Sơn mài Việt Nam: Vinh danh ở Nhật và Trung Quốc

18/10/2012 13:21 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Liên tiếp trong nửa đầu tháng 10, hai nghệ sĩ sơn mài có tiếng của Việt Nam, một là họa sĩ Lý Trực Sơn (sinh năm 1949) đem tranh sơn mài cùng đoàn 13 nghệ sĩ Việt Nam đi dự Biennale Bắc Kinh lần thứ 5. Và hai là họa sĩ Công Kim Hoa (sinh năm 1962) đem tranh sơn mài đi dự triển lãm “Cộng hưởng những rung động mới trong nghệ thuật sơn của các nghệ sĩ nữ quốc tế” tại Nhật Bản. Việc sơn mài Việt Nam có mặt tại các triển lãm lớn ở các nước có truyền thống nghệ thuật từ cây sơn lâu đời trong khu vực khẳng định thêm vị thế và tính “độc nhất vô nhị” của sơn mài nước ta. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với hai nghệ sĩ.

Họa sĩ Lý Trực Sơn: Sơn ở Trung Quốc chỉ dùng như một loại vật liệu thủ công mỹ nghệ

* Thưa ông, ông có thể cho biết vài nét khái quát về Biennale Bắc Kinh lần thứ 5?

- Người Trung Quốc mong muốn văn hóa hiện đại của họ tiến lên đẳng cấp thế giới, mong muốn đưa nghệ thuật của họ tương xứng với tầm vóc quốc gia của họ. Thế nên Biennale Bắc Kinh lần thứ 5 (lần thứ nhất bắt đầu từ năm 2002) diễn ra từ 28/9 tới 22/10/2012 là một cuộc “phô diễn” với sự đóng góp của nghệ sĩ tất cả các châu lục. Năm nay, ngoài triển lãm lớn, còn có ba triển lãm chuyên đề đặc biệt cùng thời gian về nghệ thuật đương đại của ba nước: Ấn Độ, Armenia và Mexico và triển lãm một bộ tranh khắc của Goya - danh họa Tây Ban Nha.

Đoàn nghệ sĩ Việt Nam tại Trung Quốc (họa sĩ Lý Trực Sơn đứng thứ hai, từ trái sang)

Còn khái quát về triển lãm, thì tôi thấy họ rất hay ở khâu tổ chức. Có vẻ như chính quyền không can thiệp vào vấn đề chuyên môn của hội đồng nghệ thuật, họ tin tưởng chuyên gia làm được việc của chuyên gia. Nên mỹ thuật của họ phát triển tương đối tự do về ngôn ngữ.

Tuy vậy, vì là nước có di sản nghệ thuật của các tác giả hàng nghìn năm (khác với ta, di sản nghệ thuật từ hơn 100 năm nay đổ về trước là vô danh) nên họ bắt buộc phải làm nghệ thuật mới của họ trên di sản đã có. Tôi cảm thấy các nghệ sĩ Trung Quốc bắt đầu cảm thấy muốn rời xa xu hướng pop - art, muốn quay về vẽ quốc họa và sơn dầu theo lối hiện thực Nga, quay về với sự bình yên không quá căng thẳng.

* Những tác phẩm sơn mài của đoàn Việt Nam được đánh giá như thế nào trong triển lãm? Ông có ý kiến gì về nghệ thuật sơn mài của ta và tranh sơn của Trung Quốc, Nhật Bản trong triển lãm?

- Đoàn Việt Nam có 13 nghệ sĩ tham gia, thì có tới 5 người mang tranh sơn mài. Tôi là tác giả lớn tuổi nhất trong nhóm, và tác phẩm mang đi của tôi là bộ tranh ba tấm mang tên Quê ngoại. Tôi có quan sát nhưng thấy phía Nhật Bản hình như không có tác giả nào tham gia tranh sơn. Còn tranh sơn hay nghệ thuật sơn Trung Quốc cũng có nhiều trong triển lãm, tuy nhiên không có điểm nào để có thể so sánh với nghệ thuật sơn mài của ta cả.

Tuy có truyền thống nghệ thuật sơn ta lâu đời, nhưng họ vẫn dùng sơn như một vật liệu mỹ nghệ thủ công, không có đặc tính riêng mà chỉ có khả năng diễn tả các chi tiết, vẽ lên một mặt bóng. Điều này tương tự như người Nga vẽ tranh icon, hoàn toàn dùng trang trí, không có tư duy tạo hình trong sơn mài, không sử dụng như một phương tiện hội họa, một chất liệu tạo hình. Do vậy, sơn mài Việt Nam vẫn là độc đáo, và tôi nghĩ việc tìm ra sơn mài quả là một “may mắn kỳ dị” của các họa sĩ Việt Nam tiền bối, và là niềm tự hào của chúng ta sau này…

* Xin cảm ơn ông!

Họa sĩ Công Kim Hoa: Sơn mài Việt Nam rất riêng trong thế giới Urushi phong phú!

* Thưa chị, đi dự triển lãm nghệ thuật sơn của các nghệ sĩ nữ quốc tế tại Nhật, có mình chị là đại diện cho Việt Nam?

- Phải nói cho rõ là mình tôi mang quốc tịch Việt Nam thì đúng hơn. Chứ còn đại diện cho phong cách sơn mài của Việt Nam có tới bốn người. Hai họa sĩ Nhật Trần và Nguyễn Phi Oanh là người Mỹ gốc Việt, một họa sĩ người Nhật là  Ando Saeko (đang ở Việt Nam). Tất cả các họa sĩ nữ trên đều học sơn mài từ Việt Nam. Cuộc triển lãm tôi tham dự, như cái tên dài dòng của nó, là một cuộc tập hợp rất phong phú nghệ sĩ nữ từ 8 nước: Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Mỹ và Pháp.

Họa sĩ Công Kim Hoa (phải) cùng với họa sĩ Nhật Trần (Mỹ gốc Việt)

* Chị có thể giới thiệu đôi nét về triển lãm này?- 

Đây là một dự án của nghệ sĩ nữ Nhật Bản Matsushima Sakurako, thạc sĩ mỹ thuật của Học viện Nghệ thuật Tokyo vận động tổ chức, bắt nguồn từ những cuộc triển lãm nghệ thuật trên chất liệu sơn của các họa sĩ nữ ở Bắc Kinh năm 1999, và các họa sĩ nữ từ trên khắp thế giới năm 2010, cũng ở Trung Quốc. Triển lãm lần này tập hợp tác phẩm của 31 họa sĩ nữ quốc tế, triển lãm và hội thảo đi xuyên qua ba thành phố lớn là Tokyo (14/9 - 1/10), Kyoto (6 - 21/10) và Fukushima (27/10 - 25/11). Đúng như tên gọi của triển lãm là “những rung động mới”.

Tác phẩm được lựa chọn mời tham gia không chỉ là tranh, mà là bất cứ sáng tác tạo hình nào dùng chất liệu sơn mang tính design hiện đại, giàu cảm xúc, tính độc lập và khám phá là được. Do vậy tác phẩm tham dự rất phong phú và lạ lùng. Trong đó, tranh sơn mài của Việt Nam là một tiếng nói riêng trong đại hội Urushi thế giới (từ “sơn ta” trong tiếng Nhật).

* Vậy sơn mài của ta có vị trí như thế nào trong cuộc “trăm hoa đua nở” như thế?

- Cũng thật khó nói, bởi như tôi đã nói. Xem các tác phẩm được chế từ chất liệu sơn đa dạng của các nghệ sĩ Trung Quốc, Hàn Quốc, cả những nghệ sĩ châu Âu, tôi cũng thấy thích. Tôi cho rằng mục đích, ý nghĩa của triển lãm này là muốn giới thiệu sự biến thiên phong phú của nghệ thuật, mà sơn ta - urushi như cách gọi của người Nhật - chỉ là chất liệu gốc, còn lại là năng lực sáng tạo, thẩm mỹ và cảm xúc của chủ thể mới quan trọng. Còn vị trí thế nào thì cứ qua số người tham dự được học sơn mài từ nguồn Việt Nam có mặt trong triển lãm này là đủ biết.

* Xin cảm ơn chị!

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm