không, cũng như thu hút trọng tài và các nhà khoa học thể thao. Nhưng mục tiêu đầu tiên vẫn là chính trị: được thừa nhận bởi LĐBĐ Thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Phi (CAF).

“Chúng tôi bắt đầu từ số không. Chúng tôi chẳng có gì trong tay, chúng tôi khởi đầu như khi Chúa trời đã tạo ra con người”, Benjamin Oliver, tân Chủ tịch SSFF, hiện đang trực tiếp xuống sân hỗ trợ cho các buổi tập của đội tuyển quốc gia ba tuần qua. Không cầu thủ Nam Sudan nào đang chơi cho một CLB ở miền Bắc được nhả ra cho trận giao hữu vừa rồi, không phải là một trận chính thức theo tiêu chuẩn của FIFA.

“Chúng tôi đã giành được độc lập với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Chúng tôi muốn làm rõ mục tiêu của mình, cũng như những khó khăn trở ngại”, Oliver nói. “Giờ tôi lạc quan rằng sẽ có ngày chúng tôi đá một trận giao hữu quốc tế tử tế ở Nam Sudan. Cộng đồng quốc tế sẽ lại đến hỗ trợ chúng tôi”.

Không phải ngẫu nhiên mà Nam Sudan tổ chức trận đấu này không lâu sau khi tuyên bố độc lập. Các CĐV bóng đá và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đều cho rằng các đội tuyển bóng đá quốc gia không chỉ là một thành phần trọng yếu hình thành nên một đất nước mới, phong cách chơi của họ còn thể hiện bản sắc của quốc gia.

“Không đội nào trong hệ thống cộng sản (trừ Hungary năm 1954) từng vào tới bán kết hay chung kết World Cup”, Kissinger viết trên báo Los Angeles Times ngay trước World Cup 1986. “Hệ thống kế hoạch hóa tập trung đã hủy hoại sự sáng tạo tối cần thiết để có được nền bóng đá hiệu quả”. Mối liên hệ giữa bóng đá, bản sắc, sự đoàn kết và tinh thần yêu nước mạnh mẽ đến mức nhiều quốc gia mới thành lập, hoặc bị chia cắt bởi chiến tranh, sử dụng quyền lực mềm qua các đội bóng để nhắm tới mục tiêu chính trị.

Palestine là một ví dụ. Họ được FIFA thừa nhận từ năm 1998, dù vẫn chưa gia nhập Liên Hiệp Quốc. Nhà cầm quyền Palestine coi bóng đá là một công cụ quan trọng để thúc đẩy sự đoàn kết ở quê nhà. Đội bóng của họ cũng là một trong rất ít những thực thể có thể phất cao lá cờ Tổ quốc trên các sân khấu quốc tế.

Tây Đức, Iraq và Nhật Bản là những minh chứng hùng hồn khác về vai trò của bóng đá. Chức vô địch World Cup 1954 của Tây Đức chín năm sau Thế chiến thứ hai cho thấy họ đã hồi phục từ đống đổ nát và đang hòa nhập trở lại với thế giới. Iraq vô địch châu Á năm 2007 giữa những tin tức đau thương ở quê nhà bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực vũ trang. Còn tuyển nữ Nhật Bản, vừa đăng quang ở World Cup nữ hồi tháng 7, đã góp phần giúp đất nước vượt qua nỗi đau của thiên tai kinh hoàng.

“Một đội tuyển quốc gia là máu thịt của đất nước đó, một bản tuyên ngôn hùng hồn về bản sắc và nền độc lập của họ”, Simon Kuper, nhà báo và tác giả cuốn Football Against The Enemy (Bóng đá chống lại kẻ thù), viết về quan hệ giữa bóng đá và chính trị trên toàn cầu, bình luận. “Khi bạn có 11 cầu thủ trẻ tuổi mặc áo đội tuyển quốc gia bước ra sân, họ đều là người Nam Sudan. Thể thao là cách tốt nhất để xây dựng một quốc gia trong thời đại truyền hình này”.

Các chính trị gia ở Nam Sudan cũng ý thức về sức mạnh chính trị mà bóng đá mang lại cho họ cả ở trong nước và trên trường quốc tế. SSFF tự tin rằng đơn gia nhập CAF của họ sẽ được chấp thuận và hai năm sau họ có thể gia nhập FIFA. “Điều quan trọng là bóng đá góp phần củng cố nhà nước mới”, Bộ trưởng Teny nói. “Chúng tôi có thể xây dựng nền tảng quốc gia dựa trên đó, nó giúp đoàn kết rất nhiều bộ lạc trong cả nước, 64 tất cả. Chúng tôi muốn cho họ thấy đây là một quốc gia, một quốc gia mới”.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm