Rộn ràng "hồn làng" Hà Nội

07/10/2012 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có người nói "Hà Nội giống một cái làng lớn". Điều này làm nhiều người Hà Nội "tự ái". Song chương trình Liên hoan múa rồng Hà Nội 2012 chiều qua (6/10) đã khiến lòng người Hà Nội nao nao nhớ về hồn làng thật đằm thắm, ân tình.

29 đội rồng với 50 đầu rồng đến từ các quận, huyện, thị trấn trong Thành phố Hà Nội đã cống hiến những màn múa rồng, múa lân cổ truyền đẹp mắt. Và hơn hết thảy, chưa bao giờ, những người Hà Nội từ mọi miền thấy gần gụi nhau đến vậy.



Vui như chú Tễu "Chí Phèo" ở hội múa rồng

2 giờ chiều, sân "đình làng", quảng trường trước cửa sân vận động Mỹ Đình chật như nêm: đám trẻ con ngồi hàng bệt xuống đất hàng trước; đám thanh niên đứng sau í ới gọi nhau, nhoay nhoáy nhắn tin; các ông bà lão được xếp ghế ngồi nghiêm chỉnh một chỗ. Thế là hội. 

Theo tiếng trống hội dồn dập, những con rồng đến từ mọi miền Hà Nội lần lượt tranh tài: rồng của huyện Gia Lâm uốn lượn nhào mình nhẹ nhàng nhưng tinh tế đậm hồn thiêng Kinh Bắc; rồng của huyện Hoài Đức lại rắn rỏi, mạnh mẽ bởi được những người trai làng vạm vỡ, lực điền điều khiển; rồng của đội Hoàn Kiếm lại chậm rãi nhịp nhàng có phần hơi lúng túng do những người trai phố cổ tay vốn không quen; còn đội rồng nữ từ quê hương Hai Bà Trưng (Mê Linh) được các mẹ, các chị điều khiển vững vàng, hiên ngang trong tiếng vỗ tay không ngớt…



Tễu "Thị Nở" tạo dáng trước khi diễn

Mỗi đội mỗi vẻ khiến người xem muốn xem hoài, xem mãi. Cứ đến một đội xuất phát, những tiếng vỗ tay, những lời kể về huyện này thế này, quận kia thế kia lại vang vang cả một góc trời. Âu đây cũng là cơ hội tốt để cái "làng" Hà Thành gặp gỡ và nhớ về nhau.

Trong lúc chờ tới lượt đội mình, ông Trịnh Binh (64 tuổi, tới từ đội Mỹ Đức) hồ hởi tâm sự: "Đội múa rồng Mỹ Đức chúng tôi có tất cả 32 cụ, từ 60 tuổi đổ lên. Cụ già nhất 92 tuổi giữ vị trí đánh trống gõ nhịp cho cả đoàn. Chúng tôi múa rồng lâu. Hồi trẻ tôi đã ở đội múa rồng của làng. Rồi năm một lần, tới hộ chúng tôi đều mang rồng ra đình làng múa. Lần đầu mang con rồng ra khỏi đình làng nên lần này chúng tôi tập luyện kỹ càng lắm. Không hẳn là vì giải thưởng đâu, cái quan trọng là trình diễn được lối múa của làng mình, huyện mình cho anh em biết."     

"Chúng tôi lên đây để giao lưu, gặp gỡ, cũng là để chứng minh con gái Mê Linh vẫn nối tiếp khí phách Hai Bà Trưng ngày nào" - chị Nguyễn Thị Huyền (Đội Mê Linh) tâm sự. 

***

"Hội" sắp tàn, song đội múa rồng Thạch Thất đã làm khán giả ngỡ ngàng. Vẫn dùng Tễu pha trò như thông thường, nhưng đội này còn "chế" mặt nạ Tễu thành hình Chí Phèo, Thị Nở. Thế là giữa "đình làng" Hà Nội, anh Chí dắt điếu cày sau lưng và cô Nở cầm nón rách trìu mến cầm tay nhau nhảy nhót cùng đội rồng lân. Tiếng cười dội vang bốn bề, lòng tôi bỗng nao nao bởi hình ảnh "đơn sơ mà thắm nồng" ấy.

"Trong nụ cười, và trong tiếng hát say mê" của ngày hôm nay, bất giác tôi nghĩ tới ngày mai. Chỉ ngày mai thôi, những đôi chân "lân rồng" dẻo dai kia sẽ lại ngược xuôi khắp các ngả đường Hà Nội trở về với đời thực: người ra đồng, người tới lớp, người kĩu kịt gánh gồng, người úp mặt vào máy tính… Và "cái làng lớn" lại trở về nhịp đập thường nhật cho tới ngày 10/10 năm sau "đến hẹn lại lên!"

Mỹ Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm