Uống cà phê, viết, rồi vội vã chạy đi

21/10/2012 09:05 GMT+7 | Đọc - Xem

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang

(TT&VH) - Đọc tập truyện ngắn Bán sách và bán giày (Đông A & NXB Văn Học, 2012), nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang giới thiệu. 

Cũng như nhiều người đọc khác, sau khi nhẩn nha xong truyện ngắn dán mác Tô Hải Vân, thể nào cũng nảy sinh thắc mắc về tác giả. Ngoài những truyện ngắn hàng loạt xuất hiện trên các trang báo giấy lẫn mạng, nếu tìm cái tên Tô Hải Vân, sẽ chỉ có vài dòng “lý lịch”, trong web của một trang bán sách, cũng như của dòng họ Tô, vắn tắt. 

1. Nhà văn Tô Hải Vân (tên thật, Tô Đăng Hải, sinh năm 1947 tại Hà Nội). Bên cạnh 22 năm làm giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, 18 năm làm nghề xuất bản tại NXB Khoa học và Kỹ thuật, Tô Hải Vân là tác giả rất quen thuộc với bạn đọc yêu mến tủ sách Văn mới của Đông A.  Thú thật, giới thiệu trên làm tôi ngạc nhiên, bởi tuổi tác và số năm  kinh nghiệm sống không liên quan gì đến nét trẻ trong các truyện ngắn của  ông. Và dường như không có mối liên hệ gì với cách ăn nói thanh niên tính,  nụ cười rạng ngỡ, và phong thái sống “chẳng có gì cần nghĩ” khi tôi vô tình  gặp ông thoáng chốc, mang sách vừa rời xưởng in, đến tặng cho nhà phê  bình Văn Giá cách đây hơn 2 tuần. May mà tôi được tặng ké một cuốn. 

2. Bán sách và bán giày gồm 11 truyện ngắn của Tô Hải Vân. Các  nhân vật chính, bao gồm những cái tên phiếm chỉ: G., gã, Bán sách, Bán  giày đi mải miết từ trang sách này sang trang sách khác, từ truyện ngắn này sang truyện ngắn khác. Rõ ràng các truyện có cốt cách kể, giai điệu nền ẩn bên trong câu chữ, tạo lối ngắt nhịp vừa phải… không ăn nhập gì vào nhau, chỉ có cái tên là điểm chung kết nối. 

Đọc truyện ngắn Tô Hải Vân, hình dung ra tác giả viết như một người rảnh rang, loanh quanh không có việc gì, thì đành thõng tay nhét vào túi  quần, ra quán, “Uống cà phê, viết, rồi vội vã chạy đi” (tên một truyện ngắn trong tập truyện). Sự “vội vã” này nói ra kiểu như “chém gió” gọi cho là có, đỡ tui tủi thân rằng đang ế ẩm các mối quan hệ đang dần đứt mối nối, “vội vã” mà không biết “chạy đi” đâu, và để mà làm gì? Thế rồi mới thốt nhiên  buông vài từ, không ra văn viết, mà kiểu văn nói của bọn trẻ đương thời: “Hi  hi, rất vui!” (tr.5, Một ngày rất lạ), “Ha ha ha, rất hay!” (tr.6, Một ngày rất l).

Khi rảnh đời, ngồi đọc truyện Tô Hải Vân, đừng hy vọng nhiều vào sự  có thể nhớ mà kể lại được. Truyện không rõ ràng kể ra vấn đề gì, cũng chẳng  màng đến cái gọi là tư tưởng đạo đời… đó là những chuỗi suy nghĩ, liên  tưởng, kéo theo cơ man những cảm xúc là cảm xúc lúc đơn giản, lúc tường  minh, lúc rối nhằng, dẫn theo hệ lụy là lối sống tưng tửng điên của các nhân  vật. Khó hòa nhập giữa dòng chảy đời, lúc nào đó bị ngắt các kết nối với  người xung quanh, nhân vật cứ thế sống trong thế giới nội cảm của riêng họ. Chẳng phút bình an khi cứ đi tìm sự tồn tại của bản thân, vu vơ hơn là cái  tên, khi đến cái tên cũng chẳng tường minh rõ chữ. 

3. Tô Hải Vân ưa dùng những câu văn ngắn, trong một câu chuyện kể  dài. Ông có vẻ khoái trá của một gã đầu óc ngây ngô, trong sáng, thơ trẻ, khi  bắt gặp một kiểu biểu đạt tâm lý ngộ nghĩnh hay khác thường của đối tượng  đang giao tiếp. Điều mà Tô Hải Vân kiếm tìm, là mặt người thật bên trong  nhiều cái mặt nạ chằng chịt các mối quan hệ đắp nổi. Ông cứ nhìn xoáy sâu  chẳng chút nghi ngại vào cõi lòng người ta rồi bóc tách ra. Một truyện ngắn,  như một góc để mở ra các trạng thái biểu đạt tâm lý sâu xa ấy.  Tô Hải Vân cứ thế mà cười hồn nhiên khi gần chạm đến tuổi 70.

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm