Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung: “Tôi muốn đi để soi lại mình!”

16/08/2011 20:25 GMT+7 | Văn hoá

Từ 10 đến 13-8, Nhà hát Tuổi trẻ có 4 đêm diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ tại Cam Ranh. Trước giờ đoàn lên đường, Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần đã có cuộc gặp gỡ cùng NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn II, Nhà hát Tuổi trẻ, người “cầm đầu” đoàn đi.


*Lý do Nhà hát Tuổi trẻ “bỗng dưng” đến với người lính, thưa anh?


- Hiện cả nước đều hướng về biển, đảo, về Trường Sa. Vì thế, Nhà hát Tuổi trẻ cũng hướng về biển, đảo theo góc độ riêng của mình. Tuy nhiên, đường từ đây vào Cam Ranh xa quá, nên cần phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty FPT và cá nhân Đinh Tiến Dũng (tức GS. Cù Trọng Xoay trong chương trình “Thư giãn cuối tuần”- VTV3) là người rất nhiệt tình trong việc này.

Chương trình này cũng là dịp để chúng tôi thực hiện lời hứa của đoàn các doanh nghiệp năm ngoái ra thăm Trường Sa. Lúc đó, Đinh Tiến Dũng là đại diện truyền thông của Nhà hát Tuổi trẻ. Các anh ngoài đó hỏi: “Có mời được Đời cười vào đây diễn không?” Dũng trả lời: “Em mời được!”.

Tuy nhiên, chúng tôi làm được hơn thế, tức là làm cả chương trình về người lính, để kéo gần người lính hơn với sân khấu.

*Nhà hát Tuổi trẻ đem gì đến cho người lính, thưa anh?

- Thành phần đi gồm 15 người, chủ yếu là những danh hài như: Tôi, NSƯT Ngọc Huyền, Đức Khuê, Hiệp "gà", Tuấn Anh, Thùy Dung, Bạch Ngọc Quỳnh, Chí Huy, Sĩ Tiến và diễn viên điện ảnh Kim Oanh… Chúng tôi đem đi 10 tiểu phẩm, bảo đảm chương trình diễn 3 đêm không giống nhau.

Chúng tôi diễn đồng thời 2 chương trình: Hài kịch “Đời cười” và “Lính cười”. “Lính cười” gồm các tiểu phẩm về người lính với người lính, người lính với dân, dân với người lính, tình yêu của người lính, những câu chuyện ngộ nghĩnh trong đời sống người lính. Hy vọng, chương trình này sẽ được chính những người lính hải quân đón nhận.

*Hình thức dàn dựng của “Lính cười” có giống “Đời cười”, thưa anh?

- Cũng tương tự như vậy! Thực ra, “Đời cười” hay kịch ngắn, hay hài kịch đều chỉ là những tiểu phẩm được xây dựng một cách hoàn chỉnh trong khoảng 20-25 phút và hấp dẫn để cười, để chuyển một thông điệp nào đó. Những tiểu phẩm ấy có thể còn hơn rất nhiều những tác phẩm diễn 2-3 tiếng đồng hồ mà chẳng ai xem, những tác phẩm mà tốn rất nhiền tiền đầu tư của Nhà nước nhưng chỉ diễn được đúng buổi tổng duyệt hay chỉ nửa buổi tổng duyệt, khán giả đã về mất 2/3. Chúng tôi vẫn nói với nhau: “Ta thà diễn tiểu phẩm tốt còn hơn làm tác phẩm tồi!”.

* Anh lấy đâu ra những dữ liệu về người lính để xây dựng các tiểu phẩm?

- Chúng tôi đọc qua các báo chí quân đội như Tạp chí Văn nghệ Quân đội…

* Để các tiểu phẩm thực sự ra được chất lính, anh đã có cơ hội thâm nhập đời sống người lính?

- Thực ra, với tất cả những người tuổi bọn tôi thì hình ảnh người lính đâu có gì xa lạ, đâu phải là “đặc sản” ở đâu đó mà không tìm thấy. Nhà nào chẳng có lính. Tôi là thế hệ sinh đầu những năm 60, mà thế hệ ấy thì hầu hết đều trải qua đời lính. Hay ngay trong đoàn tôi cũng có nhiều người từng là lính. Người lính đâu phải là đề tài xa lạ. Người lính là một phần của cuộc sống ở đây rồi.

*Thế hệ của anh và những thế hệ trước là những người lính trong chiến tranh. Còn người lính hôm nay, người lính trong thời bình sẽ có những khác biệt so với trước kia. Anh có cập nhật kịp những vấn đề của hôm nay?

- Chúng ta xem chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” thì thấy rằng, thực ra, người lính hôm nay cũng không khác nhiều người dân. Cũng là những tâm tư, tình cảm của con người. Hay nói vui, quân đội cũng có thể là một nghề. Mà đã là nghề thì đều có buồn có vui, có người tốt, kẻ xấu. Vấn đề là ta tìm ra một số người chưa tốt lắm để làm cho hoàn thiện hơn. Đó là tác dụng của hài kịch. Ngợi ca không phải là tác dụng của hài kịch.

Các tiểu phẩm của “Lính cười” xoay quanh những câu chuyện như trồng rau, những anh lính mới tò te khóc nhè nhớ mẹ, hay những anh lính nhìn thấy con gái thì chân tay luống cuống… Đó đều là những câu chuyện đời thường.

Trong chương trình, chúng tôi không dừng ở lính hải quân, mà còn mở rộng đề tài về những người lính nơi biên giới, lính sản xuất… Chúng tôi còn diễn “Đời cười”, để người lính sau một thời gian công tác xa cập nhật hơi thở cuộc sống.

*Bản thân anh đã diễn nhiều cho người lính?

- Vẫn còn khá ít! Trước đây, thời còn bao cấp, có một số đơn vị quân đội mời. Nhưng giờ, Nhà hát Tuổi trẻ đã xã hội hóa nên mức vận hành một chương trình biểu diễn rất cao, các đơn vị không chịu nổi. Hơn nữa, bản thân những người lính giờ được xem ti vi nhiều nên cũng không còn khát khao xem kịch như ngày xưa. Ngoài ra, các đoàn nghệ thuật quân đội cũng đang hoạt động rất tích cực.

*Theo cảm nhận của anh, khán giả là người lính có khác so với người dân?

- Cứ xem chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” là biết thế nào. Chúng tôi chỉ cần 50% sự nhiệt tình như thế là thích lắm rồi.

*Cùng là mục tiêu phục vụ những người lính đảo, nhưng vì sao chuyến lưu diễn này không phải là Trường Sa, mà mới dừng ở Cam Ranh, thưa anh?

- Đợt này đang mùa biển động. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng ra Trường Sa!

*Anh đã từng ra đảo?

- Chưa! Nhưng tôi sẽ đi! Ra đó có tác dụng thanh lọc tâm hồn mình. Ai đi về cũng nói thế! Mỗi lần tôi đi vùng cao cũng thế. Mình được trở lại với đời sống thực của con người, thay vì cứ chen chúc ở đây, không kịp dừng lại để ngẫm nghĩ, không kịp ngoái lại để nhìn lại mình, định hình lại mình. Vào những nơi tĩnh lặng như biên giới, hải đảo, với tiết tấu chậm lại, mình sẽ thấy cuộc sống hay hơn. Mình sẽ về soi lại mình ở đời sống thị thành và cảm giác trong trẻo hơn.

Tuy chưa ra hải đảo nhưng tôi cũng rất hiểu điều mọi người nói, đó là, bỗng nhiên thấy mình tầm thường, khi mình cứ loay hoay vật lộn, nhặt nhạnh, gom góp, giấu giếm, gian dối. Trong khi, ở hải đảo, người ta không có nhiều cái tham vọng đến thế. Đời sống của họ rất bình thường và chỉ có sự cống hiến. Những cái ti tiện, nhỏ bé của con người ít có cơ hội bộc lộ.

* Xin cảm ơn anh!

Theo Quân đội nhân dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm