Sự khác thường của thị trường chứng khoán Việt Nam

20/09/2008 01:04 GMT+7 | Thế giới

Lên giá, xuống giá là điều bình thường của thị trường - có như vậy mới gọi là thị trường! Nhưng lên, xuống của giá chứng khoán ở Việt Nam trong thời gian qua lại rất khác thường. Chính sự khác thường này mà các nhà tài chính quốc tế đã xếp thị trường chứng khoán Việt Nam vào nhóm "thị trường cận biên" mà chưa thuộc loại "thị trường đang lên".
 

Sự khác thường của thị trường chứng khoán Việt Nam được biểu hiện ở nhiều mặt, với nhiều ví dụ chứng minh.

Khi thị trường tăng thì bất kỳ cổ phiếu nào cũng tăng; mà đâu phải công ty niêm yết nào cũng có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí có công ty lỗ lớn đang trong diện chưa biết xử lý thế nào cũng tăng, có công ty lỗ lớn nhưng giá cổ phiếu lại tăng cao, tăng liên tục? Khi thị trường giảm thì bất kỳ cổ phiếu nào cũng giảm; mà đâu phải công ty niêm yết nào cũng có kết quả kinh doanh xấu, thậm chí có công ty lãi lớn nhưng giá cổ phiếu lại giảm lớn, giảm liên tục.

Khi thị trường tăng thì chỉ có người mua mà không có người bán - bên bán trống trơn và không có dư bán; khi thị trường giảm thì chỉ có người bán mà không có người mua.

Gần đây lại xuất hiện các "bẫy" tăng, giảm điểm trên các sàn giao dịch - một công cụ được các nhà đầu tư tổ chức, các "đại gia" dùng mỗi khi cần xả hàng chốt lãi hoặc mua tích lũy. Khi xả hàng chốt lãi, kịch bản của thị trường tăng điểm ở phiên 1, rồi giảm ở phiên 2 và phiên 3. Khi cần mua tích lũy, kịch bản của thị trường ngược lại, tức là giảm điểm ở phiên 1, rồi tăng điểm ở phiên 2 và 3.

Thông tin dự báo là một kênh tham khảo quan trọng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong một thời gian dài, thông tin "trời ơi đất hỡi" cũng có thể làm cho các nhà đầu tư mua vào hay bán ra tháo chạy. Gần đây, sự phản ứng của các nhà đầu tư đối với các thông tin, dự báo lại khác hẳn trước. Tất nhiên, thông tin dự báo giờ có quá nhiều, làm cho nhà đầu tư "trúng lớn" cũng như "thua" cũng không nhỏ.

Nhưng mới đây nhất, trước quá nhiều thông tin tốt thì thị trường lại giảm giá sâu. Một vài ví dụ: Ngày 25/8, có thông tin giá tiêu dùng tháng 8 chỉ tăng 1,56%, thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Sau đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng được công bố với chiều hướng tích cực, như nông nghiệp được mùa, công nghiệp tăng trưởng khá, nhập siêu giảm, lượng ngoại tệ vào nước ta tăng khá từ nhiều nguồn, nhất là đầu tư trực tiếp thực hiện, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân, lượng kiều hối… Ngày 27/8, giá xăng giảm. Nhưng giá chứng khoán không những không tăng mà còn quay đầu giảm giá và sau đó giảm liên tục tới 6 phiên với tổng số điểm lên tới 82 điểm, với mức bình quân 13,7 điểm/phiên- một mức điểm giảm hiếm thấy.

Khi thị trường tăng điểm, nhưng cũng còn trong giai đoạn "ì ạch leo dốc", còn cách rất xa đỉnh dốc đã từng vượt qua, thì lượng cổ phiếu lại được ào ạt đưa vào chợ, trong khi người mua cũ đang có xu hướng ra khỏi chợ, còn người mua mới lại chưa vào. Đáng lưu ý, cung chứng khoán tăng mạnh lại chính là các nhà đầu tư đặc biệt (công ty niêm yết phát hành bổ sung, cổ đông nội bộ), nhà đầu tư nước ngoài, và có một phần lỗi "bán tháo" của các nhà đầu tư khác trên thị trường.

Tính trông chờ, ỷ lại vào động thái can thiệp của Nhà nước cũng còn rất nặng, biểu hiện rõ nhất là trông chờ việc mở room cho nhà đầu tư nước ngoài; tăng giảm biên độ giao dịch, việc mua vào của công ty quản lý vốn nhà nước, việc cầm cố hay giải chấp cầm cố… Đầu tư không phải bằng vốn của mình, đầu tư theo phong trào hơn là quyết định của bản thân.

Từ những sự khác biệt trên, có thể khái quát thành một đặc điểm lớn nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam là tâm lý đám đông còn chi phối mạnh, làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam có tính rủi ro cao, tính thanh khoản thấp.
 
(Theo TNCK)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm