Phim hay cũng bị lãng phí

29/10/2012 09:17 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Vào lúc 15h hôm 27/10 tại IDECAF (TP.HCM), phim Tâm hồn mẹ (KB-ĐD: NSƯT Phạm Nhuệ Giang) đã có suất chiếu bán vé lần thứ hai trong sự nghiệp của mình - điều này đã làm cho đạo diễn phải rơi nước mắt ví xúc động. Tuy không đến mức “cháy vé” như suất chiếu tại L’Espace (Hà Nội) hôm 19/10/2012, nhưng đã có khoảng 300 người chịu bỏ 15 ngàn đồng vào xem suất chiếu với máy phóng, chất lượng khá “mờ ảo”. Điều này một lần nữa nhắc lại chuyện cũ vẫn còn nan giải, đó là làm sao để phát hành phim do nhà nước đầu tư sản xuất cho nhanh chóng, hiệu quả. 

Cảnh trong Tâm hồn mẹ - một phim có chất lượng nhưng bế tắc chuyện phát hành

Phim Tâm hồn mẹ được nhà nước tài trợ 3,9 tỷ đồng, một quỹ hỗ trợ điện ảnh của Pháp cho 100.000 euro và Quỹ Global (Mỹ) hỗ trợ 10.000 USD, kinh phí đầu tư gần 7 tỷ đồng. Hoàn thành năm 2011, tại LHP quốc tế Dubai lần thứ 8 (từ ngày 7 - 14/12/2011), Phùng Hoa Hoài Linh đã giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc phim Á - Phi. Thế nhưng từ đó đến nay, phim vẫn chỉ nằm trong khuôn khổ các suất chiếu nội bộ, chẳng thể công rạp, dù chỉ là vài suất “lấy hên”; ngoài 10 bản bán cho đội chiếu bóng quân đội.

Phim “tâm đắc nhất”?

Đây là lời tâm sự thẳng thắn mà đạo diễn Nhuệ Giang từng nói về Tâm hồn mẹ khi nó vừa hoàn tất. Và chị cũng tái khẳng định “gu” của phim cách đây vài ngày: “Tôi không hy vọng phim của mình được đông đảo khán giả đón nhận”. Thực tế đã chứng minh điều này, những phim có thiên hướng tâm lý nặng nề, như Trăng nơi đáy giếng, trước đây hay Lấy chồng người ta mới đây, dù được quảng bá rầm rộ, nhưng các suất chiếu vẫn rất vắng vẻ, buộc rạp phải đóng cửa sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên, việc một phim ra rạp mà bị kén khán giả rất khác với một phim làm xong rồi bị… “đắp chiếu” chờ quên lãng. Vậy thì với chất lượng như Tâm hồn mẹ, việc phim này bị “đắp chiếu” ngay từ đầu có đáng không, e là không, vì nếu biết tổ chức phát hành tốt, phim vẫn có thể tìm được khán giả của mình (như hai suất chiếu vừa rồi), vì nó đáng xem.

Lấy bối cảnh bãi giữa sông Hồng, Hà Nội, phim kể chuyện một người mẹ đơn thân (Hồng Ánh thủ vai) nuôi con gái nhỏ là Thu (Phùng Hoa Hoài Linh), mà kế bên đó là một thành phố đang bị thực dụng hóa và sự vô cảm chi phối. Người mẹ gốc miền Nam ít học, dục tính mạnh mẽ đã sống lơ ngơ, trơ trọi giữa một chợ trời và chợ đời đúng nghĩa. Cô có tình yêu xác thịt và có vẻ mù quáng với một chàng tài xế xe tải, cũng người miền Nam, nó như là chiếc phao hy vọng để cô làm lại từ đầu.

Diễn xuất của “mẹ con” Hồng Ánh và Phùng Hoa Hoài Linh là điểm sáng nhất của phim này, nó đã bộc lộ được một thế giới nội tâm dù mạnh mẽ, quyết liệt nhưng chẳng có gì rõ ràng; kiểu như cậu bé trong phim ngây ngô định nghĩa về nơi trú ngụ của tâm hồn: “Nó ở trong đầu và trong bụng của người tốt”. Tâm hồn mẹ là băn khoăn không lời đáp về những tâm hồn đang sống bên lề xã hội, mà ở đây là hai người nữ gần như vô danh.

Sau Thung lũng hoang vắng, Phạm Nhuệ Giang đã mất khoảng 20 năm để ấp ủ và hoàn thành Tâm hồn mẹ, chị biết chấp nhận mọi khó khăn. Tại buổi giao lưu với khán giả sau suất chiếu ở L’Espace mới đây, nữ đạo diễn đã âu lo khi nói về dòng phim này: “Làm phim nghệ thuật ở nước ta khó lắm, kinh phí không có, phim hoàn thành không chiếu được ở đâu. Tôi theo đuổi nên chấp nhận. Tôi không hy vọng sản phẩm mới của mình sẽ được đông đảo khán giả đón nhận, đó là điều không tưởng”.

Cũng như một vài phim nhà nước có chất lượng trước đây, sau vài suất chiếu “cúng dường”, do không có kinh phí hoặc không tìm ra giải pháp hợp lý cho phát hành, phim bị “đắp chiếu”, thành ra lãng phí.

Siêu lãng phí

Sau khi chờ đợi dài cổ không thấy phim Thái sư Trần Thủ Độ (30 tập, đầu tư khoảng 56 tỷ đồng) công chiếu, dù Đại lễ 1.000 Thăng Long đã qua lâu rồi, một nhà sản xuất phim tư nhân muốn giấu tên nói rằng trốn thuế đã bị xử tội nặng, vậy thì việc lãng phí tiền thuế của nhân dân như thế này thì nên khép vào tội gì? Lý do của việc không công chiếu khá chung chung, nào là nội dung chưa phù hợp thời điểm; giống phim Trung Quốc; cần thời gian chỉnh sửa… Nhưng thực chất, trong giới đã rỉ tai nhau về mức độ nhảm nhí của phim, dở đến mức mà các nhà sản xuất không dám chiếu, sợ gặp phải câu hỏi về mức đầu tư, bởi gần 2 tỷ đồng cho một tập phim truyền hình 45 phút là khá cao so với mặt bằng chung của Việt Nam. Bởi chỉ cần khoảng 3-4 tập phim này là tư nhân đã làm được một phim giải trí chiếu rạp.

Ngày 8/6/2011, ông Trần Bình Minh (Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam) cũng đã “lắc đầu” với bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (19 tập, được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng) chỉ vì khả năng “bóp méo lịch sử dân tộc ta”, “không phù hợp với văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam”, theo lời của GS sử học Lê Văn Lan.

Nếu Tâm hồn mẹ kẹt đường phát hành vì Việt Nam chưa có nhà phát hành và hệ thống phòng chiếu chuyên về dòng phim này, thì hai phim truyền hình vừa kể đã được nhà nước đặt hàng và chỉ định kênh phát sóng nhân sự kiện ngàn năm có một, nghĩa là đường phát hành thênh thang, nhưng rốt cuộc, vì chất lượng quá kinh khủng, thành ra “chết yểu”. Chính các thực tế này đã làm cho việc phát hành phim nhà nước càng thêm khó khăn, từ đó tạo nên quán tính, cứ nghe phim nhà nước thì “cứ lắc đầu cho nó lành”.

VĂN BẢY


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm