Quái chiêu Hà Nội: Tòng “cháy” & tuyệt chiêu

23/01/2009 19:12 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH Cuối tuần) - Ông đã được nhiều nhà chuyên môn coi là đệ nhất hậu vệ mọi thời của bóng đá Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng.
 
Chơi bóng đá từ nhỏ, tròn 18 tuổi đã đầu quân cho CLB Hoàng Diệu nổi tiếng rồi vào đội tuyển Việt Nam DCCH, sau về trụ vững ở đội bóng CAHN và kén được rể hiền là Lê Quang Ninh, là trung phong nổi tiếng của đất Cảng. Một lần, “siêu” trọng tài Huy Khôi, tức Khôi “kinh kông”, khi ấy là Phó GĐ Sở TDTT Hà Nội đã thân mật nói với Ninh “đen”:"Cậu là tay săn bàn hạng nhất, đã gần bằng đám Hùng “xồm”, Hiển “coóc” rồi đấy, nhưng mà nếu các cậu gặp phải tay hậu vệ nào như bố vợ cậu thì “chết” là cái chắc…"
 
Tả vệ hạng sang

Tuyển miền Bắc hồi sang Trung Quốc thi đấu năm 1956 toàn những tay cừ. Đá theo sơ đồ 3-2-5 (W-M) cổ điển với những gương mặt: TM Đức “ba xương” (còn 2 dự bị là Nghĩa “min” và Koóng “kều”); HV Te (2)-Nghẽn (3)-Tòng (4); TV Luyến (5)-Thưởng (6); TĐ Nghĩa (7)-Bảy (8)- Tuất (9)-Tiền (10)-Ba Len (11). Hồi đó, Trương Tấn Nghĩa sút tung lưới TM Trương Tuấn Tú từ xa 40m làm tờ Trung Hoa thể dục báo đăng ảnh kèm lời bình to tát! Các mũi nhọn khác như Tuất cực khéo, Mười Tiền “đáng yêu”, hay Bảy chơi như một giáo sư…Duy hàng thủ có Te gai góc pha màu dân đất Cảng và 2 chàng trai Thủ đô Nghẽn-Tòng, một to cao một thấp nhỏ song họ bù đắp tuyệt vời cho nhau khi đá cặp. Trong đó, Lưu Đình Tòng được xem là quái kiệt, với những màn trình diễn độc đáo và khó quên nhất. Tòng “cháy” lập nhiều công trạng khi khoác áo đội tuyển và CAHN, điều quan trọng là có nhiều những pha bóng kỳ lạ mà lớp hậu thế rất khó ai đủ sức lặp lại.
 
Cựu danh thủ Tòng "cháy". Ảnh: Phan Sang

Giải bóng đá Việt-Trung-Triều-Mông ở Hà Nội năm 1960, trận đấu Việt Nam-Trung Quốc được chờ đợi nhất vì thành phần 2 đội đều là các hảo thủ, phía bạn là TM Trương Tuấn Tú, TV Niên Duy Tứ, Phương Nhuận Thu, TĐ Trương Hồng Căn… – họ là những VIP của bóng đá Trung Quốc vừa đi tập huấn Liên Xô về. Phút 86, tỷ số đang là VN-TQ 2-3 thì đội VN được đá quả phạt trực tiếp, trái bóng đặt ngay tại đỉnh vòng cung của khu vực 16m50, lập tức sân Hàng Đẫy rền vang tiếng hô theo nhịp vỗ tay “Tòng cháy! Tòng cháy!”.
 
Đó là một thói quen chỉ có ở sân Hà Nội và cũng chỉ có với hậu vệ Lưu Đình Tòng là người có cú sút phạt ghê gớm nhất. Bình sinh Tòng “cháy” tập đá cả 2 chân nên tuy thuận vế trái, nhưng ông chơi cả 2 bên như nhau, chính khả năng này đã giúp hậu vệ người Hà Nội có thể làm nhiều đối thủ “khóc hận”. Quả thật, quả phạt đó là một kỷ niệm “kinh hoàng”…, khi hậu vệ nhỏ con ấy tiến đến đặt lại quả bóng và lùi xa lấy đà, không ai biết ông sẽ tung đòn bằng chân trái hay chân phải. Và chỉ khi bước chạy đà cách trái bóng vài mét, các khán giả tinh ý mới giật mình nhận ra rằng ông sẽ sút chân phải, và nhanh như tia chớp, trái bóng bay vụt đến, trúng ngay xà ngang bật lên bật xuống 2 lần làm tung làn vôi trắng ở trên sân cỏ trong niềm vui vỡ oà của hơn hai vạn người xem Thủ đô. Tỷ số là 3-3. Trớ trêu thay, ngay khi cầu thủ ta và bao khán giả còn đang sung sướng thì “mũi tên xanh”, trung phong Trương Hồng Căn đã ấn định tỷ số 4/3 cho tuyển Trung Quốc ngay phút cuối trận.

Lưu Đình Tòng thuộc diện hậu vệ không mấy ai qua nổi. Trận đấu giao hữu với tuyển Algeria trên sân Hà Nội năm 1961 là một ví dụ. Hộ công Petephi (10) khét tiếng của CLB Reims, từng đá cạnh thiên tài Just Fontaine- trung phong đội tuyển Pháp, vua phá lưới World Cup ’58, đã bị Tòng “cháy” kèm chết, đến nỗi Bình luận viên (BLV) Văn Hiệp-sư phụ của BLV Hoài Sơn sau này, đã phải thốt lên trên đài Tiếng nói Việt Nam: “Cả ba lần động tác giả mà hậu vệ Lưu Đình Tòng không phản ứng, tiền đạo Petephi buộc phải chuyền trái bóng đi và lắc đầu tiếc rẻ”.

Tuyệt chiêu

Cú đá ấy, tiếng Pháp gọi là Ciseau, tiếng Brazil là Chilena hay Pele kick và tiếng Anh gọi là Bicycle kick, còn dân ta thì gọi là “xi-dô” hay “ngả bàn đèn”. Nhưng nếu tung người lên cao để ngả bàn đèn trên không, ngay trên vạch khung thành thì lại chẳng mấy ai làm được. Đến nay, sau mấy chục năm theo dõi bóng đá Việt, chúng tôi mới biết đến một người- ông bố vợ của Ninh “đen” là tác giả của cú đá ấy.

Tòng “cháy” thật nhiều tuyệt chiêu, song đáng nói nhất chính là cú tung người móc bóng cứu thua ngay trong khung thành đội nhà. Trong bối cảnh bóng đá ngày ấy thì cú móc bóng của ông thuộc loại “vô tiền khoáng hậu”, được thực hiện nhiều lần trên mặt sân Hàng Đẫy mà thế hệ U70 người Hà Nội còn nhớ. Tuy nhiên, ấn tượng lớn nhất là 2 cú móc bóng kinh hoàng được ông thực hiện vào cuối năm 1959 trên đất nước Campuchia.
 
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đoàn bóng đá tuyển Việt Nam (Ông Tòng "cháy", người đứng thứ hai hàng đầu từ trái sang). Ảnh: Phan Sang.
 
Trận đấu thứ nhất, ĐTVN gặp đội tuyển Ph’nompênh, Tòng “cháy” móc bóng cứu thua ở tầm cao, khi rơi xuống thế nào đầu “cắm” xuống và tư thế trồng cây chuối ở vạch cầu môn giữ nguyên đến một phút, hữu vệ Quắn Đình Te chạy đến lắc lắc vẫn không “ra” khiến khán giả bàng hoàng và trận ấy ta thắng 2-0. Ba hôm sau, đá với tuyển Hoàng gia, hậu vệ Tòng “cháy” lại thực hiện một kỹ thuật khác quá ư xuất sắc: khi bị đối phương treo bóng qua đầu và tiền đạo Thong Biên (11) đuổi sát, hậu vệ nhỏ con của Việt Nam đã tung người lên, dùng bàn chân phải “gắp” trái bóng xuống, lật qua bên trái khiến Thong Biên bị lỡ đà rồi dẫn bóng tiến lên trong sự ngạc nhiên của mấy vạn người xem Ph’nompênh! Ngồi bên ngoài trận đấu ấy, tiền vệ Soset khét tiếng của đội bạn, từng được cụ Văn Hiệp gọi là “đỉa đói” khi bình luận, sau đó đến bắt tay chúc mừng đội ta (thắng 2-1) và nói với Tòng “cháy” rằng ông ta đã quá khiếp đảm khi xem Tòng “cháy” phô diễn tài năng, cách lấy bóng ấy cứ như thiên tài Zosep Masopust của Dukla vậy!

Ngày Xuân, tôi gặp lại “lão hậu vệ” trứ danh ở ngôi nhà phố Hàng Bông quen thuộc. Ông tự hào cho tôi xem tấm ảnh đoàn bóng đá Việt Nam đến chào Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước ngày sang Campuchia thi đấu năm ấy. Tòng “cháy” quắc thước lắm, ông vui vẻ trả lời tôi trước câu hỏi về các hậu vệ ngày nay của bóng đá Việt Nam.

- Nói chung là được, các cháu bây giờ khoẻ, biết chiến thuật, nhưng không toàn diện. Cần bổ sung trí khôn và cả sự tinh vi, tính quyết liệt và kỹ năng tranh cướp bóng, phải biết cách để nhử đối phương và biết cách dùng sức tuỳ lúc, tuỳ trận.

Trước câu hỏi về khả năng của các tiền đạo, Tòng “cháy” tươi cười:

-Đó là khâu yếu đấy. Yếu nhất là cú sút. Hay phí bóng, lại ít biết cách đánh lừa đối phương và đôi khi thấy cả sự ngớ ngẩn nữa. Tôi thích nhất lối đá của anh Tuất, vừa thông minh lại hiệu quả, cung cách ấy rõ là dân Hà thành chơi bóng.

Tuổi Canh Ngọ mẫn tiệp, Tòng “cháy” còn đau đáu với trái bóng quê hương nhiều lắm!

Ama Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm