“Siêu kinh điển” thành “Siêu chênh lệch”: Khi Barca dạy học cho Real

01/12/2010 11:39 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Nếu như “Siêu kinh điển” trở thành “Siêu chênh lệch” thì người đã hạ nhục “Người đặc biệt” phải là “Người siêu đặc biệt”. Trận đấu ở Nou Camp đêm thứ Hai đã dạy cho cả Jose Mourinho lẫn Florentino Perez những bài học lớn mà có lẽ còn phải rất lâu nữa họ mới lĩnh hội được hết.

* Bài học cho cả Mou lẫn Perez

Khi Mourinho biến Camp Nou thành “Camp Mou” sau trận bán kết lượt về Champions League mùa trước, để rồi sau đó hoàn tất “cú ăn ba” lịch sử cùng với Inter ở sân Bernabeu, có lẽ ngài Chủ tịch Real Madrid, Florentino Perez, nghĩ rằng rốt cục ông đã tìm thấy người có thể trị được Barca của Pep Guardiola.

Barca dạy cho Real một bài học đắt giá - Ảnh Getty

Thế nhưng, dường như Perez đã quên rằng, để có được chiến thắng trước Barca ở bán kết Champions League mùa trước, Inter của Mou cũng đã trải qua những thất bại cay đắng từ vòng đấu bảng. Chính từ những thất bại ấy mà Mou mới tìm ra cách khắc chế lối chơi kỹ thuật của Barca, cũng như không loại trừ những yếu tố như may mắn, hay vào thời điểm ấy, nhiều vị trí của Barca không đạt được phong độ tốt. Không những thế, để có được một Inter hoàn hảo ở mùa giải trước thì Mourinho cũng phải mất một mùa giải chuẩn bị, và cũng cần nhắc lại rằng trong mùa giải đầu tiên của Mou ở sân Meazza thì Inter cũng ông đã bị loại từ vòng 1/8 Champions League.

Không chỉ Perez, mà chính Mou cũng đã có nhiều ngộ nhận từ sau chiến thắng nói trên. Sau thất bại vỡ mặt ở Nou Camp, Mou đã thừa nhận rằng Barca là một đội bóng hoàn hảo, với những cá nhân xuất sắc, đã chơi bên nhau trong suốt một thời gian dài, đến mức tưởng như dù có nhắm mắt các cầu thủ Barca vẫn biết tìm thấy nhau. Trong khi đó, thực tế thì Real của Mourinho cũng mới chỉ được xây dựng được vài tháng. Những trận thắng hào nhoáng trong thời gian qua ở Liga hay Champions League đã tạo ra sự ngộ nhận về sức mạnh của Real.

* Bài học về sự ngộ nhận

Ngộ nhận đầu tiên là về của Mesut Oezil trong vai trò tổ chức, như của Wesley Sneijder ở Inter. Trong một hàng tiền vệ mà Xabi cùng Khedira đảm nhận nhiệm vụ thu hồi bóng thì Oezil cần phải cầm được bóng để kết nối các tuyến. Không thể phủ nhận rằng tiền vệ gốc Thổ đã hòa nhập cực nhanh trong một môi trường mới và đã có những màn trình diễn xuất sắc kể từ đầu mùa. Nhưng để có thể sống sót trong một trận đấu lớn như thế này thì có lẽ Oezil cần phải được rèn giũa nhiều hơn nữa. Trước những “phù thủy” như Xavi hay Messi thì Oezil đã hoàn toàn tắt điện, và việc Mou buộc phải rút cầu thủ này ra khỏi sân ngay sau giờ nghỉ đã thể hiện sự bất lực của “Người đặc biệt”.

Nên nhớ là trong trận Barca – Inter mùa trước, Mou đã sử dụng đến ba tiền vệ trung tâm có thiên hướng phòng ngự (Cambiasso, Motta, Chivu) chứ không phải chỉ là hai như trận đấu vừa qua. Và cho dù Mou đã sửa sai bằng cách tung thêm Lass vào sân trong hiệp hai, nhưng khi mà những đôi chân của các cầu thủ áo trắng đã trở nên hoảng loạn thì nỗ lực sửa sai đó của Mou là quá muộn.

Chính từ việc đánh mất hoàn toàn tuyến giữa mà hàng thủ của Real liên tục phải phơi mình trước những sức tấn công ào ạt từ mọi hướng của đội chủ nhà. Không thể phủ nhận rằng hàng thủ đó đã chơi tuyệt vời kể từ đầu mùa, với sự tỏa sáng bất ngờ của lão tướng Carvalho. Nhưng dù có thế nào thì trung vệ người Bồ cũng đã quá tuổi băm và không còn trụ lại được ở Chelsea. Đến khi phải đối đầu với những cầu thủ nhỏ con, kỹ thuật và cực kỳ nhanh nhẹn như Villa, Pedro và Messi thì Carvalho cũng như Pepe đã bộc lộ rõ những hạn chế của mình.

Dù vậy, ngay cả khi Mou có cách tiếp cận trận đấu đúng đắn thì cũng không ai dám chắc cho khả năng Real giành điểm, trong một đêm mà các ngôi sao chủ nhà đều đá như “lên đồng” như thế. Có thể Mourinho cũng phần nào biết cách khắc chế Barca như ông đã từng thành công ở bán kết Champions League mùa trước. Nhưng có điều là đối thủ của ông cũng đã biết tỉa rút những bài học quý giá sau thất bại cách đây vài tháng. Sự trở lại của Abidal đã giúp Barca gia cố yếu huyệt ở hành lang trái, trong khi Pep Guardiola đã chuẩn bị được những nhân tố mới, mà cụ thể là David Villa, hay thậm chí là cả cầu thủ trẻ Jeffren.

Điều đáng nói là cách đây một tháng, chính Mou đã từng dè bỉu cựu tiền đạo của Valencia khi đem so sánh với trường hợp tịt ngòi như của Benzema. Và giờ, chính Villa đã góp công lớn  xé nát mành lưới Real. Và đó cũng lại là một bài học nữa đối với Mourinho!


H.Nhật


Năm bàn tay đẹp xinh!

Thất bại 0-5 là thất bại có cách biệt lớn nhất của Real Madrid trước Barca trong vòng 16 năm trở lại đây. Lần gần nhất Barca đè bẹp được đại kình địch với tỉ số khủng khiếp như thế là ở mùa giải 93-94, cũng trên sân nhà Camp Nou. Khi đó, huyền thoại người Brazil Romario đã lập được một hat-trick, và Guardiola cũng có mặt trong thành phần của Barca. Sau trận ấy, cụm từ “bàn tay nhỏ” đã được các phương tiện truyền thông lẫn người hâm mộ sử dụng rất nhiều. Và sau trận “Kinh điển” đêm thứ Hai vừa rồi thì “bàn tay nhỏ” lại một lần nữa được sử dụng rộng rãi. Các cầu thủ Barca sau khi hết trận cũng ăn mừng bằng cách giơ cao và xòe rộng 5 bàn tay. Còn tờ Sport thì vẽ biếm họa bằng cách… in cả bàn tay lên giấy!!!

1-0: Xavi, 10’
2-0: Pedro, 18’
3-0: Villa, 55’
4-0: Villa, 58’
5-0: Jeffren, 90’

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm