Nghĩ từ sân Chi Lăng

07/02/2012 14:32 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Từ đầu giải đến nay, sân Chi Lăng lơ thơ khán giả. Đùng một cái chiều Chủ nhật rồi, có đến 15.000 khán giả (thống kê của VFF) đã biến nơi đây thành ngày hội bóng đá đúng nghĩa.

Cánh én giữa ngày Xuân

Vòng đấu này, theo thống kê của VFF, ngoài Chi Lăng, không có sân nào vọt lên được 9.000 khán giả. Sân Cao Lãnh (trận TĐCS.Đồng Tháp-Khánh Hòa chỉ 5.000 khán giả). Nên nhớ Cao Lãnh được mệnh danh là chảo lửa. Vậy mà mùa này khán đài đang bị rêu phong dần. Sân Gò Đậu (B.BD-CLB bóng đá Hà Nội, 8.000 khán giả). Sân Hàng Đẫy (HN.T&T-K.Kiên Giang, 5.000). Sân Pleiku (HA.GL- N.SG, 7.000), Sân Ninh Bình (V.NB-Thanh Hóa, 5.000). Sân Thống Nhất (Sài Gòn FC-V.HP, 8.000).

Kiểm tra lại 4 vòng đấu, để tìm con số sân nào chạm ngưỡng 10.000 khán giả khó quá. Thật bất ngờ khi sân Thống Nhất đã 2 lần lập được kỳ tích là kéo 10.000 khán giả đến sân ở vòng 1 và 2. Còn lại, tình hình heo hắt là phổ biến. Đến thời điểm này, kỷ lục gia vẫn là Lạch Tray, vòng 2 đã có đến 18.000 khán giả đến cổ vũ cho đội nhà gặp N.SG.


Merlo đã có bàn gỡ hòa ở những phút cuối trận SHB.ĐN-SLNA, cứu cho Chi Lăng một ngày bẽ bàng. Ảnh: Lê Lâm

Rõ ràng, những con số thống kê trên là không khả quan. Làm bóng đá chuyên nghiệp là phải kéo được khán giả đến sân, như thế mới có lời, vé bán được và bản quyền truyền hình mới đắt giá. Chúng ta cứ hô hào giải oách cho lắm, tranh giành nhau bản quyền truyền hình, nhưng khán giả thua xa Thai-League. Đã 12 năm rồi, tình hình khán giả không hề khả quan, thậm chí kém năm đầu tiên đá giải chuyên, thua xa thời tem phiếu, đã đến lúc gióng hồi chuông báo động chưa?

Không có khán giả, cầu thủ đá vì cái gì? Tiền, dĩ nhiên? Nhưng, nên nhớ không có khán giả bóng đá sẽ chết. Và, chẳng cầu thủ chuyên nghiệp nào không khao khát vào sân mà b4 phía khán đài như một ngày hội bóng đá.

Thèm được tắc đường

Trước trận SHB.ĐN-SLNA, xung quanh sân Chi Lăng đã như thùng thuốc súng. Con phố bóng đá Ngô Gia Tự đang nhom nhem vì nhiều công trình đang thi công, nhưng rất đông khán giả tụ tập bàn luận bóng đá. Những buổi tập của SHB.ĐN, SLNA đều thu hút rất nhiều khán, cả Đà Nẵng lẫn fan Sông Lam. Hội CĐV xứ Nghệ tại Đà Nẵng đã thực sự mất ăn mất ngủ trong những ngày này, cũng chỉ vì bàn cách làm sao để ấm lòng thầy trò Nguyễn Hữu Thắng ở nơi đất khách.

Với không khí đó, chẳng lạ khi trận đấu này có đến 15.000 khán giả. Lúc ra về, nhích xe trong biển người, lâu lắm rồi mới thấy xung quanh sân Chi Lăng tắc đường, một cảm giác xúc động đến khó tả.

Bao giờ mới có lại cảm giác này? Nói thế bởi hiệp 2 cầu thủ SHB.ĐN chơi vô hồn vô ảnh, một số vị trí bất thường. Khán giả đã bực mình lắm rồi, nhiều vị bỏ ra về. May thay, Merlo đã có bàn gỡ hòa ở những phút cuối, cứu cho Chi Lăng một ngày bẽ bàng. Thế đấy, kéo khán giả đến sân đã khó, giữ được họ tiếp tục quay trở lại càng gian nan. Chẳng còn cách nào hữu hiệu hơn, là đội bóng phải thể hiện được tấm chân tình, thực sự tôn trọng khán giả.

Cũng cần phải nói thêm, nếu hôm đó đối thủ không phải là SLNA, thì chắc chắn Chi Lăng khó xôm tụ như thế. Sức hút của Sông Lam vẫn còn đó. Một đội bóng ngoài 3 ngoại binh, toàn là cây nhà, lá vườn. SHB.ĐN cũng được coi giàu tính bản sắc, nhưng thời điểm này đã mai một rất nhiều.

Sân cỏ nội địa muốn kéo được khán giả, trước hết phải có nhiều đội bóng tạo cho mình sự lan tỏa, sức hút, tính bản sắc cao. Các cầu thủ phải ý thức mình là người của công chúng, làm sao để “hớp hồn” người hâm mộ ở tài năng và phẩm cách. Ngày xưa, quá nhiều cầu thủ lẫn CLB làm được điều đó, họ thực sự là những thỏi nam châm, kể cả khi đi làm khách.

Câu chuyện sân Chi Lăng Chủ Nhật vừa qua là sân duy nhất có số lượng khán giả quán quân, trong khi các sân trên toàn quốc lẹt đẹt, là thông điệp biết nói.

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm