Kịch "Tội ác quyền lực": Khi quyền lực biến thành tội ác

25/10/2012 13:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối qua (24/10) tại Kịch Sài Gòn (130 Cao Thắng, TP.HCM) vở Tội ác quyền lực (KB: Nguyễn Đăng Chương, ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu) đã bán vé suất thứ hai - suất mà giới phe vé hay nói rằng “nắn gân khán giả”. Bởi với vở này, có lẽ cần những khán giả có sở thích về kịch chính luận, kịch phê phán và đương nhiên cũng cần tinh thần trách nhiệm với xã hội, nếu không, sẽ thấy nặng nề, mệt mỏi, thiếu tính giải trí. 



Mạnh Tràng và Tấn Hoàng trong Tội ác quyền lực

Có hai điều gợi tưởng khi xem Tội ác quyền lực, đó là những vở kịch phê phán của Lưu Quang Vũ và tập truyện phê phán nông trang tập thể Chuyện thường ngày ở huyện của nhà văn Valentin Ovechkin - cả hai đều đình đám và có tiếng vang đến tận hôm nay. Trong vở này, ở cái huyện ven biển còn chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, ông Tiến (bí thư huyện) vì quyền lực và “chân dài” mà giẫm đạp cả luật pháp, đạo lý, tình người… Ông cũng sẵn sàng tống con trai ra đảo, không phải vì giữ biên cương hải đảo, mà là đi cai nghiện trá hình hoặc chết mất xác cũng không sao, để ông được “sạch sẽ” mà thăng tiến.

Một bản lĩnh sân khấu

Còn nhớ, khi vở này được phúc khảo tại TP.HCM, rồi được dự thi toàn quốc tại Huế, vài báo đã đưa lại lời xầm xì của dư luận: Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương làm cán bộ ở Cục Nghệ thuật biểu diễn nên mới dám viết mạnh bạo, thẳng thắn và dễ được duyệt như vậy.

Dù lý do là gì đi nữa, thì việc vở Tội ác quyền lực được sáng đèn cũng là một nỗ lực của người làm sân khấu, phản ánh phần nào nỗi lòng của người dân trước nhiều bức xúc như hiện nay.

Mối quan hệ đầy mưu mô, tráo trở giữa ông Tiến (do Tấn Hoàng thủ vai) với vợ con của mình, với người dân có công như ông Trúc (Mạnh Tràng) tuy khó khẳng định là đa số, nhưng cũng không khó thấy ngoài cuộc sống hiện tại. Vốn mạnh về diễn hài hoặc tưng tửng, cuộc đối đầu lạnh lùng của Tấn Hoàng và Mạnh Tràng đã đem đến cho vở diễn hơn một nửa sự thành công, làm họ bất ngờ; phần thành công còn lại là ở khả năng dàn dựng hợp lý của đạo diễn và sự tròn vai của nhiều diễn viên. Rõ ràng, chính cái nền hài hước nhẹ nhàng của sân khấu này làm cho vở diễn bớt gay gắt, người xem thấy thấm thía mà không bị sự “lên gân”, giáo điều gây ức chế.

Phải nói rằng Kịch Sài Gòn khá phiêu lưu khi dựng Tội ác quyền lực, nếu như họ không vì một mục đích nào đó cao hơn chuyện bán vé. Bởi thực sự mà nói, sân khấu có bề dày này đã được định hình bởi một “gu” khán giả thích sự hài hước, giải trí… đưa ra một “khẩu vị” như Tội ác quyền lực, thật khó để họ thưởng thức. Suất đầu tiên chỉ bán được khoảng 2/3 số ghế, nếu chỉ bán được 1/2 hoặc ít hơn cũng là bình thường, mà nhiều hơn mới là phép màu - khán giả đã chuyển hướng. Trước đây sân khấu này cũng đã có vài vở làm khán giả chuyển hướng như vậy, ví dụ Hồn ma báo oán, nay vẫn còn sáng đèn.

Nghệ sĩ Mạnh Tràng, người quản lý trực tiếp Kịch Sài Gòn hiện nay, cho biết: “Một sân khấu kinh doanh thì việc bán được vé là quan trọng, nhưng không phải vở nào cũng phải thế. Khi dựng Hồn ma báo oán Tội ác quyền lực, chúng tôi đã xác định tính chất chia sẻ với người dân những bất bình của họ, nên vắng khách một chút cũng không sao. Từ góc độ quản lý, cá nhân tôi cho rằng việc bán được 1/2 số ghế đã là thành công”.

Hướng đi cần khích lệ

Nhận định về vở này, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái đã viết: “Đối thoại được dựng bởi một tiết tấu nảy lửa, chan chát, nhất là trong xung đột giữa quyền lực, danh vọng và lý tưởng sống, sự trung thực, hy sinh. Mảng miếng đạo diễn rất rõ ràng, mạch lạc, với mục đích nhất quán. Đạo diễn rất coi trọng và chăm sóc sự “quăng bắt” giữa diễn viên trong thể hiện những liên hệ bên trong của nhân vật chứ không phải những “quăng bắt” hời hợt bên ngoài. Tất cả nhằm mài sắc chủ đề “phía sau quyền lực” của một số nhân vật quan chức là sự giả dối, thủ đoạn, thậm chí tội ác; đối lập với họ là những người trẻ trung quả cảm, trung thực. Vở kịch kết thúc bằng cách bỏ ngỏ để người xem tự suy nghĩ và lựa chọn thái độ sống của mình. Đây chính là cách kết thúc đích đáng của một tác phẩm kịch chính luận”.

Hơn nữa, dù dựng để tham dự liên hoan kịch chuyên nghiệp toàn quốc, nhưng trước đó họ cũng biết kịch bản này đang được Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam làm song song. Tại liên hoan, đây là vở diễn phía Nam duy nhất đoạt giải vàng; cùng 2 HCV cho Tấn Hoàng, Việt Hà và HCB cho Tấn Phát, Cao Thanh Danh.

“Bây giờ nói thì người ta không tin, chứ thực chất khi dựng Tội ác quyền lực, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ một chút quan điểm về đời sống hiện nay và chia sẻ với những nỗi khổ mới của người dân, ví dụ chuyện mất đất, chuyện nỗi lo biên cương hải đảo, quan chức băng hoại. Không cần phải chứng minh bất cứ điều gì, nhưng khi thấy cần thiết, Kịch Sài Gòn vẫn đầu tư cho những vở chính luận, sẵn sàng “thử lửa” khán giả, nhưng rất may, khán giả đã không quay lưng. Cá nhân tôi rất vui khi vở nhận được huy chương vàng, nhưng đó không phải là mục đích ban đầu. Tôi chỉ mong ước rằng hướng đi này cần được khích lệ để những người làm sân khấu như chúng tôi mạnh dạn hơn”, Phước Sang (ông bầu Kịch Sài Gòn) nói.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm