Hoàng Đình Tùng: Nguồn cảm hứng xứ Thanh

16/03/2011 13:05 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Trong khi Công Vinh, Văn Quyến chấn thương, Việt Thắng chưa có nổi một bàn thắng, Quang Hải mãi tới vòng 6 mới “khai hỏa” thì ở xứ Thanh, Hoàng Đình Tùng, cầu thủ chỉ cao 1m66, chưa bao giờ được xem là tiền đạo hàng đầu Việt Nam, vẫn đều đặn “nhả đạn”…

Suýt thành thợ… bánh mỳ

Trong bối cảnh cả V-League và hạng Nhất đang sống chủ yếu bằng những bàn thắng của cầu thủ ngoại thì ở Thanh Hoá, Đình Tùng với 4 bàn thắng đã phần nào gỡ gạc thể diện cho các chân sút bản địa. Ít ai biết rằng, trước khi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, suýt chút nữa Tùng đã trở thành một tay thợ… bánh mỳ.

Sinh năm 1988, 14 tuổi, Tùng đã được cả cái huyện nghèo Nông Cống biết đến nhờ những màn trình diễn xuất sắc ở các giải phong trào. Có năng khiếu bẩm sinh nhưng chẳng ai nghĩ Tùng sẽ trở thành cầu thủ bởi vóc dáng quá nhỏ bé.

Giấc mơ chơi bóng chuyên nghiệp của Tùng chỉ được thổi bùng khi đội Halida Thanh Hóa sức giấy về địa phương tuyển chọn nhân tài. Nhỏ thó nên ban đầu Tùng không dám về thành phố ứng thí, nhưng trước niềm đam mê mãnh liệt của cậu con trai, nói như ông Hoàng Đình Thảo, cha của Tùng, là đã “liều một phen” đưa con về thành phố dự thi.

Thi thử cho vui ai ngờ đậu thật. Nhỏ thó nhưng đặc biệt nhanh, khéo léo và có cú sút tốt, Tùng được chọn. Nhìn con mải mê theo trái bóng tròn, ông Thảo không khỏi e ngại. Ông sợ rằng, cái thằng Tùng bé nhất nhà không đủ sức để theo kịp chúng bạn phải bỏ cuộc giữa chừng.

4 bàn thắng của Đình Tùng mang lại không ít điểm số cho Thanh Hóa ở mùa bóng năm nay

“Khi đó chẳng biết thằng bé đi về đâu. Thế nên đã nhiều lần tôi đến tận đội định khuyên nó về nhà làm bánh mỳ. Nhà tôi có lò bánh mỳ làm cho cả vùng. Công việc vất vả nhưng khéo co cũng sống ổn”, ông Thảo bồi hồi nhớ lại thủa “thằng Tùng bé nhất nhà” của ông mới bước vào nghề.

Nhiều lần đi xe máy vượt vài chục cây số để gặp con, nhưng lời khuyên của ông Thảo không một lần đến tai cậu con trai, bởi “thấy nó mê quá mà thương chẳng dám nói gì nữa”.

Thanh Hóa là đội bóng nghèo. Thời Tùng còn tập đội trẻ, ngoài tiêu chuẩn ăn một ngày 15.000 đồng, những người như Tùng không có thêm chút thù lao nào khác. Mỗi tháng, người thợ già làm bánh mỳ ở huyện Nông Cống xuống thăm Tùng một lần và vẫn dúi cho con trai vài chục nghìn đồng tiêu vặt.

Vất vả, cực nhọc mà tương lai là dấu hỏi nhưng Tùng chưa khi nào xao nhãng việc tập. Nhỏ con nhưng bù lại Tùng sinh hoạt điều độ, tập chăm. Những kỹ năng của anh dần hoàn thiện và nhờ sự chăm chỉ, Tùng luôn về đầu trong các bài tập thể lực.

Bằng sự nỗ lực ấy, 17 tuổi Tùng được HLV Trần Văn Phúc đưa lên đội một. Năm 2008, tròn 20 tuổi, Tùng đã kịp ghi dấu ấn với 4 bàn thắng góp công lớn giúp Thanh Hóa trụ lại V-League năm đó. Ở giải U21 quốc tế báo Thanh Niên cùng năm, Tùng là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của U21 Việt Nam.

Chính anh là người ghi bàn duy nhất giúp U21 Việt Nam vượt qua Singapore trong trận tranh HCĐ. Từ sau dấu mốc ấy, Tùng luôn có tên ở những lần U23 Việt Nam tập trung và được xem là một trong những tài năng hứa hẹn nhất của bóng đá Việt Nam.

Cảm hứng của người Thanh

Mùa này, cùng HN.ACB, Thanh Hóa được xem là một trong 2 ứng viên lớn nhất cho suất xuống hạng. Sau 6 vòng đấu, Thanh Hóa có 7 điểm, đang đứng trên V.Ninh Bình, ĐT.LA và HN.ACB. Tới giờ, Thanh Hóa đã có 9 bàn thắng và 4 trong số đó thuộc về Đình Tùng.

4 bàn thắng ấy của Tùng mang lại không ít điểm số cho Thanh Hóa. Ấn tượng nhất trong những pha lập công của Đình Tùng là kiệt tác vào lưới HN.T&T ở vòng 4.

Phút 85, khi tỷ số đang là 0-0, có bóng bên cánh trái, sau một pha đảo người Tùng đã loại được 2 hậu vệ đối phương và cú xiết lòng trong chân phải của anh đưa bóng vào góc xa, đánh bại thủ môn Dương Hồng Sơn, đem lại chiến thắng 1-0 cho Thanh Hóa.

Nói về V-League 2011, HLV Lê Thụy Hải cho rằng, Thanh Hóa phải nhọc nhằn lắm mới có cửa trụ hạng. Trong cuộc hành trình tìm sự sống sót đầy vất vả ấy, ông Hải nói rằng, tinh thần chiến đấu, những bàn thắng đẹp như mơ của Tùng là niềm cảm hứng lớn lao cho đội bóng của ông.

Tài năng của Tùng đem đến những bàn thắng, đem đến nguồn cảm hứng cho một Thanh Hóa nghèo nàn cả về tiền bạc lẫn nhân sự. Nhưng công lao của anh với đội bóng tỉnh Thanh không chỉ đo đếm bằng những bước chạy mỗi cuối tuần, bởi anh đã là tấm gương mà không ít đồng đội nhìn vào đó để noi theo.

Vài năm nay Tùng đã lọt vào nhóm những cầu thủ hàng đầu Việt Nam. Với một cầu thủ cỡ như Tùng, phải ở B.Bình Dương, V.Hải Phòng, HN.T&T – những đội bóng có tầm, có khát vọng mới xứng đáng.

Cuối V-League 2009, Tùng đã có cơ hội ấy. Nhiều đội bóng muốn có Tùng nhưng V.Hải Phòng là máu me nhất. Ông GĐĐH đội bóng này đã vác cả vali tiền gõ cửa nhà Tùng để đề nghị anh về Hải Phòng chơi bóng.

“Tôi không nghĩ tương lai sẽ đến một đội bóng khác bởi tôi đang rất hạnh phúc khi được cống hiến cho đội bóng quê hương”, Đình Tùng tâm sự

Nếu Tùng gật đầu, anh không cần phải lo lắng về thủ tục pháp lý và có thể thể bỏ túi ít nhất 3 tỷ đồng cho một năm hợp đồng. Thế nhưng, V.Hải Phòng đã phải ôm nỗi thất vọng, bởi Tùng quyết định chọn Thanh Hóa, đội bóng nghèo quanh quẩn chỉ tính chuyện trụ hạng.

Ông Hoàng Đình Thảo, cha của Tùng, nói rằng, ông chẳng quan tâm đến chuyện con trai kiếm được bao nhiêu tiền. “Hắn phải giữ được cái tâm, giữ được tình yêu của người hâm mộ. Thanh Hóa là quê hương, hắn phải đá cho quê hương chứ”.

Triết lý ấy của người thợ làm bánh mỳ đã giúp bóng đá tỉnh Thanh giữ được “viên ngọc quý”! Cũng nhờ quyết định ở lại của Tùng, Thanh Hóa đã tránh được cuộc “mất máu” lần nữa sau khi những Tiến Thành, Hoàng Đảm… lần lượt rũ áo ra đi.

Chính nhờ cái tình với quê hương ấy, Tùng đã giành được trọn vẹn trái tim những CĐV Thanh Hoá. Và bây giờ Đình Tùng đã là “biểu tượng” bóng đá của cả tỉnh Thanh!

4 bàn sau 6 vòng đấu, đang là cầu thủ quan trọng nhất của ông Hải “lơ”, là người được yêu mến nhất ở xứ Thanh, nhưng Đình Tùng không coi mình là ngôi sao. “Mỗi cuối tuần được ra sân chơi bóng, được các CĐV gọi tên, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Một mình Đình Tùng không thể ghi bàn. Những bàn thắng của tôi là công sức của đồng đội, của người hâm mộ. Tôi không nghĩ tương lai sẽ đến một đội bóng khác bởi tôi đang rất hạnh phúc khi được cống hiến cho đội bóng quê hương”, Tùng tâm sự. 

Biệt danh Tùng “con”

Chỉ cao 1m66, nặng chưa bao giờ tới 60 kg, nhưng biệt danh Tùng “con” lại không phải xuất phát từ vóc dáng của Đình Tùng. Vài năm trước, Thanh Hóa cũng có một tiền đạo khá nổi tiếng là Hoàng Thanh Tùng. Thanh Tùng sinh năm 1982, từng được HLV Alfred Riedl gọi vào đội U23 Việt Nam nhưng đã sớm phải giải nghệ vì bệnh tim. Vì có 2 Tùng nên Đình Tùng được đồng đội thêm từ “con” để phân biệt với đàn anh. Sau khi treo giầy Tùng “anh” vẫn làm việc ở đội Thanh Hóa và vì thế biệt danh Tùng “con” vẫn được các đồng đội dành cho Hoàng Đình Tùng.

Không ngán “Tây”

Nhỏ thó nhưng Đình Tùng, nói như đồng đội cũ Mai Tiến Thành, là chẳng khác một “đấu sĩ” trên sân cỏ. Nhanh, khéo, chọn vị trí tốt, Đình Tùng cũng sẵn sàng lăn xả ở những pha cản phá. Là mũi tấn công lợi hại, Tùng luôn nhận được sự chăm sóc kỹ lưỡng của đối phương. Tùng bảo anh tôn trọng tất cả các hậu vệ, nhưng không run sợ trước bất cứ đối thủ nào. Với những hậu vệ ngoại cao to lừng lững, Tùng bảo chỉ cần chơi đúng kỹ thuật là không “ngại” anh nào.

Họ đã nói về Đình Tùng

HLV Trần Văn Phúc: “Đình Tùng là cầu thủ đặc biệt. Rất nghị lực và chăm chỉ, sinh hoạt đời thường rất mẫu mực. Vì thế cậu ấy có đủ thể lực để chơi trọn 90 phút. Chuyên môn tốt, tinh thần thi đấu tốt, HLV nào cũng muỗn có mẫu cầu thủ như thế”.

HLV Lê Thụy Hải: “Thanh Hóa không có ngôi sao. Đình Tùng chỉ là cầu thủ giỏi có những phẩm chất mà không đồng đội nào có, thế thôi! Nhưng cậu ấy là cầu thủ quan trọng của đội. Có thể đem lại những bàn thắng đẹp, có thể giải quyết trận đấu bằng một tình huống và có thể kéo cả đội chạy liên tục không biết mệt. Hiện tại Tùng là nguồn cảm hứng cho cả cầu thủ và CĐV Thanh Hóa”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm